Sự kiện đáng mong đợi nhất từ chuyến thăm của Chủ tịch nước

Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, kinh tế và các chỉ số phát triển. Đây cũng là hai quốc gia có tầm quan trọng về địa chính trị trong khu vực và đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2013 và dự kiến trong chuyến thăm tới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mối quan hệ này sẽ được nâng lên thành Đối tác Chiến lược Tăng cường.

Nhiều năm nay, nhắc đến Thái Lan là không ít người nghĩ đến bóng đá. Người Thái Lan có tình yêu bóng đá không kém người Việt và đã tập trung phát triển bộ môn này từ lâu. Trong khi đó, dù đi sau nhưng đội tuyển bóng đá Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng và luôn lấy Thái Lan làm mục tiêu để vượt qua. Ngược lại, người Thái cũng dành cho Việt Nam một sự tôn trọng nhất định. Sau khi Việt Nam tổ chức thành công Seagame 31, Ông Kongsak Yodmanee, Thống đốc Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) đã đến Việt Nam và đặt vấn đề hợp tác để “cùng thể thao Việt Nam lên tầm châu lục”.

Có một lĩnh vực khác ngoài bóng đá mà Việt Nam và Thái Lan cạnh tranh nhau trong một thời gian rất dài là lúa gạo. Người nông dân Việt Nam và Thái Lan đều cần cù, chăm chỉ, chịu khó và đã biến hai quốc gia tầm trung về dân số nhưng lại vươn lên top 3 toàn cầu về xuất khẩu lúa gạo, chỉ sau quốc gia đông dân nhất nhì thế giới là Ấn Độ. Việc chú trọng về nông nghiệp, đẩy mạnh mảng lúa gạo ngoài đặc thù về văn hóa lúa nước còn phản ánh sự tương đồng về chiến lược phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.

Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, công xưởng của thế giới với rất nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, ngoài ra còn có rất nhiều sản phẩm nhập ngoại chất lượng khác nhưng không ít người Việt rất ưa chuộng hàng Thái Lan. Trong một thời gian rất dài, đồ Thái là tiêu chuẩn, từ quần đùi Thái, kem đánh răng, nước rửa mặt, mỹ phẩm cho tới xe máy, ô tô. Có thể nói người Thái rất nhanh nhạy nắm bắt thị trường Việt Nam, và ngược lại người Việt Nam, bằng một sự tương đồng kỳ lạ nào đó cũng rất thích các sản phẩm làm ra từ bàn tay và văn hóa của người Thái Lan.

Theo số liệu thống kê, trong nửa đầu năm 2022, Thái Lan đã đón ít nhất 70.000 du khách Việt Nam. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giữa hai nước có 288 chuyến bay mỗi tuần, với khả năng chuyên chở gần 4.839 lượt hành khách mỗi ngày, tương đương 50.970 lượt hành khách mỗi tuần.

Thái Lan và Việt Nam hiện nay đã thiết lập được 14 cặp thành phố kết nghĩa. Hiện có 1.500 người Thái Lan sống ở Hà Nội, 500 người sinh sống ở TP.HCM, cùng với 1.000 người sinh sống ở các thành phố lân cận. Trong khi đó, có khoảng1.200 – 1.300 người Việt Nam, chủ yếu là sinh viên và doanh nhân, đang sinh sống tại Thái Lan.

Trong bài viết mới đây về chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trang ThaiPBSWorld đánh giá đây là một sự kiện đáng mong đợi. Nhất là trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, cả hai nước đều có nhu cầu muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và hữu nghị.

Việt Nam là động lực phát triển chính của tiểu vùng sông Mekong và đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật những khó khăn liên quan tới lĩnh vực quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học, di cư và trữ lượng cá, cùng một số vấn đề khác. Trong các cuộc tiếp xúc song phương, Việt Nam chủ trương ủng hộ ý tưởng của Thái Lan nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và một nền kinh tế xanh theo mô hình kinh tế xanh- tuần hoàn – sinh học mới. Ngược lại, Thái Lan cũng rất hoan nghênh mục tiêu của Việt Nam trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 nhân dịp 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 nhân dịp 100 năm thành lập nước.

Ngoài phim ảnh và các sản phẩm giải trí bắt đầu tiến vào thì hàng loạt doanh nghiệp Thái hiện nay cũng đang tích cực đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tiêu biểu là thương vụ ThaiBev, doanh nghiệp của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi hơn 5 tỉ USD mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu Sabeco, doanh nghiệp giữ khoảng 40% thị phần bia tại Việt Nam. Cùng với đó là hàng loạt thương vụ khác như Central Group, SCG Thái Lan… cùng nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, hóa dầu, năng lượng thay thế, kinh doanh bán lẻ và chế biến thực phẩm.

Theo thống kê thì Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Thái Lan và thứ 2 sau Malaysia trong ASEAN. Năm 2021, kim ngạch song phương đạt 19,4 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2020, với thặng dư thương mại ở mức 5,6 tỷ USD. Đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam hiện đứng thứ 8, với tổng số 644 dự án trị giá hơn 13 tỷ USD. Trong số các thành viên ASEAN, Thái Lan đứng thứ hai sau Singapore.

Về hợp tác an ninh, lực lượng hải quân của cả hai nước tiến hành giám sát bờ biển chung hai lần một năm. Các quan chức quốc phòng cấp cao của Việt Nam và Thái Lan, ở cấp Thư ký Thường trực, cũng tổ chức các cuộc hội đàm song phương theo cơ chế thường xuyên.

Với sự tương đồng, sâu sắc và toàn diện, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước và cho cả tầm khu vực. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn sẽ đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước.

Thực hiện: An Diễm

Đồ họa: M.N