+
Aa
-
like
comment

‘Cứ sáng cắp ô đi, tối cắp về thì đất nước khó thịnh vượng’

31/12/2019 20:26

Theo Thủ tướng, mỗi người đều phải có khát vọng vươn lên, còn cứ sáng cắp ô đi, tối cắp về, không có khát vọng phát triển thì đất nước khó thành công, thịnh vượng.

Kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị lần này có sự tham dự của 15 ủy viên Bộ Chính trị, 10 Bí thư TƯ đảng; 60 Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch tỉnh và các cơ quan địa phương, tập đoàn, tổng công ty…

Hội nghị nhận được 36 kiến nghị phát biểu trực tiếp của 13 địa phương và 366 kiến nghị bằng văn bản.

'Cứ sáng cắp ô đi, tối cắp về thì đất nước khó thịnh vượng'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Ý Đảng, lòng dân, tinh thần DN” cùng với kinh tế xã hội và môi trường là công thức 3 trong 1 của sự phát triển thịnh vượng và bền vững

“Chúng tôi hết sức lắng nghe. Đây là thông tin cần thiết để Chính phủ xử lý các vấn đề đặt ra. Tôi giao VPCP tổng hợp báo cáo Thủ tướng xử lý, giao cho các bộ trả lời các kiến nghị này. Có như vậy kết quả hội nghị mới rõ, mới tốt được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Môi trường văn hoá bị ô nhiễm cũng độc hại không kém

Thủ tướng nhắc lại đánh giá của Tổng bí thư và khẳng định: “Chưa bao giờ Việt Nam có một cơ đồ như thế. Đó là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.

Thủ tướng cũng lưu ý, địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn. “Phải nâng thành khát vọng phát triển của bộ ngành mình, địa phương mình. Vai trò của các bộ trưởng, của chủ tịch UBND các tỉnh phải được phát huy, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, bất cập. Không để tình trạng quý 1 chúng ta trở lại như cũ, lặp lại những bất cập, yếu kém chúng ta đã nói trong ngày 31/12 này”.

Theo Thủ tướng, phải mở rộng thông điệp “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, thành “không đánh đổi môi trường, văn hoá và văn minh xã hội lấy kinh tế”.

“Môi trường văn hoá bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, ông nhấn mạnh.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hoá và văn minh xã hội. Có như vậy mới bền vững, người dân mới yên tâm.

“Những xuống cấp về đạo đức thời gian qua khiến chúng ta đau lòng, vì thế chúng ta phải chuyển hướng mạnh mẽ. Kinh tế xã hội phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc phải được gìn giữ; hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn”, Thủ tướng nói.

Hội nghị lần này có sự tham dự của 15 ủy viên Bộ chính trị, 10 bí thư TƯ đảng; 60 bí thư tỉnh ủy, thành ủy

Theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật. Ngoài ý chí của mình còn một khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

“Kinh doanh phải gắn với vấn đề xã hội, chứ kinh doanh đó không phải chỉ lo cho gia đình, cho bản thân. Điều này rất quan trọng, có như vậy cả dân tộc mới thành sức mạnh. Nếu không thì người dân nghèo vẫn cứ nghèo, người giàu cứ giàu, đó là lo ngại của chúng ta”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, “ý Đảng, lòng dân, tinh thần DN”, cùng với kinh tế xã hội và môi trường đều là công thức 3 trong 1 của sự phát triển thịnh vượng và bền vững. “Tôi nhấn mạnh thông điệp này, người dân mong muốn cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần, kinh tế và văn hoá”.

“Anh ở Tây Nam Bộ, miền núi phía Bắc, miền Trung hay Tây Nguyên thì đều phải có khát vọng về tỉnh mình, địa phương mình phát triển vươn lên. Còn cứ sáng cắp ô đi, tối cắp về, không có khát vọng phát triển trong từng cơ quan đơn vị, từng địa phương thì đất nước khó thành công, thịnh vượng”, Thủ tướng phân tích.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, quả bóng thuộc về chúng ta thôi, chúng ta phải chỉ đạo liên tục. Đầu tiên là phải nhìn thấy những tồn tại, bất cập, khuyết điểm, yếu kém.

“Hiện các địa phương còn ngại, chưa dám nói hết với các bộ, Chính phủ, đó là sự chậm chạp trong một số việc giải quyết của chúng ta”, Thủ tướng nêu thực tế.

Sống trên dư luận là không được

Theo Thủ tướng, Chính phủ cần tiếp thu 4 bài học, 5 nhiệm vụ như phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề ra trong bài phát biểu hôm qua.

Trong đó, ông nhấn mạnh đến bài học đoạn kết như Bác Hồ nói “phải giữ gìn đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Từ sự đoàn kết ấy mà quyết tâm tiến công vào công việc được Đảng, nhà nước giao cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân.

“Tôi xin nói thật là quyết tâm này còn thấp trong một bộ phận cán bộ. Khí thế, trách nhiệm chưa phải là cao. Có tâm huyết mới có sáng tạo được, còn làm lờn vờn thì không bao giờ có sự sáng tạo”, Thủ tướng nhắc nhở.

Nói về bài học đồng thuận, Thủ tướng lưu ý: “Sống trên dư luận, không lắng nghe ý kiến của dân thì không được”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng không quên lời căn dặn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước: “Tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn với những kết quả, thành thích đã đạt được” và đề nghị các địa phương, các ngành, các thành viên Chính phủ không được chủ quan, “đừng cho rằng mình đã có nhiều thành tích”.

Thủ tướng đề nghị tập trung vào 6 vấn đề trọng tâm trong năm 2020, trong đó có việc tăng cường kỷ luật kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm các vi phạm.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, một số tỉnh, một số bộ ngành không giữ kỷ cương kỷ luật nghiêm nên chủ trương rất nhiều, nhưng thấm vào để ra sản phẩm vật chất tinh thần cho xã hội chưa được nhiều, thậm chí bị kiềm chế.

“Văn bản ngâm mất 3-4 tháng không chịu trình ký, không chịu đề xuất giải pháp, né tránh, đẩy qua đẩy lại. Ở địa phương sở này sở kia vẫn đổ trách nhiệm cho nhau, cái gì có lợi cho bộ ngành mình thì làm còn không có lợi thì không chịu làm”, Thủ tướng lưu ý.

Thu Hằng – Hồng Nhì/VNN

Bài mới
Đọc nhiều