+
Aa
-
like
comment

Cú bắt tay lịch sử đe dọa “làm bốc hơi” vị thế đồng USD

Huy Hoàng - 23/03/2022 18:12

Trong khi phương Tây còn đang hả hê vì các đòn “vũ khí tài chính” đã giáng xuống đầu nước Nga, họ không ngờ rằng một làn sóng khác mang tên “hạ bệ USD” đã chính thức được bắt đầu…

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga.

Tại nước Nga, đồng USD đã “bốc hơi” khỏi nền kinh tế 140 triệu dân, để lại một khoảng trống rộng lớn cho đồng Nhân dân tệ (NDT) chiếm lấy thị phần.

Tuần trước, các ngân hàng Nga bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT cho biết, họ đang xem xét chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay do Nhà nước Trung Quốc điều hành. Hôm 11/3, ngân hàng VTB của Nga cũng đã mở gói dịch vụ, cho phép công dân nước Nga mở tài khoản tiền gửi bằng NDT với lãi suất lên đến 8%/năm.

Các ngân hàng Nga đang thu hút một lượng lớn khoản tiền gửi bằng NDT và việc đó là nhằm để chứng minh “Nga vẫn sống ổn kể cả khi không có USD”.

Đồng NDT giúp gì cho nước Nga?

Các lệnh cấm vận ngặt nghèo của phương Tây, đồng Euro của châu Âu và USD của Mỹ bị cấm thanh khoản tại Nga. Điều đó kéo theo tỷ giá hối đoái giữa USD và Euro đã tăng mạnh so với đồng Rúp Nga. Trước khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, đầu năm 2021, 1 USD quy đổi được 70-80 Rúp. Tuy nhiên, sau khi các lệnh cấm được ban hành, phải cần khoảng 117 Rúp Nga mới đổi được 1 USD.

Đồng Nhân dân tệ đang “trợ lực” cho Điện Kremlin.

Lệnh cấm vận đã khiến đồng Rúp rớt giá thảm hại, sụt giảm tới 40%, buộc Nga phải dùng NDT để thanh toán trong các giao dịch quốc tế. Hành động trên chính là nhằm để giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bởi hiện nay, chỉ cần 15 Rúp là đã đổi được 1 NDT, mà 1 NDT lại tương đương 0.16 USD. Nói cách khác, thông qua NDT, Nga sẽ chỉ cần bỏ ra 97 Rúp (thay vì 117 Rúp) cho mỗi đồng USD để mua hàng hóa của nước ngoài.

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nga đạt mức 293,42 tỷ USD. Cấm vận đồng USD có nguy cơ khiến con đường nhập khẩu nước Nga bị tắc nghẽn nặng nề. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố “vẫn sẽ thương mại bình thường” với Nga đã gián tiếp làm suy yếu các lệnh cấm vận của phương Tây. Đồng NDT dù không mạnh được như đồng USD, song Nga vẫn có thể dùng nó để mua hàng hóa từ bên ngoài, nhất là nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Phép thử của phương Tây đã không mang lại kết quả như mong đợi. Những tưởng cấm vận đồng USD và Euro sẽ làm kinh tế nước Nga tê liệt. Nhưng thực tế thì chỉ thấy đồng USD đang mất dần vị thế ở một phần trên bản đồ kinh tế thế giới.

Nền kinh tế Nga vẫn không sụp đổ như mong đợi của phương Tây.

Tuy nhiên, nếu chỉ có nước Nga chuyển sang dùng NDT thì câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng sợ với nước Mỹ. Bởi dù sao, NDT vẫn chỉ chiếm ít hơn 3% trong các giao dịch thanh toán quốc tế, còn đồng Rúp chỉ đại diện cho 0,27% giao dịch toàn cầu. Dù Nga-Trung có thuyết phục được các đối tác Ấn Độ, ASEAN, Việt Nam, ASEAN… chuyển sang thanh toán trực tiếp bằng Rúp hoặc NDT, thì vị thế của hai đồng tiền này vẫn không sánh được với USD. Lý do đơn giản là 80% giao dịch dầu thô toàn cầu hiện nay đều được thanh toán bằng tiền tệ của Mỹ.

Dầu mỏ vẫn là hàng hóa cơ bản nhất của thế giới. Nhu cầu đối với mặt hàng này là gần như không đổi vào thời điểm hiện nay. Các nước luôn có nhu cầu mua dầu mỏ và việc nó gắn chặt với đồng USD, tức có nghĩa là phải có USD mới mua được dầu mỏ, đã khiến cho nhu cầu sở hữu đồng USD luôn luôn ở mức cao.

Giàn khoan Dolginskoye tại biển Pechora, ngoài khơi nước Nga.

Một mặt, các nước phải dự trữ đồng USD trong ngân khố quốc gia để khi giá dầu thô biến động bất chợt thì vẫn đủ tiền chi tiêu cho nhu cầu năng lượng trong nước. Mặt khác, chính vì ai cũng phải mua dầu mỏ, cho nên ngay cả các giao dịch mua bán hàng hóa thông thường cũng dựa trên đồng USD. Bởi chỉ như vậy, bên bán mới thu về được các đồng tiền mệnh giá USD, dùng nó để tiếp tục mua thêm dầu dùng vào tái sản xuất, duy trì nền kinh tế.

Mọi quốc gia đều phải dự trữ USD.

Hệ quả là đồng USD thống lĩnh thị trường thanh toán toàn cầu, bất kỳ nước nào cũng dự trữ và trao đổi bằng đồng USD, khiến cho một lượng lớn tiền mệnh giá USD được phát hành ra khắp thế giới, lấn át tất cả các đồng tiền khác. Và hiển nhiên, không có nước nào có quyền in thêm USD ngoài Mỹ. Điều đó đồng nghãi tất cả quyền lực kinh tế đều tập trung vào một nơi duy nhất. Do đó, một khi Mỹ ban hành lệnh trừng phạt, các nước đều phải rụt rè lo sợ.

Cú bắt tay lịch sử đe dọa “làm bốc hơi” vị thế đồng USD

The Wall Street Journal ngày 15/3 đưa tin, Ả Rập Xê Út đang thảo luận tích cực với Trung Quốc về việc định giá một phần doanh số bán dầu của mình cho Bắc Kinh bằng đồng NDT.

Trung Quốc đang mua hơn 1/4 lượng dầu xuất khẩu của UE, và Bắc Kinh đang thuyết phục vương quốc này chấp nhận để Trung Quốc thanh toán NDT thay vì USD như trước đây. Tờ báo Mỹ đưa tin: “Các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia đang diễn ra với tần suất thường xuyên hơn, và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm Ả Rập Xê Út vào cuối năm 2022”.

Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman bắt tay cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng đỉnh G20 năm 2016.

Cái gật đầu của Ả Rập Xê Út quả thực rất đáng sợ, bởi họ là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Nếu Ả Rập Xê Út chấp thuận thanh toán bằng đồng NDT, đây sẽ là tiền lệ cho các quốc gia xuất khẩu dầu thô khác như Nga, Angola, Iraq… ngả theo và “thay máu” đồng USD bằng một đồng tiền khác. Hệ quả một phần lớn lượng dầu thô trên thế giới sẽ không còn được thanh toán bằng đồng bạc xanh.

Việc đó sẽ khiến các nước sẽ không còn quá phụ thuộc vào đồng USD, các quốc gia sẽ mạnh dạn đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của mình, trong đó đồng USD sẽ không còn chiếm ưu thế áp đảo như trước đây. Các giao dịch quốc tế cũng vì vậy mà dần thiếu vắng sự hiện diện của USD và cuối cùng là lệnh trừng phạt, đe dọa của Mỹ cũng mất đi sức nặng của nó.

Nhân tố làm nên sự bền vững của đồng USD đang mất dần niềm tin vào Washington

Theo tờ Nikkei Asia, tính đến năm 2020, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm 5 năm liên tiếp, chỉ còn còn 59%, mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ. Nguyên nhân của sự suy giảm nhu cầu dự trữ trên là do những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Nga đang ngày càng rời xa đồng USD. Nga-Trung đã dần dịch chuyển và trao đổi hàng hóa bằng đồng nội tệ của nhau. Hai quốc gia trên cũng đang xúc tiến một chính sách tương tự với các đối tác nước ngoài của mình như Ấn Độ và các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, “viên gạch” quan trọng nhất vẫn là Ả Rập Xê Út. Nếu Ả Rập Xê Út đồng ý để Trung Quốc thanh toán dầu mỏ bằng NDT, nó sẽ cưa đôi miếng bánh thị phần của đồng USD cho các đồng tiền khác.

Từ lâu, Ả Rập Xê Út đã chấp nhận độc quyền thanh toán dầu bằng tiền Mỹ kể từ năm 1974. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ bảo đảm an ninh và lợi ích của Ả Rập Xê Út ở khu vực Trung Đông.

Và thực tế, việc Trung Quốc đề nghị thanh toán dầu mỏ mua từ Ả Rập Xê Út bằng đồng NDT không phải chuyện mới đây, nó đã diễn ra trong suốt 6 năm qua, nhưng Ả Rập Xê Út vẫn tỏ ra lưỡng lự. Vì vậy, các cuộc đàm phán chỉ mới gia tăng tần suất trong 2 năm gần đây cho thấy Ả Rập Xê Út đang mất dần niềm tin vào những cam kết của đối tác Mỹ.

Các chính sách của Washington trong những năm gần đây đã khiến Mỹ rời xa cuộc chiến do Ả Rập Xê Út dẫn đầu ở Yemen. Việc Mỹ từ chối hỗ trợ các hoạt động quân sự của Ả Rập Xê Út ở Yemen, vô hình chung đã khiến quốc gia Trung Đông cho rằng các cam kết an ninh mà Mỹ hứa hẹn không còn được đảm bảo.

Ả Rập Xê Út đang mất dần niềm tin về các cam kết an ninh kể từ khi Mỹ từ chối từ chối hỗ trợ các hoạt động quân sự tại Yemen.

Một quan chức Ả Rập Xê Út cho biết: “Các cách thức tương tác đã thay đổi đáng kể. Mối quan hệ giữa Mỹ với Ả Rập Xê Út đã thay đổi. Trung Quốc là nước nhập cảng dầu thô lớn nhất thế giới và họ đang đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn. Trung Quốc đã và đang cung cấp mọi thứ mà quý vị có thể tưởng tượng cho Vương quốc chúng tôi.”

Ở Ả Rập Xê Út, vị thế của Mỹ đã không còn nặng ký, và Trung Quốc đang lấn át vai trò đó. Thái tử Mohammed bin Salman thậm chí đã từ chối các cuộc điện đàm với Tổng thống Biden vào đầu tháng 3/2022, khi Nhà Trắng đang tìm kiếm nguồn dầu và khí đốt giá rẻ để giải quyến vấn đề giá xăng tăng tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang lên kế hoạch cho chuyến đi đến Ả Rập Xê Út vào cuối mùa xuân này để hàn gắn quan hệ giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, khó khăn cho ông Biden là chính ông đã là người nhiều lần công khai chỉ trích Ả Rập Xê Út vì cuộc chiến của nước này tại Yemen. Thậm chí, còn cắt giảm nguồn cung vũ khí cho Riyadh để đối phó với Phong trào Houthi. Và cũng ông Biden là người đã đảo ngược chính sách của cựu tổng thống Donald Trump, rút Houthi khỏi danh sách các tổ chức khủng bố toàn cầu của Mỹ. Đây là động thái mà các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê Út cho rằng Mỹ thiếu hỗ trợ họ về mặt an ninh.

Mỹ đã loại Phong trào Houthi khỏi danh sách khủng bố, khiến Ả Rập Xê Út bất bình.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng, Ả Rập Xê Út sẽ không vì mối quan hệ không đẹp với chính quyền của ông Biden mà bỏ Mỹ theo Trung Quốc. Vai trò của Trung Quốc đúng là đang tăng, nhưng vẫn chưa đủ để Ả Rập Xê Út chấp nhận lời đề nghị của Bắc Kinh. Eswar Prasad, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, Mỹ cũng cho rằng: “Ý tưởng bán dầu bằng Nhân dân tệ của Ả Rập Xê Út chỉ là một động thái mang tính biểu tượng [nhằm gửi lời nhắc nhở Washington cần cải thiện mối quan hệ với Riyadh], hơn là mối đe dọa thực sự với vị thế của đồng USD”.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều