Cụ bà 80 trả lại sổ hộ nghèo và chuyện nghèo sang, giàu hèn
Người xưa hay nói “nghèo hèn”, ý nôm na là nghèo thường đi với hèn nhưng liệu có đúng không khi dòng chảy cuộc sống đang cho thấy không phải cái nghèo nào cũng hèn và càng không phải ai nghèo cũng hèn…
Một cụ bà 80 tuổi ở Thanh Hóa hiện đang sống một mình, đến tận UBND xã để xin trả lại sổ hộ nghèo, xin thoát nghèo, vì lý do “cụ vẫn còn đang giúp đỡ được những người khó khăn hơn mình”. Thực sự nhà cụ có khó khăn không? Chắc chắn là có. Nhưng tin chắc cụ không nghèo, ít nhất là về lòng tự trọng.
Cụ bà giàu tự trọng ấy xin được gửi lại sổ hộ nghèo chẳng phải vì chê bai gì mà bởi một điều như cụ trình bày “còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn”. Cụ bà ấy đã dạy cho rất nhiều người một bài học về lòng tự trọng, rằng dù khó khăn đến đâu, khi nhìn xuống sẽ thấy nhiều người còn khó khăn hơn mình. Và sống là hãy biết chia sẻ. Nhưng điều tưởng chừng đơn giản ấy lại không phải ai cũng làm được…
Tôi lại nhớ đến ông “quan xã” Vi Văn Chân (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Châu Phong, Quỳ Châu, Nghệ An). Ông không nghèo, chắc hẳn là vậy vì nhà nước trả lương cho ông, mức lương ấy vượt chuẩn nghèo. Thế nhưng ông Bí thư này vẫn phù phép biến vợ mình từ một người khỏe mạnh thành một người khuyết tật để hàng tháng hưởng trợ cấp 270 nghìn đồng. Chưa hết, dù đã có đất đai, vườn tược, ông Chân còn tranh thủ “bao” luôn 300 mét đất nghĩa trang – chỗ vốn được dành cho người quá cố.
Tôi lại nhớ đến chuyện 12 con dê trong số 24 con dê hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế đã “đi lạc” vào chuồng nhà ông Đỗ Minh Quý – Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (Thanh Hóa). Tôi lại nhớ đàn gà hơn 1.200 con đáng lẽ cấp cho các hộ nghèo ở Quế An (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) “đi lạc” vào nhiều nhà cán bộ xã này.
Từ chuyện cụ bà 80 tuổi ở Thanh Hóa trả lại sổ hộ nghèo chứng minh một thực tế, trong cái đói, cái nghèo, giá tri vật chất dù lớn đến mấy cũng khó có thể mua chuộc được danh dự và lòng tự trọng của những người sống không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Bởi lẽ, họ còn nghèo thật đấy! nhưng họ tự trọng và suy nghĩ rất con người: “nhường xuất ấy lại cho những gia đình khốn khổ hơn mình”.
Văn Dân