Công việc áp lực vì sao hệ số lương giáo viên mầm non thấp hơn cấp khác?
“Vì sao công việc của giáo viên mầm non cực nhất mà hệ số lương lại thấp nhất?” Nhiều giáo viên mầm non tự đặt câu hỏi trước thông tư mới của Bộ GD-ĐT quy định về chức danh nghề nghiệp, hệ số lương mới của giáo viên.
Công việc áp lực và vất vả
Từng làm giáo viên mầm non được 2 năm, N.A.N (24 tuổi, Đà Nẵng) cho biết cô là một trong những lứa sinh viên khoá đầu tiên của ngành giáo dục mầm non Trường cao đẳng Bách khoa (Đà Nẵng). Lớp của N. trước đó có 30 người, nhưng sau các kỳ thực tập nhiều bạn đã nghỉ học khi đã học được giữa chừng chỉ còn khoảng 18 bạn. Còn hiện tại N. cho biết chỉ còn 4-5 người theo nghề mình đã học.
Tốt nghiệp cao đẳng, N. được nhận vào làm giáo viên hợp đồng ở một trường công lập với mức lương là hơn 2,8 triệu đồng/tháng, sau một năm cô được nhận mức lương 3,2 triệu đồng. Theo nghề được 2 năm thì N. nghỉ việc chuyển sang ngành khác.
“Một phần vì công việc rập khuôn và áp lực thi đua trong trường và các trường với nhau. Phần nữa giáo viên cũng chịu áp lực lớn phụ huynh, nhiều người phản ứng rất mạnh khi không may con bị té ngã khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Có lúc, em giữ trẻ 30-35 bạn/lớp, mình nhiều khi không thể quan sát hết được trong khi lứa tuổi trẻ mầm non thì rất hiếu động nên khó lòng tránh được việc té ngã, trầy xước… Cũng chưa kể, có nhiều hoạt động mình cho trẻ tham gia để tập tính tự lập như tự lấy ghế, xếp bàn ăn, rửa ly uống nước nhưng phụ huynh không đồng ý.
Trong hoạt động hàng ngày, giáo viên mầm non không chỉ xoay quanh việc chăm sóc trẻ mà còn rất nhiều việc không tên như vệ sinh trường lớp, các việc sổ sách và làm đồ chơi. Suốt thời gian đi làm, không ít lần em về nhà trong nước mắt, nhưng mãi đến năm trước khi nghỉ thời gian dài ở nhà để phòng dịch thì em mới quyết tâm chuyển được sang ngành khác làm việc”, cô N. chia sẻ về công việc của mình.
Công việc áp lực, vất vả tại sao lại nhận mức lương thấp nhất?
Trên các diễn đàn của giáo viên mầm non trong những ngày gần đây câu chuyện lương của giáo viên theo thông tư mới ban hành của Bộ GD-ĐT được bàn luận rôm rả. Trong đó nhiều người đặt câu hỏi “không hiểu vì sao hệ số lương của giáo viên mầm non lại thấp nhất, thấp hơn bậc tiểu học và THCS khi khối lượng công việc, mức độ áp lực không hề thấp hơn?”
Gắn bó với trường một trường mầm non công lập ở Hà Nội nhiều năm nay, chị Nguyễn Thanh cho biết vừa được chuyển từ giáo viên hạng IV sang hạng III, hệ số lương của chị hiện tại là 2,72.
“Lương cơ bản 1,490 × bậc 2.72 -10.5% bảo hiểm + 35% phụ cấp + thâm niên 9%. Lương của mình đây, sau khi cộng trừ các khoản theo công thức này mỗi tháng mình chỉ nhận được khoảng 5,3 triệu đồng”, chị Nguyễn Thanh chia sẻ. Ngoài ra còn có thêm khoản tiền trực bán trú, tiền này tùy thuộc số học sinh, số cán bộ giáo viên nhân viên của trường để chia.
“Trước đó khi nghe thông tin lương giáo viên các cấp sẽ được cải thiện nhiều từ tháng 3 này, nhưng theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT mới nhất của Bộ GD-ĐT thì hệ số lương của giáo viên mầm non lại thấp nhất trong tất cả các bậc. Cụ thể, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 – 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 – 4,98) trong khi các cấp học khác hệ số lương giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 – 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động từ 1,86 – 4,98). Như vậy, với hệ số này, mức lương của giáo viên mầm non thấp hơn so với bậc tiểu học, dù trước đó cùng hệ số và thấp nhất trong tất cả các cấp”, chị Thanh phân tích.
Chia sẻ về cách tính lương, theo tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cho biết nếu theo Thông tư 01 thì hệ số lương khởi điểm của bậc giáo viên mầm non thấp nhất là viên chức hạng 3, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
“Có 3 hạng viên chức thì hạng 3 là thấp nhất, như vậy hệ số lương này thấp hơn 2,34 dành cho giáo viên mầm non hạng II hay giáo viên tiểu học hạng 3. Điều này là bình thường vì yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ đặt ra đối với giáo viên mầm non hạng 3 theo quy định của khoản 3 điểm a Điều 3 Thông tư 01 chỉ cần “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm giáo dục mầm non trở lên;”. Có nghĩa là họ không cần tốt nghiệp đại học. Do vậy, phàn nàn rằng tôi tốt nghiệp đại học 4 năm sao lương thấp hơn giáo viên tiểu học là không có cơ sở”, tiến sĩ Diệp phân tích.
Mặt khác, mức độ phức tạp của công việc đối với giáo viên tiểu học và giáo viên mầm non cũng khác nhau, do vậy việc lương của giáo viên tiểu học cao hơn bậc mầm non là điều bình thường. “Cần lưu ý rằng Nhà nước không chủ trương trả lương theo bằng cấp mà cái chính là theo độ phức tập và yêu cầu của công việc. Bằng cấp và việc nâng cao trình độ là được khuyến khích nhưng không phải là tất cả trong việc trả lương”, tiến sĩ Diệp nói thêm.
Nguyễn Loa/ TNO