Covid-19: Phải chăng cũng là “thời cơ vàng” để sắp xếp lại mọi thứ
Tưởng rằng, Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ nhưng ngược lại, chính nó cũng đem lại cơ hội để chúng ta sắp xếp lại mọi thứ cho hiệu quả hơn.
Đại dịch Covid-19 sau hơn 3 tháng hoành hành đã để lại những hậu quả nặng nề với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều gia đình. Cũng có thể coi Covid như một cơn bão, một biến cố không ai mong muốn, bỗng dưng ập xuống và chúng ta phải tìm cách xoay sở, phải gồng mình lên để chống chọi nhằm giảm thiểu những tổn thất mà nó gây ra. Nhưng, đó cũng là khoảng thời gian chúng ta sống chậm lại để chiêm nghiệm cuộc sống, để tổ chức và sắp xếp lại cuộc sống cho khoa học hơn, bền vững hơn.
Với những đô thị lớn, chưa khi nào lại trở nên trật tự và ngăn nắp như thế. Không chen lấn xô đẩy, bớt hẳn đi khói bụi và ô nhiễm, không lấn chiếm lòng đường, hè phố… Nguyên nhân chính là hàng triệu người đã ở trong căn nhà của mình, không tham gia giao thông, không la cà quán xá, không tụ tập cà phê hay chè chén vỉa hè.
Họ ở trong căn nhà của mình không phải để chơi, đương nhiên rồi. Một bộ phận lớn trong số đó phải làm việc từ xa, làm việc online. Những đứa trẻ không phải đến trường thì ở nhà học trực tuyến. Rất nhiều người dân đã mày mò để sử dụng dịch vụ công qua mạng, không phải chờ trực, không phải đi lại nhiều lần ở các cơ quan công quyền. Những người nghỉ hưu cũng tính đến phương án nhận tiền qua thẻ thay vì tháng tháng lại phải đến phường, đến xã để nhận khoản lương hưu…
Vậy, làm việc từ xa, làm việc online có hiệu quả không, nhất là những ngành không trực tiếp sản xuất ? Không hiệu quả thì tại sao các nước phát triển, các công ty lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia cũng khuyến khích nhân viên của mình chọn giải pháp đó, thay vì “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo chứ không phải thời gian anh ở công ty, ở cơ quan, công sở nhiều hay ít. Và như thế, lượng người đổ ra đường sẽ giảm bớt. Cơ quan, công sở cũng tiết kiệm được nhiều chi phí.
Với hàng triệu học sinh, sinh viên, lâu nay chúng ta cứ kêu gọi phải giảm tải học, giảm tải thi nhưng loay hoay hết năm này sang năm khác. Giờ, tình thế bắt buộc phải cắt giảm chương trình, lựa chọn những nội dung chủ yếu, chất lượng và nhiều người tin rằng, con em chúng ta không vì thế mà kém cỏi hơn, thiệt thòi hơn. Thày cô, học trò sử dụng thành thạo công nghệ, tại sao không tính đến phương án kết hợp học tập trung với học trực tuyến thời kỳ hậu Covid-19, nhất là ở khu vực đô thị. Một lượng lớn người sẽ không phải tham gia giao thông thường xuyên. Đường xá sẽ phong quang hơn, ít tai nạn hơn.
Với dịch vụ công trực tuyến, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, phần lớn chỉ có các doanh nghiệp tiếp cận, còn người dân thì vẫn thờ ơ. Nay, “nhờ” có Covid, số người dân sử dụng dịch vụ này tăng lên đáng kể. Ngay cả việc đăng ký khám chữa bệnh qua mạng cũng có thể làm được, vừa giảm tải cho bệnh viện, vừa tiết kiệm được thời gian chờ đợi, vừa nâng cao tính minh bạch, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu.
Ở tầm quốc gia, khi dịch bệnh ở cao trào, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp liên tục. Hầu hết các cuộc họp đều thực hiện dưới hình thức trực tuyến nhưng không vì thế mà những chỉ đạo bị “tam sao thất bản”. Nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm… là những gì mà mọi người đều thấy. Chính bởi vậy, ngay cả kỳ họp Quốc hội thứ 9 tới đây (dự kiến trong tháng 5) cũng tính đến phương án vừa họp tập trung, vừa họp trực tuyến. Thời gian họp cũng giảm hơn so với các kỳ họp trước. Điều đó đòi hỏi chất lượng các dự án luật trình ra Quốc hội phải chặt chẽ hơn, giảm bớt thời gian tranh luận. Đặc biệt, nhiều đại biểu cũng có thể giải quyết công việc ở địa phương, thay vì tuần nào cũng phải bay đi, bay về, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm ngân sách.
Tưởng rằng, Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ nhưng ngược lại, chính nó cũng đem lại cơ hội để chúng ta sắp xếp lại mọi thứ cho hiệu quả hơn. Đặc biệt, đây là “thời cơ vàng” để hiện thực hóa “cách mạng công nghiệp 4.0”, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội. Như thế, cụm từ này sẽ không còn xa vời, không chỉ nằm trên giấy và không chỉ nói cho “sang”. Trên thực tế cũng có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tiếp tục duy trì “biện pháp tình thế” khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp “giãn cách xã hội”. Nếu thay đổi mà tốt hơn lên thì cớ gì phải quay về cái cũ? .
Giáng Hương/VOV