Covid-19 lan như sóng thần, phát hiện virus tiến hóa thành 2 chủng
Hệ thống y tế tại Italy đã hoạt động hết công suất, trong bối cảnh nhiều bác sĩ, y tá đổ bệnh khi virus corona tiếp tục lan rộng tại nước này.
Một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Italy cho biết virus corona tràn vào bệnh viện nơi ông làm việc “như một cơn sóng thần”, khi 100 trên tổng số 120 người nhiễm virus bắt đầu có triệu chứng viêm phổi.
Một bệnh viện gần đó đối mặt tình trạng thiếu nhân viên y tế khi các bác sĩ đổ bệnh và trở thành bệnh nhân.
Hệ thống y tế Italy hoạt động hết công suất
Các bác sĩ, chuyên gia virus học, nhân viên chăm sóc y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại virus corona ở Italy, trong nhiều cuộc phỏng vấn, miêu tả hệ thống chăm sóc y tế nước này đã bị kéo căng tới cực đại, một tình thế mà nhiều quốc gia khác nhiều khả năng sẽ đối mặt khi virus lan rộng.
Trong một nỗ lực nhằm đối phó với tình hình thực tế, Italy đã buộc phải cho các y tá tốt nghiệp sớm, đồng thời triệu tập lại các nhân viên y tế đã nghỉ hưu. Các bệnh viện tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở phía Bắc đã trì hoãn các ca phẫu thuật không cấp thiết, đồng thời bổ sung 50% giường bệnh dành cho chăm sóc y tế đặc biệt.
“Đây là kịch bản tồi tệ nhất tôi từng chứng kiến”, Angelo Pan, người đứng đầu đơn vị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Cremona cho biết, lưu ý về sự biến chứng của các ca viêm phổi. Pan nói 35 bệnh nhân tại bệnh viện của ông cần lắp nội khí quản hoặc máy thở để trợ giúp hô hấp.
Italy đã mở rộng việc xét nghiệm virus corona, bao gồm những người chưa biểu hiện bất cứ triệu chứng nào của việc nhiễm virus. 3.089 người được xác nhận đã nhiễm virus corona. 107 người đã chết tại Italy vì virus corona, tăng 28 ca chỉ trong một ngày.
Các chuyên gia cho biết phần lớn các ca bệnh Covid-19 có triệu chứng nhẹ, các ổ dịch ở miền Bắc Italy chứng kiến nhiều ca nghiêm trọng hơn bởi virus corona tại đây tấn công vào những người lớn tuổi, với các bệnh nền như ung thư và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
“Tình hình tương đối tồi tệ ở tâm điểm bùng phát dịch. Chúng tôi có cộng đồng dân cư rất lớn tuổi, họ cần sự trợ giúp và hỗ trợ từ bệnh viện, đây là một gánh nặng rất lớn đối với các bệnh viện trong khu vực”, Giovanni Rezza, giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế quốc gia Italy, cho biết.
Virus đã âm thầm lan rộng
Tương tự như những gì xảy ra tại bang Washington của Mỹ, các chuyên gia y tế nhận định virus đã lan rộng trong nhiều tuần ở miền Bắc Italy trước khi được chú ý. Một người Italy 38 tuổi là trường hợp đầu tiên có xét nghiệm dương tính với virus corona ở vùng Lombardy. Người này chưa từng đi ra nước ngoài.
Khi virus corona lan rộng, các bệnh viện trong khu vực nhanh chóng quá tải với các ca bệnh. Và, qua thời gian, hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế cũng nhiễm virus từ bệnh nhân.
“Bài học ở đây là chúng ta cần can thiệp rất, rất nhanh chóng và bằng phương thức cứng rắn. Nếu không, chúng ta sẽ phải chịu gánh nặng dịch bệnh làm suy yếu hệ thống ytế. Chúng ta không thể thỏa hiệp với dịch bệnh”, ông Rezza nói.
Italy từng bị chỉ trích đã phản ứng chậm chạp khi phát hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên. Tuy nhiên, nhà chức trách y tế nước này sau đó đã có các hành động quyết đoán, bằng việc phong tỏa 50.000 dân và xét nghiệm hàng nghìn người trong nỗ lực kiểm soát sự lây nhiễm của virus. Các quan chức y tế cho biết họ hy vọng các biện pháp sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho tới hết tuần này.
Tuy nhiên, ông Rezza nhận định việc hạn chế di chuyển và tụ tập đông người có thể cần được kéo dài thêm, nhằm đánh giá toàn diện và chi tiết hơn hiệu quả của chúng, trong khi khu vực bị phong tỏa có thể được mở rộng. Việc ngăn chặn sự lây lan của virus, theo ông Rezza, đã là quá muộn ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên các biện pháp phong tỏa và hạn chế sẽ giúp làm chậm sự lây lan.
“Điều tồi tệ nhất là có quá nhiều ca bệnh ở cùng một địa điểm”, ông Rezza nói.
Tại thị trấn Lodi, cách thành phố Milan khoảng 15 km, 2 tầng của bệnh viện thị trấn được sử dụng để điều trị cho 250 bệnh nhân nhiễm virus corona, trong đó 70 ca đang nguy kịch. Các bác sĩ cho biết họ đã coi sự bùng phát lần này như một “tình huống với thương vong lớn”, tình hình càng tồi tệ hơn khi một số nhân viên của bệnh viện cũng bị nhiễm bệnh.
“Bệnh viện vẫn xoay xở đứng vững trong tình thế hết sức phức tạp. Các điều trị viên, y tá, nhân viên kỹ thuật cũng bị lây nhiễm, vì vậy họ buộc phải tự cách ly tại gia”, ông Enrico Storti, trưởng khoa cấp cứu và chăm sóc đặc biệt, cho biết.
Thiếu hụt bác sĩ, y tá
Các quan chức y tế Italy cho biết khoảng 10% nhân viên y tế tại vùng Lombardy đã nhiễm bệnh. Costantino Troise, người đứng đầu nghiệp đoàn Anaao Assomed, cho biết nhân viên y tế chiếm khoảng 5% tổng số ca nhiễm virus corona tại Italy. Ông Troise tiết lộ việc cắt giảm ngân sách ngay trước khi dịch bệnh bùng phát đã khiến Italy đang đối mặt tình trạng thiếu hụt hàng nghìn bác sĩ và y ta.
Tại bệnh viện ở thị trấn Lodi, bác sĩ 43 tuổi tên Francessca Reali hiện đã là bệnh nhân sau khi lây nhiễm virus. Bà Reali cho biết bản thân có các triệu chứng nhẹ, dù có nặng hơn so với cúm thông thường. Bác sĩ 43 tuổi cho rằng bà nhiễm virus trước khi các nhân viên y tế nhận biết được nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng và đã làm việc mà không có các thiết bị bảo hộ phù hợp.
“Nhiều người trong chúng tôi đã đương tính với virus corona, ít nhất là 5 người”, bà Reali nói về các bác sĩ tại bệnh viện ở thị trấn Lodi.
Trong khi đó, chủ tịch liên đoàn y tế địa phương Massimo Vajani đã có triệu chứng ho. Ông cho biết đã xét nghiệm virus corona từ 5 ngày trước và đang chờ kết quả. Ông Vajani tiết lộ 3 trong tổng số 4 gia đình các bác sĩ ở thị trấn Castiglione d’Adda thuộc vùng Lombardy đã bị cách ly. “Chúng tôi cần thêm bác sĩ và y tá”, ông Vajani nói.
Ông Pan, một người làm việc tại bệnh viện Cremona, cho biết bản thân tin vào khả năng ứng phó của hệ thống y tế Italy, dù nhiều dịch vụ khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề. “Tuy nhiên, mọi chuyện còn phụ thuộc và tình hình dịch bệnh diễn biến trong những ngày tới”, ông Pan nói.
Tại bệnh viện ở thị trấn Lodi, ông Giovana Cardarelli tới thăm người cha năm nay đã 92 tuổi. Cha của ông Cardarelli nhập viện vì vấn đề tim mạch ngay trước khi virus corona bùng phát. Người đàn ông hiện tại không thể tiến hành tiểu phẫu cho tới khi có kết quả xét nghiệm virus corona, do có sự lo ngại về nguy cơ virus lây lan.
“Tôi không trách cứ ai, nhưng tình hình hết sức căng thẳng. Đã 2 tuần trôi qua, cha tôi rất suy sụp, và chúng tôi đều mệt mỏi”, ông Cardarelli nói. Để vào thăm cha, ông phải thay bộ đồ bảo hộ toàn thân, đồng thời rửa tay trước và sau khi vào khu cách ly.
Lan tới hầu khắp các tỉnh của Iran
Tại Iran, virus corona chủng mới đã lan tới gần như tất cả tỉnh thành của nước này, nhưng Tổng thống Hassan Rouhani hôm 4/3 khẳng định quốc gia Trung Đông sẽ vượt qua đợt bùng phát với số ca tử vong tối thiểu.
“Đây là một dịch bệnh lan rộng”, Tổng thống Rouhani nói trong cuộc họp nội các, theo trang web chính thức của phủ tổng thống Iran.
“Dịch bệnh đã vươn tới hầu hết tỉnh ở mức độ bệnh dịch toàn cầu”.
Bộ Y tế Iran cùng ngày thông báo số ca tử vong vì virus corona ở nước này đã lên tới 92, đánh dấu số ca tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục – nơi dịch Covid-19 khởi phát. Cũng theo Bộ Y tế, tổng cộng 2.922 người đã được xác nhận nhiễm bệnh.
Trong số các ca nhiễm, trường hợp mới nhất gây nhiều chú ý là Phó tổng thống thứ nhất Eshaq Jahangiri, trang IranWire đưa tin. Tuy nhiên, giới chức trách chưa xác nhận thông tin này.
Khoảng 8% nghị sĩ Iran đã có kết quả dương tính với virus corona. Giới chức trách nước này đã thông báo các kế hoạch điều động 300.000 binh sĩ và tình nguyện viên để chống dịch bệnh bùng phát.
Hai quan chức cấp cao Iran đã tử vong vì virus corona và nhiều quan chức khác nhiễm bệnh. Ông Pirhossein Kolivand, Giám đốc Cơ quan Y tế khẩn cấp của Iran, là quan chức mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.
Trước ông Kolivand, một loạt quan chức cấp cao như Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar, Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi, hay Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mojtaba Zolnour.
Trong ngày 3/3, Lãnh đạo tối cao Iran Iran Ayatollah Ali Khamenei đã yêu cầu quân đội nước này hỗ trợ Bộ Y tế trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của virus corona.
Iran cũng là một trong 4 nước bùng phát dịch virus corona được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là mối lo ngại hàng đầu hiện nay, bên cạnh Hàn Quốc, Italy và Nhật Bản, theo thông báo của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 2/3.
Iran có khoảng 83,6 triệu dân, trong đó khoảng 76% sống tại các vùng nông thôn. Nước này có dân số nhiều thứ 18 trên thế giới.
Là tâm điểm của Trung Đông và chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp cấm vận, hệ thống y tế của nước này được cho là khó có thể đáp ứng được trong trường hợp dịch virus corona lan rộng.
Một loạt nước ở Vùng Vịnh đã đóng cửa biên giới với Tehran sau khi dịch bùng phát.
Hàn Quốc bổ sung gói ngân sách 9,8 tỷ USD ứng phó dịch
Tại Hàn Quốc, nơi có nhiều ca nhiễm nhất bên ngoài Trung Quốc, số ca nhiễm tăng thêm mỗi ngày ở đây liên tục “phá kỷ lục” của Trung Quốc. Số ca nhiễm được công bố vào chiều 4/3 của nước đã lên tới 5.621, với ít nhất 33 ca tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Hầu hết trường hợp nhiễm bệnh là ở tâm dịch Daegu, thành phố lớn và khu vực lân cận.
Các quan chức y tế dự đoán con số này sẽ còn tăng khi có kết quả xét nghiệm của hơn 20.000 tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa, cũng như hàng nghìn trường hợp nghi ngờ khác.
Các bệnh viện ở vùng tâm dịch của Hàn Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và cơ sở hạ tầng để đáp ứng với số bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng nhanh. Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc, ông Kim Gang-lip, cho biết tại Daegu, 2.300 người vẫn đang chờ giường tại các bệnh viện và cơ sở y tế tạm thời.
“Một bệnh viện quân đội với 100 giường bệnh sẽ được bổ sung thêm 200 giường vào ngày 5/3 để tiếp nhận các trường hợp nghiêm trọng”, ông Kim Gang-lip cho hay.
“Chúng tôi cần các biện pháp đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp”, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun nói trong cuộc họp nội các. Ông tuyên bố chính phủ sẽ tăng cường nguồn lực y tế bổ sung cho các điểm nóng Covid-19 và bổ sung gói ngân sách 11,7 nghìn tỷ won (9,8 tỷ USD) phục vụ công tác ứng phó dịch bệnh, theo Yonhap.
Trong khi đó, tại Mỹ, căng thẳng trong ứng phó với dịch virus corona gia tăng hôm 3/3 khi số ca tử vong đến tăng lên đến 9 và các nhà lập pháp bày tỏ hoài nghi về khả năng thực hiện xét nghiệm kịp thời của chính phủ.
Tổng số người nhiễm được xác nhận tại bang Washington đã tăng lên đến 27, trong đó 9 người đã tử vong, tăng so với thống kê 18 ca nhiễm và 6 ca tử vong một ngày trước đó, cơ quan y tế bang cho hay, theo Reuters.
Số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng lên đến ít nhất là 108. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật liên bang (CDC) cho biết trên website: 60 ca ở 12 bang của Mỹ và 48 ca từ nước ngoài đưa về.
Cho tới nay, số ca tử vong trên toàn cầu đã lên tới 3.190 trong khi hơn 93.000 người nhiễm bệnh ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) hôm 4/3 công bố thêm 38 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 2.981 trong khi tổng cộng ca nhiễm lên tới 80.270.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 4/2 hco biết trong một cuộc họp báo tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ rằng trên toàn cầu, khoảng 3,4% người nhiễm Covid-19 được xác nhận tử vong. Những tuần đầu tiên sau khi xảy ra dịch, các nhà khoa học từng kết luận tỷ lệ tử vong ở mức 2,3%.
Phát hiện mới về virus corona
Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện virus corona đã tiến hóa thành 2 chủng khác nhau về đặc tính lây lan và phân bổ địa lý.
Theo SCMP, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc đăng tải trên tạp chí khoa học National Science Review hôm 3/3 cho thấy virus corona đã tiến hóa thành 2 chủng lớn, với cơ chế lây nhiễm và phân bổ địa lý khác nhau.
Theo đó, các nhà khoa học đã phân tích 103 đoạn gene của virus corona và phát hiện đột biến tại 149 vị trí. Các nhà khoa học phát hiện một trong hai chủng, được ký hiệu là chủng L, phổ biến hơn chủng còn lại, gọi là chủng S, đồng nghĩa với việc chủng L có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng S.
Chủng L được cho là đã lây lan rất mạnh từ trước ngày 7/1 tại Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh. Các nhà khoa học cho rằng chủng L đã tiến hóa từ chủng S.
Hành động của con người sau khi sự bùng phát virus corona được phát hiện vào tháng 12 có thể đã thay đổi sự lây lan của các chủng. Báo cáo của các nhà khoa học cho rằng việc chính quyền Trung Quốc áp dụng các biện pháp mạnh tay, trong đó có phong tỏa các thành phố, đã giúp ngăn chặn sự lây lan của chủng L.
Các nhà khoa học cho biết các nghiên cứu tiếp theo cần được tiến hành để giúp có được cái nhìn tổng quan hơn về sự tiến hóa và lây lan của virus corona.
Duy Anh/ZN