+
Aa
-
like
comment

CSGT dùng ‘phương pháp mới’ kiểm tra người lái xe có nồng độ cồn

Tùng Anh - 07/01/2020 07:08

Trong 2 giờ tuần tra, cảnh sát giao thông dừng xe 8 tài xế để kiểm tra và phát hiện 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Tối 6/1, bốn cảnh sát giao thông thuộc Đội số 1 (Công an TP Hà Nội) đi trên hai xe phân khối lớn đã tuần tra dọc các con phố như Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Quán Sứ, Hàng Đậu… để kiểm tra các tài xế nghi vi phạm nồng độ cồn.

Đại diện đội CSGT số 1 cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn tài xế vào ban đêm theo phương án tuần tra lưu động sẽ thuận tiện, hiệu quả hơn tổ chức chốt tại một điểm như thông thường.

Ông Lê Sơn Hải (bìa trái) uống 2 chai bia trước khi điều khiển xe máy.

Quá trình tuần tra, mỗi xe CSGT đi một hướng, khi phát hiện ra tài xế có dấu hiệu vi phạm sẽ dùng bộ đàm thông báo để xe còn lại về vị trí phối hợp xử lý. Trong khoảng 2 tiếng kể từ 20h, CSGT kiểm tra 8 trường hợp, phát hiện 2 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Tại phố Tràng Tiền, cảnh sát phát hiện một xe máy chở hai người, lái xe có dấu hiệu loạng choạng nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Kết quả kiểm tra nhanh bằng máy cho thấy chỉ số bằng không, cảnh sát cảm ơn tài xế và để phương tiện này đi tiếp.

Trên phố Lý Thường Kiệt, cảnh sát kiểm tra anh Lê Sơn Hải (Định Công) khi anh này dừng chờ đèn đỏ, kết quả cho thấy nồng độ cồn là 0.63 miligam/lít khí thở.

Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của ông Hải là 0,627 mg/l khí thở, vượt mức cao nhất trong khung xử phạt về nồng độ cồn. Người điều khiển xe không xuất trình được giấy đăng ký xe máy.

Ông Hải thừa nhận bản thân đã uống 2 chai bia cùng các bạn. Theo quy định áp dụng từ 1/1, ông Hải bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm và tịch thu phương tiện 7 ngày.

Cảnh sát tạm giữ phương tiện.

Sau khi nghe mức xử phạt, ông Hải trình bày nhiều lý do để không bị tạm giữ xe máy. “Tôi cần xe máy để di chuyển và đưa các con đi học”, người này nói với CSGT.

Anh Lê Sơn Hải thừa nhận sau giờ làm đã uống hai chai bia tại quán cách vị trí bị yêu cầu dừng xe hơn 100 mét. “Tôi biết mình có uống bia nhưng vẫn dừng đèn đỏ và đủ tỉnh táo để lái xe an toàn”, anh Hải giải thích với lực lượng chức năng song vẫn bị xử phạt hành chính theo đúng quy định.

Khi những lý do không được chấp nhận, ông Hải gọi điện thoại cho người thân nhờ vả, xin CSGT bỏ qua. Ít nhất 3 lần CSGT phải từ chối nghe các cuộc gọi di động từ người thân của ông Hải.

Sau gần một giờ, ông Lê Sơn Hải chấp nhận lỗi vi phạm và ký vào biên bản xử phạt.

Theo thiếu tá Ngô Duy Quang – Đội phó CSGT số 1, nghị định 100 mới đưa vào thực hiện gần một tuần nên nhiều người dân chưa nắm rõ. “Mức phạt cao hơn trước đây khiến nhiều người vi phạm phản ứng, nhất là những người đã sử dụng rượu bia”, thiếu tá Quang nói.

Thiếu tá Quang cũng cho biết Giám đốc Công an Hà Nội đã ra chỉ đạo cấm nghe điện thoại di động từ người vi phạm, không một ai có thể can thiệp vào quá trình xử phạt của CSGT.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay từ ngày 1 đến 5/1 đã xử phạt 84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 4 ôtô, 80 xe máy. Mức phạt cao nhất đối với một tài xế ôtô là 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Còn mức phạt cao nhất đối với tài xế xe máy là 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Bài mới
Đọc nhiều