CSGT TP.HCM tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn qua ống thổi dùng 1 lần
“CSGT sẽ mang khẩu trang, đeo bao tay được sát khuẩn khi tiếp xúc người vi phạm và kiểm tra nồng độ cồn qua ống thổi chỉ sử dụng một lần”, đại diện Phòng CSGT TP.HCM cho biết.
Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an TP.HCM) cho biết cơ quan này đã có quyết định chỉ đạo CSGT địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Theo đó, lực lượng CSGT được phép đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người dân, người vi phạm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp khiến không ít người lo lắng về việc kiểm tra nồng độ cồn có được đảm bảo vệ sinh. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc kiểm tra này có thể lây nhiễm virus corona.
Trả lời vấn đề trên, trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (Công an TP.HCM), cho biết cao điểm kiểm tra nồng độ cồn vẫn được duy trì.
“Lực lượng CSGT sẽ mang khẩu trang, đeo bao tay có sát khuẩn khi tiếp xúc người vi phạm. Ống thổi dùng để kiểm tra nồng độ cồn chỉ sử dụng một lần, không có chuyện một ống dùng cho nhiều người”, trung tá Bình nói.
Đối với trường hợp người lái ôtô, CSGT cũng áp dụng kiểm tra qua ống thổi thay vì kiểm tra định tính theo kinh nghiệm quốc tế.
“Hình thức đo nồng độ cồn bằng cách mọi người cùng nói vào phễu được tạm ngưng để phòng dịch bệnh. Do đó, người lái ôtô cũng sẽ được đo bằng ống thổi như người đi xe máy”, đại diện Phòng CSGT TP.HCM nói thêm.
Trong khi đó, tại Sóc Trăng, CSGT thí điểm cho tài xế thổi bong bóng rồi mang khí thở chuyển vào máy kiểm tra nồng độ cồn.
Theo ghi nhận của PV, trước khi đo nồng độ cồn, CSGT giải thích với tài xế rằng lý do thổi khí gián tiếp vào bong bóng là để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Ống dùng để thổi hơi và đưa khí thở vào máy đo là dụng cụ bằng nhựa dùng trong y tế. Mỗi ống nhựa và bong bóng chỉ sử dụng một lần.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng, kiểm tra nồng độ cồn thông qua việc thổi hơi vào bong bóng được Trạm CSGT Mỹ Xuyên thực hiện thí điểm lần đầu vào đêm 4/2.
Qua việc thí điểm này, đơn vị sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá ưu, khuyết điểm. CSGT Sóc Trăng sẽ áp dụng rộng rãi cách đo nồng độ cồn bằng cách này nếu nhận được sự đồng thuận cao từ người dân và các cơ quan chức năng.
WHO khuyến cáo CSGT tránh lây 2019-nCoV khi kiểm tra nồng độ cồn
Ngày 5-2, TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã có công văn gửi Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, khuyến cáo cảnh sát giao thông các bước cần thực hiện khi kiểm tra nồng độ cồn, tránh lây chủng mới của virus corona (2019-nCoV).
Theo quan điểm của WHO, tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch 2019-nCoV, việc thực thi Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật khác, trong đó có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và các văn bản dưới luật liên quan nên được tiếp tục.
Tuy nhiên, TS Kidong Park khẳng định, cần thực hiện các biện pháp bảo hộ phù hợp để bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho người thực thi công vụ, người tham gia giao thông và cho cộng đồng bất cứ khi nào tiến hành hoạt động kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. WHO đã ban hành các khuyến cáo cơ bản đối với công chúng, bao gồm các lời khuyên để giúp cho người dân tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch 2019-nCoV.
Liên quan tình huống cụ thể khi kiểm tra nồng độ cồn qua hơi thở bằng thiết bị của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), TS Kidong Park lưu ý, CSGT nên đeo khẩu trang y tế và được trang bị dung dịch rửa tay khô có cồn.
CSGT nên bố trí để bảo đảm mỗi thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được riêng một CSGT cầm và sử dụng trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo). Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn.
“Chỉ sử dụng riêng một ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp”, TS Kidong Park nhấn mạnh.
Thành Nhân