+
Aa
-
like
comment

Cú huých đẩy Ấn Độ ‘xoay trục’ về phía Mỹ

19/06/2020 20:11

Cuộc đụng độ ở biên giới có thể là động lực để Ấn Độ xoay trục về phía các quốc gia muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc như Mỹ.

Tuần này, đụng độ giữa lính Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai đều tuyên bố chủ quyền, đã khiến hàng chục binh sĩ thương vong, trong đó 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Mặc dù hai nước đã nhất trí giảm căng thẳng, vụ ẩu đả có thể thôi thúc Ấn Độ cân nhắc lại chính sách đối ngoại của mình.

Trong bài xã luận ngày 17/6, báo Ấn Độ Hindustan Times nói rằng “Trung Quốc muốn kiềm chế quyền lực và tham vọng của New Delhi, họ muốn Ấn Độ chấp nhận thế lấn lướt của Bắc Kinh ở châu Á và hơn thế nữa”.

Tờ báo kêu gọi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi thúc đẩy “quan hệ đối tác với Mỹ, củng cố Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) và tham gia bất kỳ nhóm nào kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại New Delhi hồi tháng hai. Ảnh: Reuters. 
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại New Delhi hồi tháng hai. Ảnh: Reuters. 

Đối thoại An ninh Bộ Tứ là diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, với các hội nghị thượng đỉnh, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự. Mặc dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, nó được nhiều người coi là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trung Quốc từ lâu đã dè chừng diễn đàn này. Đầu năm 2007, khi các cuộc họp đầu tiên của Bộ Tứ được đề xuất, Trung Quốc phản đối qua kênh ngoại giao với tất cả các bên tham gia. Cuối năm đó, Australia rút khỏi Bộ Tứ do lo ngại làm phật lòng Bắc Kinh. Liên minh bị đình trệ cho đến năm 2017, khi các cuộc họp được nối lại, phần lớn do những lo ngại ngày càng tăng đối với hành động Trung Quốc ở Biển Đông.

Không chỉ dừng lại ở Bộ Tứ, trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng giữa Modi và Trump, lãnh đạo Mỹ còn mời Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Họ cũng thảo luận về “tình hình ở biên giới Ấn – Trung”.

Trump từng nêu ý tưởng mở rộng G7 để bao gồm thêm các đồng minh như Australia và Hàn Quốc, cũng như sử dụng cuộc họp G7 năm nay để “thảo luận về tương lai của Trung Quốc”.

Ấn Độ vốn luôn lo ngại về việc xích lại quá gần Mỹ nên họ luôn tìm cách cân bằng mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi áp lực ngày càng tăng ở biên giới, cùng với mối quan hệ cá nhân ngày càng thân thiết giữa Trump và Modi, đây có thể là thời điểm hoàn hảo để xoay trục về phía Mỹ.

Việc Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào Bộ Tứ và các liên minh quân sự khác với Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho Washington, theo nhà phân tích đối ngoại Amrita Jash. Jash cho rằng “dấu ấn mạnh mẽ của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương”.

Cả New Delhi và Bắc Kinh đều bày tỏ mong xuống thang căng thẳng và giữ gìn mối quan hệ hòa bình sau cuộc đụng độ biên giới tuần này, nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính khả thi hoặc bền vững của điều này.

Aidan Milliff, chuyên gia về bạo lực chính trị và Nam Á tại Viện Công nghệ Massachusetts, dự đoán rằng tình hình Ấn – Trung có thể phát triển theo hướng giống Ấn Độ – Pakistan: xung đột ở mức thấp duy trì dai dẳng, khủng hoảng chính trị – quân sự tiếp diễn dù không leo thang thành chiến tranh.

Mối quan hệ vốn dễ lung lay của Bắc Kinh và New Delhi đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều người ở Ấn Độ đổ lỗi cho Trung Quốc về sai lầm trong cách xử lý dịch ban đầu, trong khi đó, các quan chức Trung Quốc thất vọng khi Ấn Độ không bày tỏ sự ủng hộ với Bắc Kinh tại WHO và các diễn đàn quốc tế khác.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ chỉ xoay trục sang Bộ Tứ hay Mỹ khi New Delhi tin rằng quan hệ với Bắc Kinh không thể cứu vãn, vì cả Ấn Độ và Trung Quốc có thể chịu thiệt hại vì động thái này.

Dưới thời Modi, mối quan hệ kinh tế Ấn – Trung ngày càng gia tăng. Hai nước chiếm tổng cộng 17,6% nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, thương mại song phương ước tính 84 tỷ USD trong năm 2017 – 2018 của họ chỉ là một phần nhỏ so với thương mại Mỹ – Trung, ở mức gần 600 tỷ USD.

Trước Covid-19, Trung Quốc dần nổi lên như một nhà đầu tư nước ngoài quan trọng ở thị trường Ấn Độ, nhưng xu hướng đó đã bị chặn lại bởi các quy định đầu tư mới được New Delhi thông qua, được coi là nhằm vào các công ty Trung Quốc.

Vết thương kinh tế không phải là điều duy nhất hai bên sẽ hứng chịu nếu quay lưng với nhau. Bắc Kinh sẽ bất mãn khi thấy Ấn Độ xích lại gần Mỹ và Nhật Bản, nhưng họ có thể đáp trả bằng cách tăng cường hỗ trợ cho đối thủ lớn của Ấn Độ: Pakistan.

Trung Quốc có quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự chặt chẽ với Pakistan, khiến nước này trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất trong khu vực. Từ năm 2008 đến 2017, Islamabad đã mua hơn 6 tỷ USD vũ khí của Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Trung Quốc cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, một phần không thể thiếu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Một số nhà phân tích cho rằng việc bảo vệ hành lang kinh tế này là một trong những yếu tố chính đằng sau vụ đụng độ gần đây ở dãy Himalaya.

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế với các quốc gia vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của New Delhi, bao gồm Nepal, Sri Lanka và Bangladesh. Các nước láng giềng Nam Á của Ấn Độ cũng ngày càng trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc trong Covid-19.

Đặc biệt, việc Nepal sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc khiến Ấn Độ lo ngại hai nước có thể có những thỏa thuận địa chính trị ngầm. Nepal, nước nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, tháng trước đã ban hành một tấm bản đồ quốc gia mới, bao gồm cả những khu vực Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

Tranh chấp biên giới là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, “nếu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi tiếp tục xấu đi, nó sẽ chẳng là gì so với cơn ác mộng rắc rối địa chính trị có thể nổi lên trên khắp châu Á – Thái Bình Dương”, James Griffiths, ký giả của CNN, viết.

Phương Vũ/VNE

Bài mới
Đọc nhiều