Cú bắt tay Hàn – Nhật tại hội nghị Thành Đô
Hội nghị cấp cao Đông Bắc Á lần thứ 8 diễn ra tại thành phố Thành Đô (Trung Quốc) trong thời điểm khu vực đang đối mặt với nhiều vấn đề, từ sự bất hòa giữa Nhật và Hàn Quốc đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong việc cải thiện quan hệ giữa các quốc gia Đông Bắc Á đã xuất hiện. Cú bắt tay của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Thành Đô ngày 24-12 được ví như một sự khép lại tích cực một năm đầy tranh cãi giữa hai nước.
Xét cho cùng, Trung Quốc mới là người hưởng lợi nhiều nhất khi nổi lên như nhân tố trung gian có thể hòa giải các vấn đề lịch sử của khu vực, điều mà Mỹ luôn né tránh.
Hàn – Nhật bắt tay làm hòa
Phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Nhật Bản sau 15 tháng quan hệ song phương leo thang căng thẳng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhấn mạnh hai quốc gia là những nước láng giềng gần gũi nhất “cả về địa lý, lịch sử và văn hóa”. Ông Moon cho rằng tuy quan hệ song phương thời gian qua có chút bất đồng nhưng hai bên “không thể xa rời nhau”.
Thủ tướng Nhật Bản nhất trí với nhận định hai nước có mối quan hệ láng giềng quan trọng và hợp tác an ninh 3 bên của hai quốc gia này cùng với Mỹ là đặc biệt thiết yếu. Ông Abe cũng bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ Nhật – Hàn. Theo Hãng tin Reuters, trước khi gặp nhau tại Thành Đô, hai nhà lãnh đạo đã ghé Bắc Kinh và gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23-12.
Cuộc gặp ngày 24-12 vốn dự kiến chỉ kéo dài 15 phút đã được đẩy lên hơn 45 phút, một dấu hiệu cho thấy sự cởi mở, thẳng thắn của hai bên. Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Naoki Okada xác nhận dù vẫn còn nhiều bất đồng sau cuộc gặp, việc có thể gặp gỡ tại Thành Đô như lần này đã cho thấy tầm quan trọng của việc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Quan hệ giữa Seoul và Tokyo trong năm nay trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên do các vấn đề lịch sử. Kết quả của hội nghị lần này được ví như kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán cấp sự vụ trong tương lai, vốn được kỳ vọng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau mà hai bên đã áp đặt trong thời gian qua.
Hàn Quốc đã nhiều lần hối thúc Nhật Bản rút lại các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhắm vào Seoul được áp đặt hồi đầu tháng 7. Tokyo cũng kêu gọi Seoul tham gia đối thoại về vấn đề đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc thuộc diện lao động cưỡng bức trong thời chiến.
Tuần trước, Nhật Bản đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế xuất khẩu nhưng Hàn Quốc cho rằng những động thái này là chưa đủ để dẫn tới một giải pháp bền vững.
Trung Quốc tìm đường vào CPTPP
Trước khi bắt đầu hội nghị, Bắc Kinh đã kỳ vọng sẽ đạt được một số tiến bộ trong tiến trình kết thúc Hiệp định thương mại tự do (FTA) Đông Bắc Á. Các nỗ lực hòa giải của Trung Quốc được cho là nhằm củng cố động lực chính trị và tạo ra bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán ba bên sắp tới. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn chưa kết thúc và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó đoán, Bắc Kinh càng muốn đẩy nhanh hơn tiến trình này.
Theo truyền thông Trung Quốc, vòng đàm phán thứ 16 đã kết thúc tại Seoul tháng trước và theo một số nguồn thạo tin, Bắc Kinh muốn kết thúc trước tháng 11-2020, thời điểm diễn ra bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Một khi được hoàn tất, đây sẽ là một trong những FTA lớn nhất mà Trung Quốc tham gia, có thể cắt giảm thuế quan hơn 90% các mặt hàng có thể xuất khẩu, báo South China Morning Post dẫn lời ông Li Chenggang – trợ lý bộ trưởng thương mại Trung Quốc – cho biết.
Trong mắt của giới quan sát, FTA ba bên Nhật – Trung – Hàn không chỉ tạo ra một thị trường hơn 1,6 tỉ dân mà còn mở đường cho sự tham gia của Bắc Kinh và Seoul vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trao đổi với South China Morning Post, giáo sư Masahiro Kawai thuộc Đại học Tokyo nhận định nhiều khả năng Nhật sẽ hoan nghênh sự gia nhập của Trung Quốc và Hàn Quốc bởi điều đó có lợi cho các ngành sản xuất, dịch vụ của Tokyo. Tuy nhiên, trước mắt quá trình đàm phán FTA ba bên vẫn còn nhiều rủi ro vì các mâu thuẫn chưa giải quyết dứt điểm giữa Nhật và Hàn Quốc.
Thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên
Sau các cuộc gặp tại Thành Đô, lãnh đạo ba nước đã lên tiếng hối thúc Mỹ và Triều Tiên nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. “Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở Đông Bắc Á là mục tiêu chung của ba nước” – Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong cuộc họp báo ngày 24-12.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington trở nên căng thẳng trong hơn một tháng trở lại đây khi Triều Tiên để ngỏ khả năng sẽ thử tên lửa đạn đạo tầm xa vào Giáng sinh này nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận đàm phán.
Ngọc Hoàng