Cụ Mơ xin được thoát nghèo nhường trợ cấp cho người khác và câu chuyện xã hội trước đó
Câu chuyện cụ Mơ hơn 80 tuổi ở Thanh Hóa xin trả sổ hộ nghèo đã trở thành tâm điểm gây “sốt” cộng đồng những ngày qua. Hành động của cụ không chỉ là bài học về trách nhiệm xã hội, mà còn là bài học về nhân cách, về lòng tự trọng của mỗi cá nhân. Thế nhưng thực tế với một số nhân vật, hành trình làm giàu của họ được đánh đổi bởi sự khánh kiệt của nhiều người khác. Khi tài sản của những người này càng tăng lên, lòng tự trọng lại càng xuống thấp và không còn chỗ cho sự thanh thản.
Cụ Mơ xin thoát nghèo và câu chuyện cảm động xã hội sau đó
Trong khi nhiều hộ gia đình mong được là hộ nghèo, thậm chí có những câu chuyện vận động để được lọt danh sách hộ nghèo nhằm trục lợi chính sách thì mới đây câu chuyện cụ Mơ xin thoát nghèo với lý do, cụ thấy mình không còn nghèo, “Bản thân mình đang giúp được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, không hà cớ gì lại ghi danh hộ nghèo, là gánh nặng cho chính quyền, cho Đảng và Nhà nước”, cụ Mơ nói.
Cụ bà Đỗ Thị Mơ (thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) năm nay đã 83 tuổi. Các con đều đi làm ăn xa, sống một mình trong căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 20 m2 thế nhưng 2 năm nay, cụ vẫn luôn nhất quyết trả sổ nghèo cho Ủy ban nhân dân xã. Ở lại thì dễ nhưng xin ra thì lại rất khó, hiện những mong muốn của cụ Mơ vẫn trong tình trạng xét duyệt dù đã 2 năm trôi qua.
Chẳng ai quan tâm cụ Đỗ Thị Mơ có bao nhiêu của cải nhưng chỉ nhìn vào hành động của cụ họ thấy cụ là người lương thiện, là người “giàu” danh dự, “giàu” tự trọng. Thoát được cái nghèo về vật chất đã khó, nhưng để thoát được cái nghèo về tư duy, về nhận thức như cụ Mơ đã làm xem ra còn khó hơn nhiều.
Câu chuyện không dừng lại ở đó, lý do cao cả khiến cho cộng đồng xã hội tán dương chính là mong muốn thoát khỏi hộ nghèo để làm gương cho những người khác, cố gắng nỗ lực. Dù ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ Mơ vẫn linh hoạt, sức khỏe dẻo dai và trò chuyện rất cởi mở, vui vẻ. Cụ Mơ còn hay đọc thơ răn dạy con cháu.
Cụ Mơ bảo: “Cũng có nhiều người khuyên bảo cụ không nên xin thoát nghèo, vì dẫu sao cụ cũng đang ở có một mình, tuổi cao sức yếu. Nếu là hộ nghèo sẽ được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước”. Tuy nhiên, với tâm niệm có làm có ăn, không trông chờ ỷ lại vào ai nên quyết định của cụ là không thay đổi. Suất hộ nghèo của cụ để dành cho những trường hợp khó khăn hơn.
Trả lại sổ hộ nghèo, tức là trả lại tiền trợ cấp theo chính sách của Nhà nước dành cho hộ nghèo. Trả lại lợi ích mình được hưởng quả là một việc làm không dễ đối với không ít người.
Không ít người cứ thấy lợi là vơ vào thân, nhất là một số cán bộ
Hiện nay, không ít người trong xã hội cứ thấy lợi là vơ vào. Có những cán bộ cứ hở ra là trục lợi, là vơ vét. Không thiếu những câu chuyện kiểu như: dê, bò, tiền… rủ nhau lạc vào nhà quan, và sau đó nó được giải thích là do nhầm lẫn.
Và những câu chuyện hài nực cười vẫn cứ xảy ra trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo. Từ cán bộ cho đến người thuộc diện hưởng chế độ chính sách, không ít trường hợp lại không muốn thoát nghèo, thậm chí muốn gắn mác nghèo suốt đời để hưởng lợi.
Cá biệt có cả những trường hợp không hề nghèo (theo tiêu chí “chuẩn nghèo” của Chính phủ) nhưng lại lợi dụng những kẽ hở của chính sách để lập hồ sơ giả, hồ sơ khống nhằm trục lợi. Đây là những việc làm rất đáng lên án và xấu hổ. Không hiểu những trường hợp tiêu cực này sẽ nghĩ gì, cảm thấy thế nào sau khi hành động của cụ bà ở Thanh Hóa được cộng đồng mạng và giới truyền thông đăng tải.
Hình ảnh cụ bà hơn 80 tuổi với ngôi nhà cấp 4 đã cũ, vật dụng trong nhà khá đơn sơ, nhưng cụ Mơ vẫn khẳng khái khẳng định mình không nghèo và vẫn có khả năng giúp đỡ người khác khó khăn hơn mình. Cụ đã cho chúng ta cái nhìn về vật chất rất đỗi bình dị. Cái nghèo về vật chất có thể khó định nghĩa, bởi với người này thế này là nghèo, với người kia thế kia mới là nghèo. Giàu – nghèo về vật chất là tùy thuộc vào các tiêu chí của xã hội và góc nhìn của mỗi cá nhân mà thôi.
Tục ngữ có câu: Giấu giàu, không ai giấu được nghèo. Thường thì người ta hay bắt gặp những câu than cửa miệng về cái nghèo chứ chả mấy ai lại than rằng tôi giàu lắm bao giờ. Không nói mình giàu, nhưng khẳng định mình không nghèo thì cũng không nhiều người làm được như cụ Mơ.
Trả lại sổ hộ nghèo, mong muốn chính quyền nhường cho người khác khó khăn hơn, đúng là cụ sống không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Phẩm chất đáng kính của cụ là tấm gương sáng nói lên nhiều điều đáng để suy ngẫm đối với tất cả chúng ta.
Bất luận cụ Mơ đã thoát nghèo theo “chuẩn nghèo” của Chính phủ hay chưa, nhưng hành động xin trả lại sổ hộ nghèo, thoát nghèo của cụ Mơ ở Thanh Hóa đã trở thành câu chuyện tâm điểm gây “sốt” cộng đồng những ngày qua. Việc làm của cụ không chỉ là bài học về trách nhiệm xã hội, mà đó còn là bài học về nhân cách, về lòng tự trọng của mỗi cá nhân.
Mới đây, quyển sách Cẩm nang sale BĐS đề cập đến các chiến thuật để đi lừa người, lừa khách hàng. Tác giả của cuốn sách không phải ai xa lạ đó là CEO Nguyễn Thái Luyện của công ty địa ốc Alibaba. “Một người làm sale Alibaba, cả họ có phúc!” là nội dung trong cuốn cẩm nang của CEO này. Cuốn sách dạy con người ta cách lừa lọc, lợi dụng người khác để làm giàu cho bản thân. Việc này hoàn toàn trái với luân thường đạo lý, trái với đạo đức của con người.
Thực tế cho thấy, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn. Hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức, số quan chức giàu rất nhiều. Nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng những thông tin phản ánh về khối tài sản của quan chức cũng không ít.
Đặc biệt, tình trạng quan chức giàu bất minh từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác của họ đem lại. Đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh với chính tật xấu của những người cầm cân nảy mực, nên chính cán bộ cũng phải tự thay đổi mình.
Hồng Đinh