+
Aa
-
like
comment

Cú chốt giờ chót, quân bài của TT Trump khiến Trung Quốc ngồi trên lửa

15/12/2019 07:08

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định chưa từng có, hạ thuế và chốt thỏa thuận vào giờ chót, trước thời điểm Mỹ giáng thêm đòn thuế lên hàng hóa Trung Quốc khiến giới đầu tư thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, chông gai vẫn còn ở phía trước.

“Thỏa thuận tuyệt vời”

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vừa đạt được một bước tiến quan trọng: hai bên chấp nhận xuống thang, thống nhất thỏa thuận giai đoạn 1. Theo đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ mua thêm một lượng hàng nông sản đáng kể và hàng hóa khác từ Mỹ để đổi lại là sự nhượng bộ về thuế quan của Mỹ.

Ngay sau cuộc họp báo của phía Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xác nhận thông tin này.

Theo CNBC, tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ gỡ bỏ một phần thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc và trì hoãn việc bổ sung thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa mà theo kế hoạch có hiệu lực vào ngày 15/12.

Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), phía Mỹ sẽ giữ nguyên thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhưng giảm từ 15% xuống còn 7,5% thuế đối với 120 tỷ USD các mặt hàng khác.

Đổi lại, theo Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Trung Quốc sẽ mua 40 tỷ đô la hàng hóa nông nghiệp của Mỹ.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Donald Trump cho biết, Trung Quốc đã đồng ý với nhiều sự thay đổi mang tính cấu trúc đối với vấn đề sở hữu trí tuệ và các vấn đề công nghệ và sẽ mua thêm nhiều hàng hóa nông sản, năng lượng và các đồ dùng sản xuất công nghiệp từ Mỹ. Trung Quốc sẽ sớm mua 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ.

Trước đó, theo Bloomberg, ngoài cam kết tăng mua nông sản, thỏa thuận giai đoạn 1 còn buộc Trung Quốc cam kết hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ và hai bên sẽ thống nhất không bóp méo tỷ giá hối đoái.

Còn theo Tân Hoa xã, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dài 86 trang, gồm 9 chương: lời tựa, các quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, lương thực và nông sản, các dịch vụ tài chính, tỷ giá hối đoái và minh bạch, mở rộng thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp, và các điều khoản cuối cùng. Thỏa thuận còn bao gồm một hệ thống giải quyết mâu thuẫn giữa các bên.

Trao đổi với báo chí, ông Trump cho biết đây là một “thỏa thuận tuyệt vời.

Cú chốt giờ chót, quân bài của TT Trump khiến Trung Quốc ngồi trên lửa
Căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt.

Hiện tại, thoả thuận này vẫn cần được thông qua các thủ tục pháp lý để Washington và Bắc Kinh có thể ký kết. Theo đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, 2 nước dự kiến sẽ ký thỏa thuận trong tháng 1/2020 tại Washington.

Donald Trump “giữ quân bài lớn”, Trung Quốc ngồi trên lửa

Hạ thuế là một quyết định chưa từng có kể từ khi ông Donald Trump lên nắm chính quyền và cũng là lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc nổ ra và kéo dài 18 tháng qua.

Thỏa thuận giai đoạn 1 cũng được ông Trump đánh giá là “tuyệt vời đối với cả 2 bên” và 2 bên sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán về thoả thuận thương mại giai đoạn 2, thay vì chờ đợi đến cuộc bầu cử năm 2020.

Nhưng nhiều chuyên gia, trong đó có cả những người từ phía Trung Quốc cho rằng, thỏa thuận lần nãy có lẽ chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng Mỹ-Trung trong ngắn hạn, chứ không dự báo một triển vọng tốt đẹp lâu dài.

Ông Donald Trump cho biết vẫn giữ quân bài lớn cho đàm phán Giai đoạn 2.

Trên SMCP, cố vấn chính phủ Trung Quốc Shi Yinhong cho rằng điều đầu tiên mà ông Trump quan tâm là việc Trung Quốc mua 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong năm 2020 nhưng ông Yinhong nghi ngờ về khả năng thị trường Trung Quốc có nhu cầu hấp thụ hết các sản phẩm đó.

Cũng theo ông Yinhong, nếu Trung Quốc lưỡng lự không thực hiện cam kết hoặc lỡ mốc thời gian theo thỏa thuận thì chính quyền ông Trump rất có thể sẽ áp thuế trở lại.

Trong khi đó, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh Wang Yong cũng lo ngại về tính khí hay thay đổi của tổng thống Donald Trump.

Trên thị trường tài chính, trong phiên cuối tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng mạnh lên các mức kỷ lục mới vào đầu phiên giao dịch nhưng sau đó đánh mất mất lớn số điểm tăng thêm. Sự nghi ngờ về tương lai một thỏa thuận toàn diện vẫn rất lớn.

Với ông Trump, mọi tuyên bố vẫn khá rõ ràng theo hướng chơi bài ngửa.

Cú chốt giờ chót, quân bài của TT Trump khiến Trung Quốc ngồi trên lửa
Mâu thuẫn Mỹ-Trung lên cao và dự báo chưa thể sớm giải quyết.

Sau tuyên bố Mỹ và Trung Quốc sẽ ngay lập tức bước vào đàm phán giai đoạn 2, ông Trump cũng không quên cho biết phía Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đây là “một quân bài lớn” để chính quyền ông đem ra đàm phán với Trung Quốc về giai đoạn 2.

Trên thực tế, nội dung thỏa thuận giai đoạn 1 đã có phần mở rộng liên quan tới một số vấn đề quan trọng như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ tài chính… nhưng vẫn chưa bao gồm những vấn đề lớn nhất. Đó là sự thay đổi chính về mặt cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có vấn đề nan giải như chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa mà ông Trump muốn thực hiện bằng được.

Cũng ngay sau khi đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, phía Mỹ đã dọa sẽ áp thuế Trung Quốc nếu có tranh chấp. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết, nếu giữa Mỹ và Trung Quốc phát sinh tranh chấp thương mại mà không thể giải quyết được thì Mỹ sẽ sử dụng các công cụ thuế quan.

Ở vào thời điểm hiện tại, một thỏa thuận là cấp thiết đối với cả 2 bên. Ông Trump muốn một nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng, chứng khoán Mỹ ở đỉnh cao lịch sử ở vào mùa cao điểm mua sắm dịp Giáng sinh và năm mới và cần sự ủng hộ của đông đảo người nông dân trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc cần lập lại sử ổn định kinh tế sau khi chịu nhiều tác động từ cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua, với tốc tăng trưởng kinh tế thấp nhất gần 3 thập kỷ; kim ngạch xuất sang Mỹ tụt giảm tháng thứ 12 liên tiếp…

Nhưng về dài hạn, mâu thuẫn Mỹ-Trung còn rất lớn và không chỉ là xung đột về thương mại. Ngay sau thỏa thuận của ông Trump, phía Dân chủ đã đưa ra một loạt những lời chỉ trích, trong có đề cập tới việc thỏa thuận có thể khiến Mỹ mất lợi thế buộc Trung Quốc giải quyết những vấn đề quan trọng nhất là chính sách trợ cấp doanh nghiệp nội địa, ép buộc chuyển giao công nghệ…

Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 có lẽ chỉ là một bước hạ nhiệt tạm thời trước khi nóng trở lại.

M. Hà/VNN

Bài mới
Đọc nhiều