+
Aa
-
like
comment

“Cú sảy chân” nghiệt ngã của quốc gia từng là hình mẫu chống Covid-19 trở thành điểm nóng

25/06/2021 18:14

Các chính sách gây tranh cãi trong thời gian qua đã đẩy Uruguay từ quốc gia hình mẫu chống dịch thành điểm nóng dịch Covid-19, với tỷ lệ tử vong trên đầu người cao hàng đầu thế giới.

Nhân viên y tế trong một bệnh viện ở Uruguay (Ảnh: AFP).
Nhân viên y tế trong một bệnh viện ở Uruguay (Ảnh: AFP).

Enrique Soto, một bác sĩ tim mạch kỳ cựu ở Uruguay, hiểu rằng ở độ tuổi 65, ông có rủi ro cao sẽ mắc Covid-19. Con trai Marcos của ông đã cảnh báo cha, nhưng Soto nói rằng ông không thể từ bỏ bệnh nhân.

Khi ông Soto qua đời vào thời điểm làn sóng dịch bệnh thứ 2 tấn công Uruguay, cái chết của ông đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thảm họa đang xảy ra ở quốc gia Nam Mỹ bé nhỏ trong những tháng qua.

Uruguay từng được ca ngợi là hình mẫu chống dịch tốt hàng đầu thế giới, tuy nhiên, các chính sách gây tranh cãi của nước này thời gian qua đã đẩy họ trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.

Tất cả những gì đang diễn ra đã đẩy quốc gia 3,6 triệu dân – hồi tháng 6 năm ngoái còn tính đến việc tuyên bố đã sạch bóng Covid-19 – phải đặt câu hỏi vì sao mọi thứ lại diễn ra tồi tệ như vậy. “Cú sảy chân” của Uruguay cũng được xem là bài học xương máu cho các quốc gia khác.

Chính sách gây tranh cãi

Theo các chuyên gia, tình cảnh mà Uruguay đang đối mặt là kết quả của một chuỗi các quyết định của chính phủ Tổng thống Luis Lacalle Pou khi từ bỏ chính sách giãn cách xã hội khá thành công để theo đuổi chính sách mở cửa hơn, và phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực tiêm chủng.

Kết quả của việc nới lỏng chính sách giãn cách là các ổ dịch bùng phát nghiêm trọng, đẩy Uruguay vào tình cảnh trung bình 100 dân thì có 1 người mắc Covid-19 và tỉ lệ tử vong ở mức rất cao.

Uruguay hiện xếp thứ 5 trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất, với trung bình 100.000 người thì có 20,64 ca tử vong trong 2 tuần qua. Tỷ lệ này cũng đồng thời cao nhất Mỹ Latinh.

Các chuyên gia cho biết, tình hình tồi tệ ở Uruguay hiện lại là tổng hợp của nhiều yếu tố từ việc họ đã quá tự tin và chủ quan cho tới những bước tính toán chưa thực sự chính xác về tiêm chủng, cũng như việc quốc gia này nằm sát Brazil, vùng dịch lớn nhất Nam Mỹ – nơi một biến chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn mang tên P1 đã xuất hiện là lây lan.

Một trong những yếu tố được các bên mổ xẻ chính là việc chính phủ trung hữu ở Uruguay đã thay đổi gần như hoàn toàn chính sách chống dịch thành công mà họ áp dụng từ năm ngoái.

Tháng 3/2020, khi Uruguay phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, chính phủ nước này thông báo đóng cửa biên giới. Họ cũng đóng cửa các dịch vụ công cộng, hệ thống trường học, quán bar, trung tâm thương mại, dừng các trận thể thao, cấm hoạt động tụ tập tôn giáo. Người Uruguay được yêu cầu ở nhà, và hệ thống truy vết và tìm kiếm mầm bệnh được kích hoạt.

Vào tháng 6/2020, Uruguay đã có nhiều ngày không ghi nhận bất cứ ca bệnh nào.

Tuy nhiên, khi đợt bùng dịch gần nhất diễn ra, Tổng thống Lacalle Pou đã phớt lờ các lời kêu gọi phong tỏa cả nước, nhấn mạnh tầm quan trọng của “sự tự do một cách có trách nhiệm” ở người dân. Chính phủ của ông cũng cho rằng chiến dịch tiêm chủng – mới chỉ bắt đầu vào tháng 3 năm nay – là đủ để kiểm soát dịch.

Tất cả những yếu tố này đã gây khó cho đội ngũ y tế đang làm việc ở tuyến đầu.

Sau ca trực tại bệnh viện Montevideo, bác sĩ Gustavo Grecco đã tóm tắt vấn đề: “Chính phủ ngừng lắng nghe khoa học, nhóm cố vấn, các bác sĩ, các trường đại học. Kể từ tháng 2, chính phủ đã hoàn toàn phớt lờ các khuyến nghị của cộng đồng khoa học”.

Chính phủ lên tiếng

Uruguay tin rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ đẩy lùi được Covid-19 nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này là chưa đủ (Ảnh: EPA).
Uruguay tin rằng chiến dịch tiêm chủng sẽ đẩy lùi được Covid-19 nhưng giới chuyên gia cho rằng điều này là chưa đủ (Ảnh: EPA).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Daniel Salinas cho rằng, thay vì nhìn vào những con số “kinh khủng” từ đợt bùng dịch gần nhất, giới quan sát nên tập trung vào những gì Uruguay đã làm được.

Ông Salinas khẳng định chiến dịch tiêm chủng của nước này đang diễn ra tốt đẹp, với 60% người dân đã tiêm ít nhất 1 liều. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng mục tiêu của nước này trong việc tiêm chủng đủ mũi cho 80% dân số sẽ khó đạt được ít nhất trước tháng 10.

“Uruguay hiện có 43% dân số tiêm chủng đủ 2 liều, tương đương với 1,49 triệu người trên tổng số 3,6 triệu dân vào thời điểm mà biến chủng P1 (WHO định danh là Gamma) đang lây lan mạnh mẽ”, bác sĩ Alvaro Niggemeyer làm việc ở bệnh viện Montevideo cho biết.

“Chúng ta cũng chung biên giới với các nước có chủng Delta (chủng gây bùng dịch ở Ấn Độ) đang lây lan và chúng ta đang hành động như thể là vấn đề đã được giải quyết vì chúng ta đang tiêm chủng. Thông điệp của tôi là chúng ta có 2,1 triệu người Uruguay chưa miễn dịch. Chúng ta đang ghi nhận mầm bệnh lây nhiễm tốc độ cao và có những biến thể có tỷ lệ tử vong cao hơn ở người trẻ”, ông Niggemeyer nhấn mạnh.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mario Bergara, thành viên của đảng cánh tả đối lập Frente Amplio, chỉ trích chiến lược chống dịch của chính phủ vì không lắng nghe giới khoa học và nó đã dẫn tới những cái chết lẽ ra là “có thể ngăn chặn được”.

Uruguay cho tới nay ghi nhận 361.994 ca Covid-19 (tương đương 1/10 dân số), và 5.413 ca tử vong vì Covid-19. 

Đức Hoàng (Gủadian)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều