Covid-19 đã dạy chúng ta điều gì?
Thực tế, phải công nhận một điều rằng đã có sự dễ dãi sau một thời gian dài chúng ta không có bệnh nhân nhiễm Covid trong cộng đồng. Những gì xảy ra ở Singapore trong làn sóng dịch bệnh thứ hai là bài học ngay trước mắt. Việt Nam chúng ta đang bước vào giai đoạn chống dịch mới, sẽ phức tạp hơn nhưng chúng ta may mắn có được bài học kinh nghiệm từ đợt dịch trước. Vậy bài học ở đây là gì?
Con người ta hay có tâm lý chủ quan khi mọi thứ đã đâu lại vào đấy, thời điểm tháng 6,7 tôi không còn thấy hình ảnh nhiều người đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thường xuyên rửa tay sát khuẩn như trước nữa. Quán nhậu quán bia hơi lại đông nghẹt người. Và cảnh hành khách cãi nhau với tiếp viên vì chuyện bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay liên tục “lên sóng”. Nhiều người cuống cuồng tìm khẩu trang đeo khi biết có ca nhiễm trong cộng đồng ở Đà Nẵng!.
Bài học cảnh giác có lẽ là bài học đắt giá cho người dân Việt Nam ở thời điểm này, có thể bạn sẽ nói, biết rồi, khổ lắm nói mãi nhưng chúng ta không được phép quên không chỉ ở dịch bệnh lần này mà còn ở nhiều vấn đề khác trong cuộc sống. Chìa khoá chống đại dịch ở Viêt Nam chính là sự tuân thủ của người dân, ý thức cộng đồng của tất cả mọi người trong xã hội. Đại dịch là một điều bất hạnh cho tất cả chúng ta, nhưng thật may qua đó lại giúp chúng ta gần nhau hơn, phát hiện được những mặt tốt, điểm mạnh của nhau.
Thứ hai là bài học về tin giả, đến khi đợt dịch bùng phát lần thứ 2 chúng ta vẫn có xuất hiện tình trạng này, ngay khi có các ca nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng xuất hiện, trên nhiều trang mạng cá nhân đã lan truyền những thông tin thất thiệt về tình trạng vỡ trận ở sân bay, các khu phố bị phong tỏa, cách ly vì nghi có người nhiễm bệnh; thậm chí nhiều tài khoản facebook còn đăng tải thông tin giả về khẩu trang khiến nhiều người hoang mang đổ xô tìm mua. Thiết nghĩ chúng ta hãy thật bình tĩnh, tin tưởng vào Chính phủ và nhà nước, đừng để cho tin giả hoành hành như đợt dịch vừa qua, điều đó sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chống dịch.
Bài học thứ ba là bài học về sự đoàn kết, nhờ có Covid-19 mà tôi thấy sự đoàn kết của dân tộc ta rất lớn, và một tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam ta. Rất nhiều người dân đã ra sức ủng hộ hiện vật và tiền mặt. Thức ăn, đồ dùng được đưa đến cửa nhà người bị cách ly. Và hiện nay bài học này đang được phát huy rất tốt ở Đà Nẵng. Hàng loạt facebook người Đà Nẵng viết lên các dòng chữ “Tôi yêu Đà Nẵng”, “Tôi tin Đà Nẵng” đầy sâu sắc và cảm động… Mạng xã hội cũng chia sẻ rầm rộ hình ảnh các bác sỹ đầu ngành từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế lên đường chi viện cho Đà Nẵng, như một chỉ dấu tin cậy của công cuộc phòng, chống dịch. Và mới đây một nhà hàng đã tổ chức nấu khoảng 600 suất ăn khuya tặng cho đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng đang phải cách ly tại các khách sạn, các chiến sĩ, dân quân tự vệ làm nhiệm vụ canh gác tại nhiều chốt kiểm dịch. Thật ấm lòng tình người Đà Nẵng, tình người dân Việt Nam.
Đoàn kết sẽ giải quyết được những vấn đề lớn hơn trong xã hội, từ biến đổi khí hậu đến dịch bệnh và nghèo đói. Tôi nhớ bà tiến sĩ Merkel đã từng phát biểu tại Đại học Havard: Thời đại ngày nay có rất nhiều vấn đề chung cần giải quyết và mâu thuẫn là điều tất yếu. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của người khác và thử nhìn theo cách của họ, thì bạn sẽ tìm được tiếng nói chung thay vì chỉ nhìn vào lợi ích của bản thân mình.
Bài học thứ 4 cũng đang được phát huy một cách rất hiệu quả đó chính là sự quyết liệt, tham gia của tất cả các cơ quan chức năng hay nói một cách chính quy là “sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội”. Từ trước đến nay, có lẽ chưa bao giờ, để đối phó với một dịch bệnh mà các ban ngành phải họp chỉ đạo liên tục. Những quyết sách liên bộ, ảnh hưởng tới nhiều địa phương được duyệt nhanh chóng không còn loanh quanh theo con đường hành chính thứ bậc.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã ứng phó với cuộc bùng phát Covid-19 lần 1 rất sớm và mạnh mẽ, đóng cửa các trường học ngay từ đầu, truy tìm và cách ly những trường hợp trở về từ nước ngoài. Thành công của phương pháp này dựa trên sự kết hợp của việc giám sát chặt chẽ tất cả những ai nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm và truy vết; giao tiếp tích cực với các cộng đồng; và điều trị hiệu quả những ca nhiễm bệnh.
Kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời là điều quan trọng nhất. Trong nước, phải tiếp tục phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những người có triệu chứng như sốt, ho, khó thở… Khi phát hiện ca nhiễm, cần khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Người dân cũng cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện mới như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế.
Làn sóng Covid-19 thứ hai này quả thực là khó khăn lại chồng chất khó khăn, mọi khó khăn của dịch bệnh trên các lĩnh vực đang phơi bày ngổn ngang chưa kịp ổn định thì làn sóng thứ hai lại ập đến. Khó khăn lần này đòi hỏi chúng ta phải kiên kỳ nhẫn nại hơn, đặc biệt không để một sơ suất chủ quan nào gây ra tác hại xấu hơn, mọi khó khăn gian khổ đang thử thách tinh thần Việt Nam một lần nữa.
Hy vọng rằng trong giai đoạn chúng ta đang bước vào một hành trình chống giặc Covid-19 mới, chúng ta phải ghi nhớ, phát huy những bài học về sức khỏe cộng đồng, sự gắn kết xã hội, cũng như những gì ta có thể đạt được trong thời gian chống dịch trước đó. Đại dịch này đang tác động tới tất cả chúng ta, nhưng hãy tin rằng Đà Nẵng sẽ ổn và Việt Nam rồi sẽ lại ổn thôi!
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả