+
Aa
-
like
comment

Cú hích cho Việt Nam khi trở thành điểm nóng được các công ty công nghệ lớn săn đuổi

Huy Hoàng - 25/08/2022 17:10

Nối gót thương vụ 3 tỷ USD của Tập đoàn Samsung nhằm sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, Apple cũng chọn Việt Nam làm nơi sản xuất Apple Watch, dòng sản phẩm đòi hỏi tay nghề cao, phức tạp chứa nhiều linh kiện tinh vi và hiện đại. Vượt trội hơn nhiều nước ASEAN khác, Việt Nam đang là điểm nóng được các công ty công nghệ lớn săn đuổi. Vậy điều này sẽ mang lại cú hích gì cho Việt Nam?

Bên trong nhà máy sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc. Ảnh: Cnbc.

Hệ sinh thái công nghệ tạo cú hích cho Việt Nam vươn xa

Hiện nay các tập đoàn công nghệ như Apple, Samsung… không chỉ đơn thuần là một công ty, mà đúng hơn là một hệ sinh thái với nhiều công ty nhỏ lẻ khác phụ trợ nhau, từ đó một sản phẩm cuối mới được tạo ra và đưa đến tay người dùng. Sự chuyển dời của Apple mang ý nghĩa rất lớn bởi nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái Apple cũng sẽ tìm đến Việt Nam. Điển hình như một trong hai đối tác thống trị chuỗi cung ứng của Apple là Luxshare (Trung Quốc) và Foxxcon (Đài Loan) cũng đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại nhà máy đặt ở miền Bắc Việt Nam.

Trước mắt, nguồn vốn FDI nối gót nhau tìm tới sẽ là một động lực lớn giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu tới gần, dòng vốn FDI sẽ giúp Việt Nam đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người dân, từ đó giữ vững được đà tăng trưởng vĩ mô chung cho cả nước, kiểm soát lạm phát dưới mức 4% mà Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn nữa, cú hích mà các tập đoàn công nghệ này mang tới sẽ còn liên quan đến an ninh quốc phòng.

Việt Nam và nhiều nước khác, đặc biệt là ở khu vực ASEAN, đều đang trong một giai đoạn hết sức thách thức khi căng thẳng địa chính trị leo thang, kinh tế trên bờ vực suy thoái. Điều này đặt ra thách thức cho chính phủ các nước là làm sao vừa phải phát triển được kinh tế vừa phải chạy vạy đổ tiền ra chi tiêu cho quốc phòng. Để mất cân bằng một trong hai đều gây nguy hiểm tới quốc gia, nếu quốc phòng yếu thì an ninh sẽ bị đe dọa, kinh tế suy giảm thì bẫy nợ gia tăng. Đó là lý do mà hồi tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới cất công đến thăm và làm việc với Apple tại Mỹ.

Và cũng chỉ mới sau vài ngày thông tin Apple đầu tư vào Việt Nam được công bố thì tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương đã nhấn mạnh được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Nghị quyết được Quân ủy Trung ướng cho biết là sẽ có các giải pháp then chốt để thích ứng với tình hình mới trên thế giới.

Yêu cầu khi phát triển ngành công nghiệp lưỡng dụng là phải làm sao cho sản phẩm sản xuất ra có thể dùng cho cả quân sự lẫn dân sự. Và việc thu hút được các chuỗi cung ứng công nghệ cao đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho ngành quốc phòng tiếp cận được nhanh chóng, dễ dàng hơn với các nguồn linh kiện tinh vi của thế giới.

Từ đó, gần thì ổn định được nguồn cung vật liệu cho ngành quốc phòng, trong đó có các dòng vũ khí công nghệ cao, xa thì tạo điều kiện cho Việt Nam nghiên cứu và sản xuất ra các dòng vũ khí mới, bắt nhịp với thế giới. Thu hút được các tập đoàn công nghệ và hệ sinh thái của họ phía sau là cách làm vẹn cả đôi đường, vừa giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, vừa góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo ASEAN dự tiệc chiêu đãi và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 5

Tất nhiên, cần nhìn nhận, về lâu về dài thì bất cứ nền kinh tế hay nền quốc phòng nào để tiếp tục tăng trưởng thì cũng cần một nguồn sức mạnh nội tại vững vàng chính là doanh nghiệp trong nước. Trong đó, Tập đoàn Viettel mới đây đã trình bày mong muốn được Chính phủ cho phép được nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn.

Thế nhưng, nếu chỉ Viettel thôi vẫn chưa đủ, nên việc mời được các tập đoàn lớn về Việt Nam còn nhằm mục đích tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong nước, thúc họ gắng sức “chen chân” vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn. Từ đó, Việt Nam mới có riêng một hệ sinh thái cho mình, đảm bảo nguồn cung ổn định lâu dài cho nền quốc phòng lẫn kinh tế.

Hướng đi này Trung Quốc cũng đã từng đi, và Luxshare chính là tập đoàn nằm trong tham vọng phát triển công nghệ của chính phủ Trung Quốc. Chính Apple là người mang tới cơ hội kinh doanh cho Luxshare. Ngay từ giai đoạn Foxconn còn thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple, giới đầu tư đã chú ý tới một nhà cung cấp nhỏ ở Trung Quốc mang tên “Luxshare-ICT”. Luxshare khi đó gần như không có tên tuổi. Nhưng giờ đây, Luxshare đã gần như vượt lên Foxconn thống trị chuỗi cung ứng của Apple.

Việt Nam hiện nay thật sự đang đứng trước một cơ hội to lớn, việc một chuỗi cung ứng lớn dịch chuyển sang còn đã tạo cơ hội cho người Việt làm quen với việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, tỉ mỉ. Nhân lực đang có sẵn nên nếu chúng ta biết tận dụng, bước thêm một bước nữa đó là thúc đẩy các doanh nghiệp nội phát triển thì vị thế của quốc gia sẽ hoàn toàn thay đổi.

Việc chen chân tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn thời buổi đầu sẽ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt. Nhưng phải vượt khó thì mới có thể mang lại lợi ích cho kinh tế và quốc phòng toàn dân. Dù gì đi nữa, xuất khẩu các dòng sản phẩm công nghệ cao hoặc nguyên liệu trong chuỗi cung ứng cấu thành sản phẩm công nghệ vẫn sẽ mang lại nhiều tiền hơn việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản nông nghiệp thông thường. Samsung, Apple và các công ty công nghệ nói chung đang thực sự tạo một cú hích lớn đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều