+
Aa
-
like
comment

CSGT phạt nguội từ hình ảnh của dân

24/07/2019 09:12

Những vi phạm nếu được người dân ghi hình lại đều có thể gửi đến CSGT TP.HCM để đơn vị này xử lý, phạt nguội. 

Người dân quay phim, chụp ảnh người vi phạm giao thông

Từ ngày 1.8, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM tiếp nhận clip của người dân ghi hình phương tiện có dấu hiệu vi phạm luật Giao thông đường bộ để xác minh, xử lý.

Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, việc người dân quay clip các phương tiện vi phạm gửi đến PC08 sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tăng tính răn đe với người vi phạm.

Người dân quay phim, chụp ảnh người vi phạm giao thông
Người dân quay phim, chụp ảnh người vi phạm giao thông

Vi phạm đầy đường

Sáng 23.7, nhóm PV có mặt tại đường song hành xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư MK – ngã tư Bình Thái, thuộc P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM). Đoạn đường này dài chưa đến 2 km, có biển cấm xe container, xe tải từ 6 – 22 giờ mỗi ngày. Thế nhưng ngay trong giờ cấm, nhiều xe container, xe bồn vẫn ngang nhiên chạy trên tuyến đường này để ra vào các bãi xe và nhà máy trộn bê tông gần đó, như: xe container 51C-574.86; 51C-571.62; 51C-575.06…

Tương tự, tại trung tâm TP, PV cũng ghi nhận nhiều trường hợp xe bồn lưu thông vào giờ cấm, đường cấm trong chiều 23.7 trên các trục đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh…

Trưa 22.7, nhiều phương tiện đang đổ dốc cầu Nguyễn Văn Cừ thì “vô tư” rẽ phải để ra đường Phạm Thế Hiển, trong khi các phương tiện đi từ đường Phạm Thế Hiển ra đường Dương Bá Trạc (Q.8) lúc nào cũng đông đúc nên bị cúp đầu xe thường xuyên. Trên đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1), tình trạng vượt đèn đỏ cũng diễn ra “như cơm bữa”. Khoảng 10 giờ 30 ngày 23.7, chúng tôi túc trực tại một trụ đèn đỏ và ghi nhận tình trạng vượt đèn đỏ diễn ra thường xuyên, nhiều nhất là xe máy…

CSGT phạt nguội từ hình ảnh của dân - ảnh 1
Xe máy vượt đèn đỏ trên đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)

Tiếp nhận tất cả các lỗi

Những vi phạm trên nếu được người dân ghi hình lại đều có thể gửi đến PC08 để đơn vị này xử lý. Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, người dân quay clip các phương tiện vi phạm tất cả các lỗi mang đến trực tiếp trụ sở PC08 (341 Trần Hưng Đạo, Q.1) và sẽ có cán bộ tiếp nhận. PC08 sẽ có biên bản tiếp nhận clip do người dân cung cấp, sau đó xác minh chủ phương tiện; mời người vi phạm lên làm việc, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính.

“Clip người dân quay cần rõ ràng, liên tục, không cắt ghép. Nội dung trong clip thể hiện rõ thời gian, địa điểm, biển số xe vi phạm thì sẽ rất thuận tiện cho CSGT xác minh và xử phạt các phương tiện vi phạm”, trung tá Bình nói.

Cũng theo trung tá Bình, người cung cấp clip cho CSGT chịu trách nhiệm trước pháp luật nội dung clip. Vì thế, khi đến trụ sở PC08 cung cấp clip, người dân nên mang theo giấy tờ tùy thân để cán bộ tiếp nhận ghi vào biên bản. Việc này còn nhằm để cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý, hoặc trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh, xử lý.

Trả lời câu hỏi vì sao chỉ nhận trực tiếp tại trụ sở mà không phải tại tất cả các đội CSGT; đồng thời mở rộng qua các kênh khác như mạng xã hội, email… để tạo thuận lợi, khuyến khích người dân ghi hình người vi phạm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trung tá Bình cho rằng việc tiếp nhận clip chỉ thực hiện ở trụ sở PC08 do nơi đây được trang bị máy móc lưu trữ, cùng dữ liệu để tra cứu, xác minh thông tin về chủ phương tiện. Từ dữ liệu đó, PC08 mới đủ căn cứ để mời chủ phương tiện vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính.

Về việc CSGT không tiếp nhận qua các kênh khác, trung tá Bình lý giải việc nhận trực tiếp, có biên bản nhằm để tránh trường hợp những người ghét, hoặc đối thủ của nhau cắt ghép hình ảnh rồi đi tố cáo nên phải biết người cung cấp là ai; clip có bị cắt, can thiệp kỹ thuật hay không. “Việc người dân gửi clip qua email, Facebook, Zalo… sẽ rất khó cho CSGT điều tra xác minh nguồn gốc clip, cũng như danh tính người cung cấp clip”, trung tá Bình nói.

Không đóng phạt sẽ từ chối đăng kiểm

Cũng theo trung tá Bình, sau khi tiếp nhận clip của người dân, CSGT sẽ sàng lọc, xác minh phương tiện vi phạm; mời người vi phạm lên lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt. “Thời gian xử lý nhanh hay chậm là do sự hợp tác của người vi phạm với CSGT. Quy trình xử lý clip người dân cung cấp cũng sẽ giống như xử lý vi phạm qua hình ảnh PC08 áp dụng lâu nay”, trung tá Bình nói.

Tuy nhiên, có thực tế là công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh thời gian qua gặp một số khó khăn, đặc biệt là người vi phạm không chịu hợp tác trong khi chưa có biện pháp mạnh để chế tài những trường hợp này. Theo PC08, 6 tháng đầu năm 2019 đơn vị chỉ mới xử phạt 16,52% số trường hợp vi phạm bị CSGT ghi hình. Phần lớn người điều khiển phương tiện vi phạm bị ghi hình đều không lên làm việc mặc dù CSGT có thư mời.

“Hiện PC08 đang phối hợp với Công an TP, Sở GTVT nghiên cứu, bàn phương án chế tài mạnh các trường hợp chủ phương tiện không chấp hành, bằng cách đưa danh sách các xe vi phạm vào hệ thống đăng ký xe, đăng kiểm”, trung tá Bình nói và cho biết thêm khi đó, nếu các xe vi phạm này đi đăng kiểm, hệ thống sẽ thông báo chủ xe chưa chấp hành phạt nguội và yêu cầu chủ phương tiện phải đi đóng phạt thì mới tiếp tục cho đăng kiểm. Tương tự, khi mua bán, sang tên, chủ phương tiện vi phạm phải đóng phạt trước khi được CSGT làm thủ tục.

775 camera hỗ trợ công tác trích xuất hình ảnh xử phạt

Chiều 23.7, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (gọi tắt là trung tâm), cho hay từ năm 2013 trung tâm đã phối hợp với Phòng CSGT “xử phạt nóng, nguội” các hành vi vi phạm, bắn tốc độ đối với các xe vi phạm… Hai bên cũng ký kết kế hoạch phối hợp trong việc xử lý vi phạm giao thông. Hiện hằng ngày cán bộ, chiến sĩ PC08 qua trung tâm để quan sát tình hình giao thông, xử lý những trường hợp vi phạm, xử lý những điểm giao thông ùn tắc, kẹt xe; chia sẻ các clip vượt quá tốc độ cho PC08 xử lý… “Hiện nay đã có 775 camera các tầm thấp, trung, cao được lắp đặt ở khu vực nút giao phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông được kết nối về trung tâm. Các camera này đều đạt chất lượng tốt, có thể zoom, xoay hình ảnh ở nhiều vị trí để hỗ trợ công tác trích xuất hình ảnh xử phạt”, ông Tấn nói.

Đà Nẵng tiếp nhận qua tất cả các kênh

Tại Đà Nẵng, theo Phòng CSGT Công an TP, hiện việc phạt nguội vi phạm giao thông được tiếp nhận qua rất nhiều kênh. Ngoài hệ thống camera giám sát tự động bắt lỗi trên đường phố, hình ảnh do lực lượng chức năng ghi lại…, còn từ nguồn người dân cung cấp. Phòng CSGT Công an TP đã lập tài khoản trên mạng xã hội Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng”, thu hút gần 30.000 thành viên, nhằm tạo thêm kênh tương tác thuận lợi với người dân ngoài các kênh truyền thống như gửi thư, email, thông báo qua đường dây nóng… Hiệu quả từ những thông tin được cung cấp cho thấy người dân rất đồng tình tham gia góp ý, phản ánh các hành vi vi phạm giao thông, góp phần xây dựng văn hóa văn minh đô thị, an toàn giao thông.

Về quy trình xử lý hành vi vi phạm dựa trên các clip, hình ảnh người dân cung cấp, thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, chia sẻ sau khi tiếp nhận clip, CSGT mời chủ phương tiện đến, mở clip cho người liên quan xem; người vi phạm công nhận hành vi thì lực lượng mới lập biên bản. “Hầu hết điện thoại di động hiện nay khá hiện đại; người cung cấp clip bằng các điện thoại này định vị rõ thời gian, địa điểm nên hầu như từ trước đến nay lực lượng đều nhận được sự hợp tác tốt từ người vi phạm. Không có trường hợp không công nhận hành vi hay cự cãi”, thượng tá Lực nói.

Thượng tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết thêm, để người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, sau khi tiếp nhận clip, lực lượng phòng đã chủ động kết nối với nhiều nguồn khác, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra độ xác tín của thông tin trong clip. “Chúng tôi xác định clip người dân cung cấp là một nguồn chứng cứ chứ không phải tất cả. Có trường hợp clip chưa rõ, chúng tôi chủ động liên hệ với người cung cấp đề nghị cung cấp thêm thông tin; nếu đủ các chứng cứ thì mới mời người vi phạm đến. Nếu không đủ và hành vi không vi phạm thì cũng giải thích với người cung cấp”, thượng tá Thương nói và cho biết nhờ vậy mà từ trước đến nay các trường hợp vi phạm bị mời lên đều thừa nhận hành vi vi phạm.

(Theo Thanh Niên)

Bài mới
Đọc nhiều