+
Aa
-
like
comment

Cứ mâu thuẫn là lấy mạng người!

Công Luân - 20/11/2022 09:10

Năm 2022 có gần 1.500 vụ việc và hơn 110.000 vụ án với 180.000 bị can đã được Bộ Công an xử lý và tiếp nhận. Điều đáng nói là tội phạm giết người lại gia tăng 13%; số vụ giết người thân tăng gần 5%. Đây là những báo cáo sơ bộ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV. Những con số rúng động đáng suy ngẫm.

Hình ảnh vụ 3 con gái đốt mẹ vì mâu thuẫn đất đai gây ám ảnh người dân Hưng Yên

Vụ ba cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên; Vụ người bạn trai cũ không chấp nhận chia tay lao vào đoạt mạng người yêu cũ và bạn trai của người yêu cũ với những nhát dao không thể lạnh lùng hơn; Vụ dì ghẻ và cha ruột với vẻ bọc tri thức hoàn hảo nhẫn tâm hành hạ một đứa trẻ 8 tuổi đến qua đời… Tất cả đã đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội xuống cấp.

Có một số ý kiến đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng các quy định pháp luật chưa nghiêm minh, nên những kẻ gây án bất chấp luân thường đạo lý để vi phạm pháp luật?

Thiết nghĩ, không phải do pháp luật chưa nghiêm mà do tính ích kỷ trong lòng những kẻ tội phạm tăng cao. Ở nhà không hiếu thuận với cha mẹ ông bà, ra ngoài đường coi mình là nhất thì đôi khi chỉ vì một cái nhìn cũng không ngại làm hại người khác. Rất nhiều trẻ em bây giờ không sợ ai, không bị trừng phạt khi có lỗi, sẵn sàng phản kháng kịch liệt bố mẹ, thầy cô khi bị bắt lỗi, nhắc nhở. Chúng nghĩ cuộc đời sợ mình nên sẵn sàng dùng vũ lực bất cứ lúc nào. Vậy nên tỷ lệ tội phạm bạo lực sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tới, khi thầy cô giáo càng ngày càng sợ học sinh và không dám phê bình hay phạt ai hết. Đây là điều chua chát nhưng nó đang và sẽ hiện hữu.

Nếp sống bây giờ khác xưa nhiều, có những gia đình tình cảm rời rạc, cha mẹ không có thời gian cho con cái, tình làng nghĩa xóm không còn gắn kết với nhau nhiều. Đôi khi nhà bên cạnh cũng không biết đó là ai. Thời buổi công nghệ giúp liên lạc dễ dàng, gần như là miễn phí nhưng đôi khi anh em trong gia đình cũng chẳng thèm gọi hỏi thăm nhau. Tưởng rằng công nghệ giúp con người gần nhau hơn nhưng lại ngược lại, người ta dành thời gian cho những mạng xã hội, bận bịu xem những clip cả tiếng đồng hồ nhưng lại không có nổi mấy phút gọi cho nhau.

Mâu thuẫn và thù tức cá nhân thì thời nào cũng có, lúc nào cũng có. Quan trọng là cách xử lý các mâu thuẫn, thù tức. Có thể nói trong hiện cảnh, càng ngày con người càng ứng xử bạo lực với nhau. Nhìn lại rất nhiều vụ giết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ và tỷ lệ tội phạm ở vị thành niên ngày càng tăng cao.

Đây là vấn đề nghiêm trọng cần các nhà tâm lý học và xã hội học cùng ngồi với các nhà làm luật pháp, và cả những người làm giáo dục, truyền thông nữa. Như thế mới đánh giá đúng vấn đề của xã hội hiện tại, chứ chỉ tăng mức phạt thôi là không giải quyết được vấn đề gốc của nó.

Giải pháp không phải từ bộ công an mà là từ bộ giáo dục. Và trách nhiệm cũng thuộc về cả xã hội. Nhưng rõ ràng điều thấy gần nhất là áp lực lên Bộ Công an vẫn rất nặng nề. Như Bộ trưởng Tô Lâm đã chia sẻ trước Quốc hội, có nhiều hy sinh, cống hiến, chiến công thầm lặng, bí mật của lực lượng CAND mà không thể báo cáo hết trên diễn đàn Quốc hội.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều