+
Aa
-
like
comment

Covid-19 trợ lực cho triển vọng kinh tế số Việt Nam

13/10/2020 10:19

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đứng trước thời cơ tăng tốc kinh tế số hậu Covid-19, nếu khơi thông được một số rào cản.

Xây dựng chương trình chuyển đổi số từ năm 2016 nhưng đến 2019, Becamex mới quyết tâm thực hiện. Sang năm 2020, Covid-19 ập đến khiến lãnh đạo công ty không còn cách nào khác là triển khai quyết liệt chương trình này.

“Nhờ chuyển đổi số, thời gian xử lý công việc trung bình nhanh hơn 600-700% so với khi chưa ứng dụng số. Chi phí cho một số đầu việc cũng giảm đến 50%”, ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc Becamex cho biết tại hội thảo “Kinh tế số – Tác động, Cơ hội và Khả năng tận dụng của Việt Nam” hôm 12/10.

FSI – một doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số cho biết, khối lượng dữ liệu đã số hóa tại Việt Nam ước tính mới được khoảng dưới 30%, còn lại vẫn nằm trên giấy. Ông Bùi Ngọc Bình, Phó giám đốc FSI TP HCM cho rằng, đây là cơ hội và họ đang tích cực tham gia thúc đẩy nền kinh tế số bằng cách tung ra các giải pháp số hóa và khai thác dữ liệu.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên tổ tư vấn và lãnh đạo MoMo trải nghiệm thanh toán bằng ví điện tử tại một cửa hàng đồ uống tại quận 7, TP HCM chiều 12/10. Ảnh: Thy Nhật
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên tổ tư vấn và lãnh đạo MoMo trải nghiệm thanh toán bằng ví điện tử ở một cửa hàng đồ uống tại quận 7, TP HCM chiều 12/10. Ảnh: Thy Nhật.

Có nhiều định nghĩa về kinh tế số, nhưng xét theo nghĩa rộng, Oxford cho rằng kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”. Trong đó, gồm tất cả lĩnh vực và nền kinh tế mà công nghệ số được áp dụng vào toàn bộ hay đa phần quy trình.

“So với kinh tế truyền thống, kinh tế số có khác biệt về dữ liệu, công nghệ thông tin – truyền thông, tạo ra mô hình kinh doanh mới và người tiêu dùng ở vị trí trung tâm tạo cảm hứng sáng tạo cho nhà sản xuất”, TS. Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết.

Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019” của Google, Temasek, nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng hàng năm 38% kể từ năm 2015. Giá trị nền kinh tế số ước đạt 12 tỷ USD năm 2019 và 43 tỷ USD năm 2025.

Ông Anthony Thomas, Chủ tịch MoMo nhận định, Việt Nam trở thành ngôi sao sáng khu vực, khi chính phủ đã kịp thời ứng phó với đại dịch. Covid-19 cũng mang lại cơ hội thúc đẩy hơn nữa số hoá, thanh toán không dùng tiền mặt của các quốc gia trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận, Việt Nam đang đứng trước thời cơ tăng tốc kinh tế số, miễn là giải quyết được các rào cản. Trong đó, 3 điểm chủ chốt là hạ tầng, thể chế và con người.

Đầu tiên, là vấn đề hạ tầng chưa đồng bộ. TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, hạ tầng dữ liệu đang nằm ở những nền tảng khác nhau. Do đó, nhà nước cần làm việc với các nền tảng đó để tích hợp lại.

“Càng có nhiều dữ liệu mở thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo càng phát triển. Càng có nhiều dữ liệu được sử dụng hợp pháp sẽ có nhiều doanh nghiệp số ra đời”, ông Vũ nói.

Đúc kết trải nghiệm từ chính sách của tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Việt Long cũng đồng tình phải đầu tư vào băng thông rộng, hạ tầng IoT; cơ sở dữ liệu dùng chung; cũng như cải cách hành chính, mang công nghệ ứng dụng cho người dân và doanh nghiệp, tạo ra văn hóa chuyển đổi số.

Thứ hai, thể chế chính sách chưa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng 4.0.

Bà Trần Thị Lan Hương, Chuyên gia Quản trị công cao cấp của World Bank cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy liên thông, trao đổi dữ liệu giữa các bên, trung ương – địa phương, nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Làm được điều đó thì cần khung thể chế để tạo một môi trường chia sẻ dữ liệu đáng tin cậy.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, muốn thúc đẩy kinh tế số của cả nước trước hết phải có thể chế đầy đủ cho TP HCM. Vì đây thật sự là đầu tàu cho quá trình này.

TS Trần Du Lịch cũng cho rằng nhà nước nên thay đổi tư duy khoa học công nghệ, từ tài trợ đầu vào thành tài trợ đầu ra. “Tại Mỹ, chính phủ họ tài trợ đầu ra, anh tạo ra sản phẩm được rồi mới chi tiền. Còn mình thì tài trợ đầu vào rồi ra sản phẩm bỏ vào ngăn kéo rất lãng phí”, ông so sánh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch MoMo đề xuất sớm hoàn thiện pháp lý cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng khuyến khích thanh toán dịch vụ công không tiền mặt.

Tài xế các ứng dụng gọi xe, gọi đồ ăn trên đường phố TP HCM. Ảnh: Viễn Thông.
Tài xế các ứng dụng gọi xe, gọi đồ ăn trên đường phố TP HCM. Ảnh: Viễn Thông.

Thứ ba, nhân sự đang vừa thiếu vừa thừa. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực số chưa đáp ứng nhu cầu. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, năm 2019, tổng cộng có khoảng 250.000 người làm việc trong ngành này. Theo VietnamWorks, 3 năm qua, nguồn cung nhân sự hàng năm tăng trưởng ở mức trung bình 8%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình năm đối với số việc làm trong ngành này là 47%. Sẽ rất khó để đáp ứng nhu cầu lớn như vậy nếu tăng trưởng nguồn cung vẫn ở mức thấp.

Số hóa tạo ra các công việc mới, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, tiếp thị phương tiện truyền thông xã hội hoặc thiết kế ứng dụng IoT…Tuy nhiên, người lao động tay nghề thấp cũng sẽ khó khăn hơn, ám ảnh thất nghiệp là không thể tránh khỏi.

“Khả năng thất nghiệp của lao động cũ là rất lớn”, TS Trần Đình Thiên nói đây là cái giá phải trả và cách tiếp cận là xây dựng nhiều giải pháp linh hoạt, ứng biến cho lực lượng lao động cũ. Theo ông chủ trương “không để ai tuột lại phía sau là rất hay nhưng cũng phải đảm bảo tạo cơ hội để có người tiến lên được phía trước, chứ không thì tất cả đều bị tuột lại phía sau”.

Có doanh nghiệp đã nhận thấy nhu cầu về nhân sự thời kinh tế số của mình. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Liên Thái Bình Dương (IPP) vừa ký với Đại học Quốc gia TP HCM để tài trợ thành tập một trung tâm về trí tuệ nhân tạo (AI) và trường đào tạo cho CEO.

“Chúng tôi đi từng bước, với trung tâm AI đầu tiên tại Đại học Quốc gia TP HCM, và dự định 5 năm tới sẽ có 1.500 trung tâm AI toàn quốc. Chúng tôi mong muốn có một lượng dân số hiểu biết về AI trong 15 năm tới. Cùng với đó, các dự án sắp tới cần vài chục nghìn nhân công tay nghề cao, trường CEO sẽ cung cấp nhân lực đó”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn tuyên bố.

Viễn Thông/VNE

Bài mới
Đọc nhiều