+
Aa
-
like
comment

Cú quay xe cực gắt của Mỹ khi Nga tuyên bố “khóa van vô thời hạn”

Bảo Trâm - 07/03/2022 07:12

Trang New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tới Venezuela vào ngày 5/3 để gặp chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro, ngay khi Nga tuyên bố “khóa van vô thời hạn” nguồn cung khí đốt sang Châu Âu.

Đặc biệt, động thái kéo giãn trừng phạt tại Venezuela cũng được đưa ra khi chính quyền ông Biden đẩy mạnh nỗ lực tách Nga khỏi các đồng minh quốc tế còn lại trong bối cảnh mối mâu thuẫn ngày càng gia tăng ở Ukraine.

Theo đó, ngày 5/3, một phái đoàn Mỹ do Juan Gonzalez – cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về khu vực Mỹ Latin – và Đại sứ James Story đã hội đàm với Tổng thống Nicolas Maduro và Phó tổng thống Delcy Rodriguez.

Đây là cuộc thảo luận cấp cao lần đầu tiên giữa hai bên trong nhiều năm qua, tuy nhiên cuộc thảo luận này đạt được rất ít tiến triển và hai bên chưa thể để đi đến một thỏa thuận chung, theo New York Times.

Cuộc thảo luận trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ muốn tìm các nguồn cung cấp dầu mỏ thay thế cho nguồn cung cấp dầu mỏ từ Nga. Venezuela được cho là có thể tăng lượng xuất khẩu dầu thô sang Mỹ nếu Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.

Venezuela nằm trong nhóm các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nguồn: CIA World Factbook.

Tại cuộc thảo luận, Mỹ đã tìm kiếm những đảm bảo về các cuộc cải cách sâu rộng trong ngành dầu mỏ của Venezuela để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu của các công ty nước ngoài. Ngoài ra, phía Mỹ đã tỏ ý nhượng bộ khi tuyên bố sẵn sàng xem xét việc tạm thời cho phép Venezuela sử dụng hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Trong khi đó, chính quyền Venezuela cho biết muốn thông qua cuộc thảo luận để tìm cách dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, cũng như các lệnh trừng phạt đối với các quan chức của nước này và đặt trở lại chi nhánh của công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA tại Mỹ Citgo Petroleum dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Tổng thống Nicolás Maduro

Được biết, Venezuela đã phải hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt và sự cô lập ngoại giao của Mỹ kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị hồi đầu năm 2019. Chính phủ Venezuela đã lên án các biện pháp trừng phạt này vì đã khiến nước này không thể thực hiện các giao dịch quốc tế để mua hàng hóa và nguyên liệu cần thiết phục vụ đời sống của người dân.

Trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt, Venezuela đã đưa hầu hết dầu đến Bờ Vịnh của Mỹ, nơi có các nhà máy lọc dầu được xây dựng đặc biệt để xử lý các loại dầu thô nặng của Venezuela.

Ông Maduro đáp trả các lệnh trừng phạt bằng cách tìm sự giúp đỡ về kinh tế và ngoại giao từ Nga, cũng như từ Iran và Trung Quốc. Các công ty năng lượng và ngân hàng của Nga là nơi tạo điều kiện để Venezuela tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ – nguồn ngoại tệ lớn nhất của đất nước – bất chấp các lệnh trừng phạt, theo các quan chức Mỹ, các quan chức và doanh nhân Venezuela.

Cuộc tấn công của Nga tại Ukraine đã khiến Mỹ chú ý hơn đến các đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin ở Mỹ Latinh. Mỹ tin rằng có thể điều này sẽ trở thành mối đe dọa an ninh nếu mối quan hệ của Venezuela với Nga ngày càng sâu sắc, một số quan chức giấu tên nói với New York Times.

Khi nền kinh tế của Nga suy thoái, Mỹ đang nắm bắt cơ hội để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình giữa các nền chuyên quyền ở Mỹ Latinh, nơi có thể bắt đầu coi ông Putin là một đồng minh ngày càng yếu kém.

Khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu xem xét các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, một số thành viên lưỡng đảng ở Mỹ đã chỉ ra rằng Venezuela là một sự thay thế tiềm năng.

Francisco Monaldi, một chuyên gia về năng lượng của Venezuela tại Đại học Rice ở Houston, cho biết nếu Mỹ ngừng nhập khẩu dầu của Nga, Venezuela sẽ có thể thay thế một số nguồn cung mà Mỹ thiếu hụt.

Ông Maduro tỏ ra cởi mở khi thảo luận về các thỏa thuận dầu mỏ với Mỹ. Ông nói trong một bài phát biểu hôm 4/3: “Đây là dầu mỏ của Venezuela, luôn sẵn sàng cho bất kỳ ai muốn sản xuất và mua nó, có thể là nhà đầu tư từ châu Á, châu Âu hoặc Mỹ”.

Ông Maduro và các đồng minh khác của Nga ở Mỹ Latinh không tham gia vào vấn đề Ukraine. Venezuela, Nicaragua và Cuba đã bỏ phiếu trắng hoặc không bỏ phiếu đối với hai nghị quyết được đề xuất tại Liên Hợp Quốc trong tuần này nhằm lên án chiến dịch của Nga, đồng thời các nhà lãnh đạo của Venezuela và Cuba đã kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.

Bảo Trâm (Theo New York Times)

Bài mới
Đọc nhiều