Cụ bà 83 tuổi xin thoát nghèo và câu chuyện về lòng tự trọng
Câu chuyện của cụ Mơ, 83 tuổi ở Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa nằng nặc xin xã cho ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường phần trợ cấp đó cho những người khác xứng đáng hơn, đã thực sự làm tôi nể trọng, cảm phục một con người thôn quê đầy lòng tự trọng.
Hình ảnh cụ bà già cả, sống chẳng dư dả gì nhưng không tham và sẵn sàng trả lại những chính sách hỗ trợ lại cho nhà nước, để giúp cho những người khó khăn hơn chính là một cú tát mạnh vào thói tham lam của những quan tham nhũng, vơ vét tài sản của công. Đã là tham nhũng, thì dù nhỏ hay lớn, cũng khiến nhân cách của con người bị hủy hoại, sự liêm sỉ không còn.
Trong Quốc dân độc bản xuất bản năm 1907 của Đông Kinh Nghĩa Thục, có viết: “Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà sống, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước… Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết. Hỏi vì sao không cải lương, nói lệnh trên chưa thay đổi. Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng. Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được?”
Tôi lại chạnh lòng nghĩ về những quan xã, quan huyện ở đâu đó dù cuộc sống rất dư dả nhưng khi có chương trình trợ cấp cho người nghèo vẫn cố tình gài tên gia đình, họ hàng mình vào để trục lợi chính sách, dù rằng còn hàng trăm hộ khác nghèo rớt mồng tơi còn chưa đến lượt.
Tôi chạnh lòng nghĩ đến những quan đầu tỉnh dù đã thôi giữ chức vụ nhưng vẫn kiên quyết không trả nhà công vụ, vẫn nằng nặc xin cơ quan cho hưởng chế độ xe đưa đón.
Tôi chạnh lòng nghĩ đến những ông bộ trưởng giàu nứt đố đổ vách nhưng vẫn ăn tham nhũng, hối lộ hàng chục tỷ đồng từ tiền thuế mồ hôi, nước mắt của nhân dân.
Tôi chạnh lòng nghĩ đến những ông tướng chắc chắn cơ ngơi không dưới vài chục tỷ nhưng vẫn tham lam để rồi dính vào vòng lao lý.
Thoát được cái nghèo về vật chất đã khó, nhưng để thoát cái nghèo về tư duy, về nhận thức như cụ Mơ đã làm xem ra còn khó hơn nhiều. Thế mới thấy, ở đời, cái lòng tự trọng nó quan trọng như thế nào.
Không biết những người đó, khi soi vào tấm gương của cụ Mơ có biết xấu hổ hay không? Hãy nhìn tấm gương của cụ mà sửa đổi trước khi quá muộn!
Minh Thư