+
Aa
-
like
comment

Covid – 19 và cơ hội cải cách của ngành giáo dục Việt Nam

Đỗ Mạnh - 15/04/2020 17:39

Mới chỉ gần 4 tháng xuất hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 4/2020 dịch Covid 19 đã làm cho thế giới hứng chịu những thiệt hại năng nề về mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có Việt Nam.

Riêng ở Việt Nam dịch Covid 19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, một số ngành sản xuất phải tạm thời ngưng trệ. Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến như vận tải, da giày, may mặc, tài chính vv… Trong đó ngành giáo dục nước nhà bị ảnh hưởng rất lớn và trên diện rộng. Trong khi dịch Covid 19 hoành hành, nhằm tránh dịch lây lan tất cả các trường học trên toàn quốc đã tạm thời phải đóng cửa và toàn bộ học sinh đã phải nghỉ học. Nếu dịch Covid 19 tiếp tục kéo dài thì hướng đi mới cho ngành giáo dục nước nhà sẽ như thế nào?

Hình ảnh giờ học online của học sinh tiểu học

Mấy năm gần đây ngành Giáo dục Việt Nam đã rất quan tâm và tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động của ngành. Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục được xác định đóng một vai trò hết sức quan trọng, không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn tác động rất lớn đối với đất nước và cả xã hội trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Việc quan tâm đầu tư đến nền tảng thông tin và nhân lực có đủ kĩ năng vận hành hệ thống sẽ là cơ sở tốt đáp ứng việc học tập từ xa, học trực tuyến. Song song với quá trình đầu tư cơ sở vật chất việc đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn, nắm vững công nghệ thông tin cũng là một yêu cầu cấp bách. Ngoài ra cũng phải khẩn trương ban hành những quy định nhằm hợp thức hóa kết quả đào tạo từ xa và kết quả học tập online.

Trong điều kiện phát triển vùng miền ở Việt Nam vẫn chưa đồng đều, giữa thành phố và nông thôn còn có mức chênh lệch lớn về mức sống thì việc phân vùng đào tạo và xác định phạm vi phổ cập đào tạo có áp dụng công nghệ phải linh hoạt và sáng tạo mới có được sự đột phá.

Để khắc phục những khó khăn hiện nay Ngành giáo dục cần phải khẩn trương rà soát lại kế hoạch và sớm đề ra giải pháp lùi thời gian kết thúc năm học một cách hợp lí. Việc lùi thời gian kết thúc năm học chỉ được thực hiện thành công khi nội dung, chương trình học kì hai phải được rà soát tinh giản nội dung giảng dạy, đồng thời phải bảo đảm không buông lỏng chất lượng. Việc xây dựng và thẩm định các bài giảng online phải được thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc mà Bộ giáo dục và Đào tạo là người chịu trách nhiệm chính. Làm được như vậy sẽ tránh được sự khác biệt trong chương trình giáo dục tại các điạ phương. Về lâu dài và để có đủ nhân lực phục vụ ngành giáo dục trong trong tương lai, Bộ GDĐT cần sớm nghiên cứu và có kế hoạch đưa môn CNTT và ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng anh)  vào chương trình học bắt buộc từ tiểu học với hi vọng trong một thời gian ngắn sẽ cho ra lò một thế hệ “công dân toàn cầu” có kiến thức kỹ năng về CNTT, giỏi ngoại ngữ. Đây là lực lượng sẽ đưa Việt Nam hội nhập nhanh, mạnh với thế giới.

Song song với các cải cách trong giáo dục ngành Giáo dục Việt Nam cần có kế hoạch và có chiến lược xây dựng và đào tạo đôi ngũ nhân lực lao động chất lượng cao cho đất nước. Đội ngũ lao động này có khả năng làm ra những sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao,  hoạt động và phát triển trong mọi điều kiện mà không bị tác động bởi thiên tai hay dịch bệnh. Lực lượng lao động nòng cốt này sẽ là đại diện cho trí tuệ Việt Nam trong tương lai và là những đại diện dẫn dắt Việt Nam tạo những bước nhảy vọt trong công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu vật liệu mới không ô nhiễm, thám hiểm và nghiên cứu vũ trụ.

Nếu không muốn bị trì trệ thì ngay từ bây giờ và ngay trong chương trình giáo dục, những người làm giáo dục  cần khởi động những suy nghĩ, dám nghĩ dám làm, làm từ quy mô nhỏ tới lớn đồng lòng đưa Việt Nam từng bước tiến lên.

Đỗ Mạnh

Bài mới
Đọc nhiều