+
Aa
-
like
comment

“Cứ ngồi bàn cãi xong thì ngành đường sắt đã chết”

17/04/2021 12:47

Với việc ngành đường sắt có nguy cơ phá sản vì vướng cơ chế, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, cứ ngồi bàn cãi với nhau, tới lúc bàn xong thì ngành đường sắt đã “chết”.

Vì sao không giao vốn cho Tổng Công ty ĐSVN?

Việc giao vốn nhà nước để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động trong năm 2021, đang bị vướng cơ chế khiến cho 4 tháng qua Tổng công ty ĐSVN vẫn chưa được giao vốn và đứng trước nguy cơ phá sản.

Năm 2021, dự kiến, Tổng công ty ĐSVN được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn, các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.

Cứ ngồi bàn cãi xong phương án thì ngành đường sắt đã "chết" - Ảnh 1.
Ngành đường sắt Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021 và có thể phá sản bất cứ lúc nào.

Theo đại diện Bộ GTVT, lý do dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ việc vào năm 2019, Tổng công ty đường sắt VN chuyển sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

Tuy nhiên, khi chuyển về Ủy ban vốn Nhà nước, chỉ chuyển phần doanh nghiệp, nghĩa là Tổng công ty ĐSVN về Ủy ban vốn Nhà nước còn kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn do Bộ GTVT quản lý chuyên ngành. Hàng năm, nguồn ngân sách bảo trì đường sắt vẫn do Bộ GTVT phụ trách tiếp nhận, giao vốn và thanh quyết toán, chứ không được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước.

Trong khi đó, Bộ GTVT lại không thể giao nguồn ngân sách bảo trì đường sắt cho Tổng công ty ĐSVN quản lý, vì như vậy là giao cho doanh nghiệp ngoài ngành, không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước. Đây cũng chính là lý do Bộ GTVT chưa giao dự toán vốn năm nay cho Tổng công ty ĐSVN.

Phân tích về cơ chế cấp vốn cho Tổng công ty ĐSVN, trao đổi với PV Dân Việt, GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: “Tổng công ty có nhiều dấu ấn lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt, đường sắt cũng từng là một thành tựu và là niềm tự hào của ngành giao thông vận tải. Không thể ngờ, ngành đường sắt lại có ngày đứng trước nguy cơ lớn là phá sản”.

“Nhà nước không thể đứng nhìn ngành đường sắt “chết đứng” mà phải cứu trợ một cách khẩn cấp để tồn tại”, GS. Lã Ngọc Khuê nêu quan điểm.

GS. Lã Ngọc Khuê cho biết: “Trong lúc nguy cấp, thì càng phải đẩy nhanh các quá trình, rót vốn chứ không thể cứ ngồi bàn cãi với nhau, thì không biết đến bao giờ mới xong. Có khi tới lúc bàn xong phương án thì ngành đường sắt đã phá sản rồi”.

Cứ ngồi bàn cãi xong phương án thì ngành đường sắt đã "chết" - Ảnh 2.
Gà Hà Nội là biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam.

Cơ chế cũ đã có, cứ thế mà thực hiện!Theo GS. Lã Ngọc Khuê, hàng vạn người lao động của ngành đường sắt đã mấy tháng liền không có lương thì thực sự rất thương tâm cho một ngành từng là tự hào của ngành giao thông.

Chúng ta vẫn thường nói: “Lấy lực lượng lao động, doanh nghiệp là trung tâm để phát triển kinh tế”, nếu cứ để như thế này thì liệu có đúng với phương châm mà Đảng đã chỉ thị cho chúng ta làm không?

“Ngành đường sắt đang khốn cùng như thế thử hỏi nếu đây là người thân của mình thì liệu chúng ta có ngồi yên được không?, GS. Lã Ngọc Khuê đặt câu hỏi.

Đối với các quan điểm cho rằng, hiện nay, việc cứu ngành đường sắt đang bị vướng cơ chế, GS. Lã Ngọc Khuê bày tỏ quan điểm: “Cơ chế là do chúng ta đặt ra, chứ đâu phải tạo hoá tự sinh ra như thế!. Chúng ta có quyền sửa đổi cơ chế để phù hợp với xu thế phát triển”.

GS. Lã Ngọc Khuê cho hay, tất nhiên, các thủ tục phải có trình tự, nhưng trong trường hợp cấp bách thì phải báo cáo với Đảng, Chính phủ để có một thể chế nào đó để mà cấp cứu khẩn cấp. Chứ bây giờ các Bộ cứ ngồi đó mà cãi nhau về cơ chế thì bao giờ mới tháo gỡ được.

Trước đây, hàng năm đã có cơ chế rót vốn cho ngành đường sắt rồi, cơ chế này rất hiệu quả và bền vững, có tác dụng rất tốt thì tại sao không áp dụng như thế, mà phải thay đổi làm gì”. Cơ chế cũ đã có, thì cứ thế mà thực hiện thôi, không cần phải nghiên cứu, bàn cãi với nhau làm gì cho mất thời gian. Nếu cơ chế cũ bị phá đi rồi, thì có thể áp dụng lại.

Trong khi đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty ĐSVN đánh giá đề xuất của Bộ GTVT giao vốn cho Cục Đường sắt Việt Nam sẽ “phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt, làm triệt tiêu động lực của ngành”.

“Việc giao vốn cho Cục Đường sắt quản lý vốn bảo trì là thêm cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, gia tăng giấy phép con”, ông Minh nói thêm.

Cũng theo ông Minh, Tổng công ty ĐSVN sẽ phải điều hành giao thông trong điều kiện hệ thống đường sắt bị chia cắt do quá nhiều chủ thể quản lý. Đề xuất này sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Kinh nghiệm thế giới là hạ tầng đường sắt quốc gia được giao cho các doanh nghiệp nhà nước bảo trì; cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp tham gia. Do đó, Tổng công ty ĐSVN kiến nghị Chính phủ giao thẳng vốn cho Tổng công ty như các năm trước đây để doanh nghiệp điều hành tập trung, tránh cấp trung gian.

Thế Anh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều