‘Cú điện giật’ với Liên Hiệp Quốc
Những gì diễn ra tại buổi khai mạc kỳ họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ ngày 22-9 đã cho thấy tác động của đại dịch COVID-19 to lớn ra sao.
Theo Hãng tin AP, khi bắt đầu bài phát biểu, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhìn về phía phòng họp của Đại hội đồng LHQ, nơi chỉ có 1 nhà ngoại giao đại diện từ mỗi trong số 193 quốc gia thành viên LHQ được phép ngồi dự. Họ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Trong khi đó, lãnh đạo các nước phát biểu thông qua video quay từ trước.
Tâm điểm WHO
“Trong một thế giới bị đảo lộn, căn phòng này của Đại hội đồng LHQ nằm trong số những cảnh tượng kỳ lạ nhất. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc gặp thường niên của chúng ta đến mức không còn nhận ra được nữa” – ông Antonio Guterres chia sẻ.
Bình luận trên đã cho thấy tác động to lớn ra sao của đại dịch COVID-19 tới các hoạt động trên khắp thế giới. Và điều đó đòi hỏi các bên phải tìm ra giải pháp để đưa cuộc sống quay lại bình thường sớm. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói đại dịch này phải được xem như một “cú điện giật” để làm thức tỉnh Liên Hiệp Quốc, thúc đẩy hành động đa phương thêm nữa.
“Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi sự hợp tác, đòi hỏi phát minh ra những giải pháp quốc tế mới” – ông Macron nói.
Và khi nhắc đến vai trò của các bên trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khiến thế giới đảo lộn này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – cơ quan có vai trò chỉ đạo và điều phối trong vấn đề y tế toàn cầu của LHQ – là cái tên không thể không được nhắc đến. Nhiều quốc gia, đặc biệt là 3/5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ngày 22-9 đã nhắc đến WHO: có nước chỉ trích, có nước đưa ra đề xuất để tăng cường vai trò của cơ quan LHQ này.
“Trung Quốc và WHO, mà đã gần như bị Trung Quốc kiểm soát, đã tuyên bố sai trái rằng không có bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm giữa người với người. Sai trái sau đó lại được tiếp tục khi họ nói rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây bệnh” – Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu từ Nhà Trắng.
Trong khi đó, Nga nhấn mạnh vai trò điều phối trung tâm của WHO. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng việc tăng cường năng lực của WHO là cần thiết để chiến đấu với đại dịch. Ông Putin cũng cho biết chính phủ của ông lên kế hoạch tổ chức một hội nghị cấp cao trực tuyến dành cho các nước quan tâm hợp tác phát triển vắcxin ngừa COVID-19.
Còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: “Chúng ta cần đi theo tinh thần khoa học, phát huy hết mức vai trò lãnh đạo then chốt của WHO và đưa ra một phản ứng quốc tế chung để chiến đấu với đại dịch này”.
Đối đầu Mỹ – Trung
Kỳ họp thường niên LHQ kéo dài khoảng một tuần này còn chứng kiến màn đụng độ nảy lửa giữa Mỹ và Trung Quốc, khi quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang ở mức rất xấu.
Đơn cử ngay trong phần mở đầu bài phát biểu trước LHQ, Tổng thống Trump đã nhắm tới nền kinh tế nằm cách nửa vòng Trái đất: “75 năm sau khi kết thúc Thế chiến 2 và sau khi thành lập LHQ, chúng ta một lần nữa dính vào một cuộc chiến lớn trên toàn cầu. Chúng ta tiến hành một cuộc chiến dữ dội nhắm vào kẻ thù vô hình – virus Trung Quốc – đã cướp đi vô số sinh mạng ở 188 nước”.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump dùng cách gọi “virus Trung Quốc”, vốn đã vấp phải phản ứng mạnh từ phía Bắc Kinh trước đây. Tuy nhiên, việc đọc to cụm từ này trước cả LHQ rõ ràng cho thấy những bất bình to lớn của Mỹ đối với Trung Quốc về vấn đề đại dịch. Ông Trump muốn LHQ bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm vì đã “thả” dịch COVID-19 lan ra toàn cầu.
Ông Trump nhắc đến chữ “Trung Quốc” 11 lần trong bài phát biểu, chỉ trích về nhiều vấn đề khác từ thương mại tới môi trường. Báo South China Morning Post bình luận bài phát biểu năm nay của ông Trump tại Đại hội đồng LHQ chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn so với 3 bài phát biểu trong các năm trước. Năm 2017, ông chỉ đề cập Trung Quốc 1 lần.
Đáp lại, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân nói rằng các cáo buộc của ông Trump là vô căn cứ, cho rằng ông Trump đang lan truyền “virus chính trị” và kích động đối đầu tại LHQ.
Bình luận về căng thẳng Mỹ – Trung tại hội nghị LHQ, ông Richard Gowan, nhà phân tích hàng đầu về LHQ tại Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG), cho biết căng thẳng Mỹ – Trung tại LHQ leo thang kể từ lúc cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng bàn về thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, và COVID-19 là một chất xúc tác, đẩy căng thẳng giữa hai nước lộ ra ngoài.
BẢO ANH/TTO