+
Aa
-
like
comment

Covid-19 xâm nhập nhiều nhà máy ở Đồng Nai

12/07/2021 19:01

Nhiều ổ dịch thứ phát được phát hiện trong các nhà máy, xí nghiệp và khu trọ đông công nhân ở Đồng Nai khiến tình hình Covid-19 ở tỉnh này trở nên phức tạp.

Lực lượng y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân Công ty Pouchen Việt Nam vào ngày 11.7

Nội dung trên được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nêu ra trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình ngày 12/7.

Ông Dũng cho biết những ngày qua, các ca nhiễm liên tục tăng mạnh, đến nay tỉnh ghi nhận 376 ca (2 ca tử vong), trong đó 136 ca cộng đồng và 231 ca trong các khu cách ly. Thành phố Biên Hòa cao nhất với 127 ca, huyện Thống Nhất 104 ca, Nhơn Trạch 60 ca… Toàn tỉnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7.

Theo ông Dũng, tình hình dịch bệnh ở tỉnh diễn biến phức tạp, đặc biệt các ổ dịch liên quan đến chợ đầu mối, dân sinh. “Nguy cơ dịch lây lan trong các khu nhà trọ công nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất cao”, ông Dũng nói.

Đồng Nai có hơn 1,2 triệu công nhân, trong đó 600.000 lao động làm trong 32 Khu công nghiệp – nằm trong tốp đầu cả nước. Hiện, khoảng 7 công ty, nhà máy đã xuất hiện Covid-19, trong đó có nhiều công ty 10.000 – 20.000 lao động. Công ty Pouchen (Biên Hòa) đã cho 17.000 công nhân tạm nghỉ; Công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) với 40.000 công nhân, sau khi phát hiện nữ công nhân dương tính tối 10/7 đã xét nghiệm sàng lọc, cho 1.600 công nhân cùng xưởng ở nhà; Công ty TNHH Namyang Sông Mây (huyện Trảng Bom) cũng cho 2.400 lao động nghỉ làm…

Chủ tịch Đồng Nai cho biết địa phương đang triển khai để doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho công nhân và khu nhà trọ. Doanh nghiệp nào xuất hiện ca nhiễm sẽ khoanh vùng ngay để xử lý, đồng thời tính toán các phương án để duy trì sản xuất. “Nếu tình hình phức tạp sẽ yêu cầu các đơn vị giảm công suất”, ông Dũng cho biết.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thị sát Bệnh viện dã chiến số 3 của tỉnh Đồng Nai sáng 12/7. Ảnh: Thái Hà
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thị sát Bệnh viện dã chiến số 3 của Đồng Nai, ngày 12/7.  

Trước đó, để ứng phó khi dịch bùng phát, nhiều nhà máy đã lắp container, dựng lều… với tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài ra, một số công ty có số lượng công nhân lớn cũng thường xuyên xét nghiệm sàng lọc, tài xế ra vào phải có giấy xét nghiệm nCoV trong thời hạn 3 ngày.

Về công tác điều trị, Đồng Nai chuẩn bị đưa vào hoạt động 100 giường cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Các khu điều trị, bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân không triệu chứng và bệnh nhân nhẹ hiện có tổng công suất 1.500 giường bệnh.

Tuy nhiên, trước diễn biến ca nhiễm tăng mỗi ngày, Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm điều trị ca bệnh nặng, trang thiết bị máy móc, huấn luyện sử dụng máy ECMO tại chỗ và các phương tiện hồi sức cấp cứu…

Thị sát công tác chống dịch tại Đồng Nai, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh này phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch lây lan. Địa phương cần có phương án ứng phó ở mức độ cao hơn, áp dụng các biện pháp mạnh hơn.

“Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, nghiêm ngặt không chỉ ở khu công nghiệp mà cả người vào Đồng Nai từ các địa phương khác, nhất là TP HCM, Bình Dương”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu từng huyện, từng xã phải kiểm chặt trong và ngoài theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, thôn xóm cách ly thôn xóm, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện…”

Phó thủ tướng cho rằng công tác xét nghiệm hết sức quan trọng, tỉnh cần cố gắng trả kết quả nhanh để kịp thời phát hiện các ca F0. Việc xét nghiệm phải trọng tâm, trọng điểm để truy vết nhanh, không để tập trung đông người để tránh lây nhiễm chéo, cần tính toán phương án, có khi xuống tận nhà dân để xét nghiệm. “Triển khai cách ly F1 tại nhà nếu đảm bảo các điều kiện cần thiết. Việc cách ly tập trung cần tận dụng những khu tái định cư chưa sử dụng, trường học, không để lây chéo trong khu cách ly F1, đảm bảo giãn cách”, ông Bình yêu cầu.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cho rằng tỉnh cần có phương án để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng đầu tư, sản xuất, lưu thông, nhất là các mặt hàng nông sản; tăng tốc xét nghiệm cho các tiểu thương; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến…

Chợ Biên Hòa được xem ổ dịch khá phức tạp khi nhiều ca nhiễm ở đây đóng cửa phòng dịch. Ảnh: Phước Tuấn
Chợ Biên Hòa đã đóng cửa phòng dịch.  

Chiều 12/7, UBND Đồng Nai cách ly y tế thêm phường Hòa Bình, TP Biên Hòa với 7.500 dân từ 0h ngày 13/7 trong thời hạn 14 ngày để tiến hành truy vết, dập dịch. Đây là phường trung tâm có nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, chợ Biên Hòa, thường ngày được xem là khu vực sầm uất nhất địa phương này.

Trước đó Đồng Nai đã phong tỏa 5 phường Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai, Tân Hạnh, Hoá An và một phần phường Phước Tân với hơn 250.000 dân. TP Biên Hòa đóng cửa hàng loạt chợ lớn như Biên Hòa, Tân Mai, Tân Phong, Tam Hòa… để khống chế dịch.

Lãnh đạo Đồng Nai cho biết nếu ca nhiễm các ở Biên Hòa tiếp tục tăng, tỉnh sẽ có phương án phong tỏa toàn thành phố để dập dịch.

Phước Tuấn 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều