“CSGT không được dùng vũ lực xử lý vi phạm hành chính”
Liên quan đến vụ CSGT TP HCM đạp ngã người đi xe máy Yamaha Exciter do người này không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “CSGT không được phép dùng vũ lực để xử lý vi phạm hành chính”.
Chia sẻ quan điểm về sự việc CSGT đạp ngã người đi xe máy (thuộc Đội CSGT Bến Thành, Phòng PC08 Công an TP HCM) đang gây xôn xao dư luận, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, CSGT là một cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, có quyền xử lý người vi phạm giao thông tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được phép dừng xe. Việc dừng xe xử lý vi phạm phải đảm bảo an toàn và đúng lễ tiết tác phong theo quy định.
Luật sư Cường cho biết thêm, “về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định:
Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Về nguyên tắc là người tham gia giao thông vi phạm hành chính như không đội mũ bảo hiểm, đi sai phần đường, vượt đèn đỏ thì chỉ bị xử phạt hành chính, việc xử lý hành chính phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và người thi hành công vụ, nghiêm cấm việc truy đuổi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và những người thi hành công vụ.”
Theo luật sư, việc này cũng cần phải xem xét hậu quả của người tham gia giao thông khi họ bị ngã xuống đường. Nếu có thương tích hoặc người này bị thiệt mạng thì người đã tác động vào phương tiện của người tham gia giao thông này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có thể là trách nhiệm hình sự do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.
“Pháp luật không cho phép người thi hành công vụ được đạp, đá, tấn công vào người vi phạm hành chính khi đang tham gia giao thông. Khi sử dụng phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy trên đường thì chỉ một tác động nhỏ có thể dẫn đến đổ xe, người trên xe có thể bị thương vong, thậm chí thiệt mạng.
Một người bình thường hoàn toàn có thể nhận thức được điều đó. Bởi vậy nếu không phải là truy bắt tội phạm thì không ai được phép tác động vào người đang điều khiển phương tiện giao thông để người đó gặp tai nạn. Hành vi đó là vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất mức độ và hậu quả xảy ra mà người làm ngã người tham gia giao thông xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với người thi hành công vụ mà vi phạm công vụ thì sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu mức độ hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xem xét trách nhiệm pháp lý thì cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm pháp lý về các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác theo quy định nêu trên” – luật sư Cường nói.
Hiện vụ CSGT làm tài xế Exciter ngã đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
CSGT TP HCM nói gì?
Theo báo cáo từ PC08 (Công an TP HCM), ngày 3/2 Đội CSGT Bến Thành thuộc Phòng PC08 phân công hai CSGT là đại úy Lê Văn Mân và đại úy Nguyễn Hoàng Minh thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên tuyến Võ Văn Kiệt (gần giao lộ với đường Hàm Nghi), thời gian từ 18h-22h.
Đến khoảng 19h30 cùng ngày, tổ công tác nghe tiếng truy hô “cướp” của người đàn ông chạy xe máy. Đại úy Mân nhìn sang phải phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy hiệu Exciter chạy với tốc độ nhanh. Đại úy Mân ra hiệu lệnh dừng xe nhưng nam thanh niên vẫn tăng ga đâm thẳng vào đại úy Mân để bỏ chạy.
Lúc này, đại uý Mân đã sử dụng “võ ngành” để khống chế đối tượng nghi cướp ngã xuống đường. Người đàn ông truy hô cướp chạy tới nói không phải là xe này nên đại uý Mân đã đỡ xe và người bị ngã đưa vào trong lề đường. Sau đó, tổ công tác tiếp tục cùng người đàn ông truy hô đuổi theo đối tượng cướp đến giao lộ Võ Văn Kiệt và Trần Đình Xu thì không thấy đối tượng đầu nữa.
Gia Đạt