Covid-19 đã tạo ra thời cơ “ngàn năm có một” cho Trung Quốc
Mặc cho thế giới quay cuồng trong cơn thập tử Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng “khoảng trống quyền lực” và sự “xao nhãng” của Mỹ cùng các cường quốc phương Tây khi phải tập trung hơn cho công tác nội trị – chống dịch để tiến hành một loạt các hành vi sai trái “chưa từng có tiền lệ” nhằm hiện thực hóa mưu đồ bá quyền, định vị lại trật tự thế giới.
Đã xưa rồi cái thời “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình với “giấc mộng Trung Hoa” đã liên tục triển khai các chiến lược, hoạt động nhằm vẽ lại trật tự thế giới (vốn do Mỹ thiết lập) theo hướng có lợi nhất cho Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng toàn cầu phát sinh từ Covid-19 đã như một cú đấm mạnh vào diện mạo của thế giới và như một số quan chức Trung Quốc ví von đây là “giọt nước sau cùng đến để phá vỡ vòng chu kỳ toàn cầu và độc lập của tiến trình toàn cầu hóa này”.
Trung Quốc quả không hổ danh là “bậc thầy chủ nghĩa cơ hội” khi lợi dụng triệt để thời cơ trên, cộng với việc cơ bản dập tắt sớm được dịch bệnh trong nước để ‘rảnh tay’ xây dựng quyền lực mềm nhằm gia tăng vị thế để theo đuổi các quyền lực cứng trong chính trị quốc tế.
Lợi dụng dịch bệnh để thực hiện “Con đường tơ lụa sức khỏe”
Covid-19 khiến hàng loạt quốc gia phải thực hiện “giãn cách xã hội” đã làm sụp đổ các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt gây khan hiếm các sản phẩm y tế như khẩu trang, kít xét nghiệm, máy thở, vắc xin,…Ngay trong giai đoạn đầu của dịch, Trung Quốc đã bẻ đứt gãy nguồn cung và tác động các quốc gia khác trong đối phó dịch, tạo thế độc quyền trong thiết bị y tế. Các yếu tố đó đã tạo ra thời cơ không thể tốt hơn cho việc sử dụng “ngoại giao khẩu trang” mà chính quyền Trung Quốc gọi là “Con đường tơ lụa sức khỏe” (Healthy Silk Road) để khuếch trương vai trò, sử dụng hỗ trợ y tế như “củ cà rốt” cho các nước có quan hệ song phương tốt hoặc Trung Quốc cần gia tăng ảnh hưởng.
Với việc làm chủ nguồn cung các thiết bị trong khi thế giới đang lao đao thiếu hụt, Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành “ông chủ” đầy quyền lực trong việc lựa chọn “ban phát” cho các quốc gia khác mà nước này muốn phải mang ân huệ. Theo đó, khi dịch bệnh diễn biến trầm trọng buộc Ý phải kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp, tuy nhiên không quốc gia châu Âu nào đáp ứng, duy chỉ có Trung Quốc ‘đưa tay’ cứu vớt. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gửi đội ngũ y tế cùng trang thiết bị đến Iran, Serbia, 54 quốc gia châu Phi và thậm chí cả Mỹ. Trung Quốc thậm chí còn cho thấy khả năng đã thao túng cả Tổ chức Y tế Thế giới thông qua quan hệ giữa nước này với Ethiopia – quê nhà của Tổng Giám đốc WHO. Các cơ sở trên hoàn toàn có thể cho thấy Trung Quốc đang muốn trở thành lãnh đạo của cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19.
Thao túng dư luận để thâu tóm Biển Đông
Lợi dụng tình hình Mỹ và các đồng minh đang vật lộn với dịch bệnh, Trung Quốc còn gia tăng áp đặt sức ảnh hưởng và thông tin trên trận địa truyền thông. Không chỉ thâu tóm báo chí bên ngoài đại lục, mở rộng kênh tuyên truyền ra thế giới (mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc của Đài truyền hình Trung ương TQ phủ sóng ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ). Đáng chú ý gần đây, TQ còn xây dựng các trung tâm nghiên cứu như “Sáng kiến minh bạch chiến lược Biển Đông”, tích cực sử dụng nó như một kênh tuyên truyền phục vụ đắc lực cho các ý đồ: hạ uy tín, chỉ trích Mỹ vô trách nhiệm, thiếu năng lực trong bước đầu chống dịch. Thậm chí cánh quan chức diều hâu của TQ còn rêu rao rằng quân đội Mỹ chính là nguyên nhân làm lây lan đại dịch từ Vũ Hán; Lấp liếm các hành vi sai trái trên Biển Đông; Xuyên tạc các tàu cá Việt Nam “xâm phạm trái phép” vùng nước “chủ quyền” của TQ…
Kế đến là đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong hoạn nạn, không giúp nhau được thì chớ, ngay giữa tai ương kiếp nạn chung, Trung Quốc còn hung hăng uy hiếp gia tăng đột biến các hoạt động quân sự kết hợp đồng bộ hỗ trợ từ pháp lý, ngoại giao nhằm khẳng định “chủ quyền” phi lý trên biển như: triển khai biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến khu vực quần đảo Trường Sa; Đâm chìm tàu cá của Việt Nam; Điều các máy bay do thám đến đảo đá Chữ Thập; Đưa tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 quay lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và sau đó là Malaysia… chứng minh rằng Bắc Kinh đang khai thác đại dịch để thúc đẩy yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Đẩy mạnh đưa “người của mình” vào tiếm quyền kiểm soát các tổ chức quốc tế
Thông báo gần đây của Bắc Kinh về việc thành lập hai đơn vị hành chính mới “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một ví dụ khác cho sự thiếu tôn trọng của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế. Sự thiếu tôn trọng này đặc biệt đáng lo ngại khi người Trung Quốc đang đứng đầu 4 trên 15 cơ quan quốc tế của Liên Hiệp Quốc như Bộ trưởng Nông nghiệp Khuất Đông Ngọc đang nắm giữ vị trí Tổng thư ký Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO); Ông Triệu Hậu Lân làm Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Hiện Trung Quốc đang tìm cách cài người của mình là Đại sứ TQ tại Hungary Đoàn Khiết Long tham gia Hội đồng thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS)…
Song song với việc tăng ảnh hưởng bằng cách đẩy mạnh đưa công dân của mình lên giữ vị trí lãnh đạo tại nhiều tổ chức chuyên trách của Liên Hợp Quốc và một số cơ quan quốc tế khác. Trung Quốc còn gia tăng ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới, bằng cách tạo dựng một cộng đồng Đông Á đặt dưới sự chỉ đạo của mình thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế với các nước trong khu vực mà không có sự hiện diện của Mỹ như Hiệp định Thương mại Tự do với Úc, Singapore, Hàn Quốc, ASEAN… Mặt khác, Trung Quốc xây dựng các thể chế kinh tế quốc tế nhằm gia tăng ảnh hưởng cũng như đối trọng với các thể chế do Mỹ đứng đầu.
Tấn công các cơ quan trọng yếu của Việt Nam nhằm chiếm lợi thế về chủ quyền biển đảo?
Trận địa không gian mạng quả thật đáng báo động, khi Trung Quốc đẩy mạnh triển khai dồn dập các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn dịch nhằm thu thập chiếm đoạt thông tin, giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong về chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế, hiện thực hóa mưu đồ định hình trật tự thế giới, phế truất “ngôi vương” của Mỹ. Có hàng trăm cuộc tấn công mạng diễn ra mỗi ngày. Báo cáo từ Công ty bảo mật FireEye (Mỹ) cho hay , trong một tháng qua, không ít nhóm hacker liên quan đến chính phủ Trung Quốc đã gửi thông tin chứa mã độc mang nội dung Covid-19 nhắm đến các công ty và văn phòng ngoại giao ở Đông Nam Á, Trung Á, Đông Âu và Hàn Quốc. Cho thấy nguy cơ các nhóm gián điệp mạng TQ tấn công, kiểm soát và chiếm đoạt dữ liệu mật liên quan đến chủ trương, chiến lược, đề án chính sách đối ngoại của ta nhất là về biển đông tại các cơ quan trọng yếu của Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Kết quả của hàng loạt các chiến dịch tấn công mạng quy mô lớn, phạm vi rộng này chắc chắn sẽ mang lại cho Trung Quốc một nguồn dồi dào thông tin, dữ liệu quan trọng tạo thế tối đa phục vụ không chỉ cho công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền, chủ động hoạch định đối sách mà còn cho phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật hướng đến mưu đồ xưng vương, vẽ lại trật tự thế giới của Trung Quốc giai đoạn “hậu Covid-19”.
Đại dịch Covid-19 đang từ “nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị” biến thành “cơ hội ngàn năm có một” cho Trung Quốc. Việc cơ bản dập tắt sớm được dịch bệnh trong nước đã rút ngắn khoảng cách phát triển của TQ với các nước Mỹ Phương Tây 1 cách đáng kế, tạo ra cơ hội cho lãnh đạo của quốc gia này mở rộng hết mức có thể tầm ảnh hưởng của mình nhằm phá vỡ trật tự thế giới cũ sau Thế chiến thứ 2 và thiết lập một trật tự quốc tế mới với Trung Quốc là trung tâm của toàn cầu. Cho nên, Việt Nam cần tiếp tục duy trì các biện pháp pháp lý và ngoại giao mềm dẻo nhưng không kém phần cứng rắn, đặc biệt là vấn đề về Biển Đông. Bên cạnh đó, Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần được đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn nữa cho lực lượng tác chiến trên không gian mạng, bởi không cần phải là súng ống đạn dược, trận địa thứ 5 này chắc chắn khốc liệt hơn rất nhiều khi những bí mật nhà nước, bí mật quân sự bị đánh chiếm trở thành chiến lợi phẩm lợi hại phục vụ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc. Chúng ta không thể chủ quan lơ là!
Văn Dân