COVID-19: Nguy cơ cao bùng nổ đại dịch toàn cầu
Tốc độ lây lan quá nhanh của COVID-19 trên khắp thế giới khiến nhiều chuyên gia lo ngại virus này bùng phát thành đại dịch toàn cầu và sẽ là thảm họa y tế lớn nhất lịch sử.
Tính đến 19 giờ ngày 25-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 2.707 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 80.328 ca nhiễm. Như vậy so với cùng giờ ngày 24-2, số ca lây nhiễm tăng 621 người.
Đến nay đã có 43 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục, gồm 15 ca ở Iran, 11 ca ở Hàn Quốc, năm ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, bảy ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, một ca ở Pháp và một ca ở Philippines.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 27.810 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 2.548 người so với ngày 24-2.
Nguy cơ COVID-19 diễn biến thành đại dịch
Trong họp báo ngày 24-2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại về tình trạng bùng phát dịch tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran, theo tờ The Guardian.
Tại Hàn Quốc, chỉ trong vòng một tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng vọt từ 15 trường hợp lên 977 trường hợp với 10 người tử vong. Tại Ý, số người nhiễm cũng tăng vọt từ ba ca lên 270 ca trong vòng chưa đầy một tuần. Trước tình hình này, viễn cảnh COVID-19 tiến triển thành đại dịch toàn cầu trong tương lai là hoàn toàn có khả năng. Dù vậy, giới chức WHO hiện vẫn từ chối công nhận COVID-19 là đại dịch.
“Thông điệp quan trọng là phải khuyến khích, mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả quốc gia rằng virus này hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Thực tế đã có nhiều quốc gia làm được điều đó. Liệu virus này có thể gây ra đại dịch hay không? Tất nhiên là có nhưng chúng ta đã ở giai đoạn đó chưa? Theo đánh giá của chúng tôi thì chưa” – ông Tedros giải thích.
Dù vậy, ông Tedros vẫn kêu gọi thế giới cần tập trung ngăn chặn dịch, đồng thời làm mọi việc có thể để sẵn sàng cho nguy cơ một đại dịch.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cũng bình luận: “Hãy xem những gì xảy ra ở TQ, chúng tôi nhận thấy các ca nhiễm mới giảm mạnh, điều đó đi ngược lại với logic của một đại dịch. Trong khi đó, số ca nhiễm đang tăng mạnh ở các nước như Hàn Quốc, do vậy tình hình vẫn đang cân bằng”. Mặt khác, ông Ryan lưu ý: “Chúng ta đang ở giai đoạn sẵn sàng cho một đại dịch tiềm tàng”. Ông cho rằng các nước cần sẵn sàng các nguồn lực để đối phó với dịch COVID-19 có thể trở thành đại dịch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nhận định tình hình hiện nay đã cấu thành đủ điều kiện gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu.“Hiện giờ chúng tôi coi đây đã là đại dịch, vấn đề chỉ là cách gọi. Khái niệm đại dịch để chỉ một dịch bệnh lây lan hàng loạt sang nhiều nước khác nhau. Từ TQ, giờ thử đếm xem đã bao nhiêu nước có dịch rồi. Việc WHO có quyết định thừa nhận điều này không chỉ là vấn đề thời gian” – TS Bharat Pankhania thuộc ĐH Y Exeter (Anh) nhận định:
Đồng quan điểm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hong Kong Dirk Pfeiffer cho rằng tình hình mới đòi hỏi chính phủ các nước phải thay đổi tư duy phòng, chống dịch từ khống chế, cách ly virus sang giảm thiểu rủi ro. Ông chỉ ra thế giới không còn một nguồn lây nhiễm tập trung là TQ nữa, mà hiện giờ hầu như nước nào cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây lan mới.
Bi quan hơn, ông Paul Hunter, chuyên gia tại ĐH East Anglia (Anh), cảnh báo thời gian để kiểm soát dịch có thể đang cạn dần. Theo ông Hunter, sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm tại Hàn Quốc là chưa từng có tiền lệ kể từ khi dịch bệnh xảy ra, trong khi tình hình tại Ý là nỗi lo lớn của cả châu Âu.
Dịch COVID-19 chắc chắn đang trên bờ vực trở thành đại dịch toàn cầu và điều này sẽ sớm xảy ra nếu những biện pháp
ngăn chặn sắp tới không thành công, không tốt hơn thời điểm hiện tại.
TS ANTHONY FAUCI, Viện Y tế quốc gia Mỹ
Thiệt hại lớn nếu COVID-19 thành đại dịch
Trong báo cáo ngày 24-2, tổ chức dự báo và phân tích kinh tế Oxford Economics cảnh báo sự lây lan của virus sang các khu vực bên ngoài châu Á sẽ làm tăng trưởng toàn cầu giảm 1,3% trong năm nay, tương ứng với 1,1 ngàn tỉ USD thu nhập bị mất đi, theo đài CNBC. Mức giảm này tương đương việc thế giới mất toàn bộ sản lượng hằng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới.
Một công ty tư vấn khác là Capital Economics cũng cho biết tình hình ở TQ vẫn đang diễn biến tiêu cực. Hiện vẫn chưa rõ bao lâu nữa thì lệnh cách ly ở nhiều nơi ở TQ sẽ buộc các công ty ở nước này phải sa thải hàng loạt và cắt giảm lương trên diện rộng.
“Khoảng 85% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán lớn có đủ tiền để trả các khoản nợ và lương trong khoảng sáu tháng mà không có doanh thu. Tuy nhiên, các công ty vừa và nhỏ, có vai trò cung ứng đến 50% việc làm ở khu vực đô thị có thể sẽ không giữ được người lao động” – Capital Economics nêu rõ.
Ngoài ra, một khảo sát với 1.000 công ty vừa và nhỏ do hai đại học ở TQ thực hiện cho thấy nếu tình hình không cải thiện, 1/3 doanh nghiệp sẽ hết tiền mặt trong vòng một tuần. Một khảo sát khác với 700 công ty cho thấy khoảng 40% công ty tư nhân sẽ hết tiền mặt trong vòng ba tháng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Iran nhiễm virus COVID-19
Theo kênh truyền hình nhà nước Iran Fars, ngày 25-2, thứ trưởng Bộ Y tế nước này, ông Iraj Harirchi, đã bị xác định dương tính với virus COVID-19.
Trong đoạn video đăng tải trên trang Twitter cá nhân của mình, ông Harirchi thông báo rằng ông đã bị nhiễm bệnh, song sẽ “chắc chắn đánh bại” virus COVID-19.
Hiện Iran là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 với 95 ca ghi nhận nhiễm và 15 ca đã tử vong, theo số liệu của kênh truyền thông IRNA.
VĨ CƯỜNG/PL