Công văn hỏa tốc phong tỏa khu vực có dịch Covid-19
Ngày 12.2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành công văn hỏa tốc về quyết định triển khai khẩn cấp các nhiệm vụ chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (dịch bệnh Covid-19).
Theo đó, thực hiện ngay việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch theo quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người mắc bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập bệnh viện (BV) dã chiến, khu cách ly tập trung; khoanh vùng phong tỏa cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, H.Bình Xuyên.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Y tế chủ trì đề xuất các biện pháp chống dịch, thành lập khu cách ly tập trung, BV dã chiến; Công an tỉnh tham mưu thành lập các chốt, trạm kiểm dịch, cô lập vùng dịch tại các đầu mối giao thông để kiểm soát người ra, vào. Các ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, xã phải thường xuyên nắm tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp chống dịch, nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan.
Vĩnh Phúc cho học sinh nghỉ đến hết 23.2
Sáng 12.2, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phòng chống dịch Covid-19, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy đã đồng ý với đề xuất cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học đến hết ngày 23.2, đồng thời đồng ý chủ trương ưu đãi cho một số doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phòng dịch.
Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly và mức hỗ trợ cho người trực chốt phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, người phải cách ly tập trung hoặc cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế được hỗ trợ tiền ăn là 60.000 đồng/ngày; người cách ly tại cộng đồng được hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày. Mức hỗ trợ cho cán bộ y tế và những người tham gia phòng chống dịch bệnh tại các chốt là
200.000 đồng/ngày làm việc bình thường; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ. Thời gian thực hiện nghị quyết là 20 ngày, kể từ ngày 13.2.
“Cắm chốt” tại Vĩnh Phúc 24/24 giờ
Theo Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 12.2, có 7/15 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh xuất viện. Hiện còn 97 trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch tiếp tục được cách ly y tế, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, 602 trường hợp sức khỏe bình thường, nhưng vẫn đang được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm; đã có 787 trường hợp xét nghiệm âm tính.
Chiều 12.2, Bộ Y tế cho biết Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt hỗ trợ về kiểm soát phòng chống dịch và điều trị “cắm chốt” tại Vĩnh Phúc 24/24 giờ. Từ ngày 13.2, tổ này sẽ cùng y tế địa phương hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, vấn đề quan trọng nhất tại Vĩnh Phúc thời điểm này là khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc ca bệnh để cắt đứt nguồn lây bệnh. Hiện H.Bình Xuyên – nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất tại tỉnh Vĩnh Phúc, đã lập 7 chốt kiểm dịch tại xã Sơn Lôi, với nhiệm vụ kiểm soát, khử khuẩn tất cả các phương tiện ra vào. Vĩnh Phúc là địa phương có số người nhiễm Covid-19 nhiều nhất nước với 10/15 ca, trong đó 3 ca đã được ra viện.
Tiếp tục siết chặt cách ly y tế
Cũng trong hôm qua (12.2), nhiều tỉnh, TP tiếp tục siết chặt cách ly y tế đối với lao động, người nhập cảnh từ Trung Quốc để kiểm soát nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Theo đó, Trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm TP.HCM (HCDC), cho biết tính đến nay toàn TP.HCM chỉ mới phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19, trong đó 2 bệnh nhân người Trung Quốc đã xuất viện. Hiện TP có 1 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 đang chờ kết quả xét nghiệm, 29 ca nghi ngờ trước đây đã có kết quả âm tính. Có 44 người tiếp xúc gần với 3 ca bệnh, trong đó 15 người đã kết thúc theo dõi, 18 ca đang được cách ly tập trung và 11 ca đang cách ly tại nhà. Ngoài ra, hiện TP có 1.957 người nhập cảnh đang được theo dõi Covid-19, trong đó cách ly tại nhà là 1.925 người, 32 người đang cách ly tập trung. Riêng tại khu cách ly của Công ty Pouyuen (Q.Bình Tân) có 86 người cách ly, trong đó có 79 người Trung Quốc, 6 người Đài Loan, 1 người Việt Nam. Tính từ thời điểm cách ly đến nay (thời gian đã cách ly được 13 ngày), chưa có người nào ghi nhận triệu chứng bất thường.
Tính đến sáng 12.2, tại TP.HCM đã có 8 điểm cách ly đang vận hành gồm các quận, huyện: 3, 6, 7, 12, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Củ Chi. 15 quận, huyện đang hoàn thành điểm cách ly gồm: 1, 2, 4, 8, 9, 10, 11, Tân Bình, Hóc Môn, Bình Thạnh, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Bình Tân. Riêng Q.5 đang tìm địa điểm.
Trong khi đó, Sở Y tế Bình Dương cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn các biện pháp cách ly tại nhà đối với 104 người Trung Quốc quay trở lại Bình Dương làm việc sau kỳ nghỉ tết để phòng chống dịch Covid-19. Toàn bộ số người được cách ly có sức khỏe hiện tại bình thường, có người cũng đã sắp hết thời gian cách ly (14 ngày). Bình Dương hiện có 24.000 lao động nước ngoài, trong đó có trên 10.000 lao động người Trung Quốc. Theo số liệu của công an, đến nay đã có 1.900 lao động Trung Quốc trở lại Bình Dương làm việc.
Tại Đà Nẵng, Sở TN-MT đã gửi văn bản đến Bộ Chỉ huy quân sự TP, UBND H.Hòa Vang và Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng về việc đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực cách ly. Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng chuẩn bị tiếp nhận 250 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch Covid-19 trở về tại khu vực cách ly là Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Đồng Nghệ (thuộc xã Hòa Khương, H.Hòa Vang).
Tại Quảng Nam, ngày 12.2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 đặt tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh – Trung đoàn Bộ binh 885 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam (đóng ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Đây là khu vực được Quảng Nam chọn để bố trí cách ly, tiếp nhận chu đáo 250 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch trở về khi có lệnh.
Thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, tính đến 15 giờ ngày 12.2, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.615 người đang phải cách ly, theo dõi (1 người cách ly tại bệnh viện; 1.614 người cách ly, theo dõi tại gia đình và doanh nghiệp). Trong đó, có 45 người tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc người nhiễm nCoV; 608 người Trung Quốc trở lại làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đang được cách ly tại các DN; và 961 người lao động làm việc ở Trung Quốc trở về, đang được cách ly tại các gia đình.
Riêng khu cách ly tập trung ở Trung tâm giáo dục quốc phòng (thuộc Trường đại học Hồng Đức, TP.Thanh Hóa) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chuẩn bị, và đã sẵn sàng tiếp nhận người để cách ly, nhưng đến ngày 12.2 vẫn chưa tiếp nhận người nào.
Thời gian ủ bệnh Covid-19 trong 24 ngày mới chỉ là nghiên cứu đơn lẻ
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Covid-19 là tên gọi của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona. Vi rút gây bệnh vẫn là 2019-nCoV.
Trước thông tin thời gian ủ bệnh của vi rút nCoV có thể lên tới 24 ngày theo công bố của nhóm nhà khoa học Trung Quốc, theo Bộ Y tế, đây mới chỉ là nghiên cứu đơn lẻ. Tại thời điểm hiện nay, việc cách ly giám sát ca bệnh vẫn theo khuyến cáo của WHO là 14 ngày.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết thêm, thời gian ủ bệnh tối đa 14 ngày với nCoV được đưa ra là dựa theo những nghiên cứu cùng với những khuyến cáo của WHO. Tại Trung Quốc cũng có một số công trình nghiên cứu cho rằng thời gian ủ bệnh của nCoV có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay những thông tin đó vẫn chỉ là nghiên cứu mang tính đơn lẻ. Hiện nay, Việt Nam vẫn tuân thủ theo những khuyến cáo của WHO là nguồn thông tin chính thống.
Sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm đến tuyến tỉnh
Chiều 12.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trao tặng 6 cá nhân và 1 tập thể thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE) bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của vi rút nCoV. Trước đó, ngày 7.2, NIHE công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công nCoV mới từ bệnh phẩm của bệnh nhân đầu tiên người Việt Nam.
Ông Tuyên cho biết, Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập thành công nCoV. Thành công này tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết, mở rộng quy mô xét nghiệm đến tuyến tỉnh. Thành công đó còn giúp cho nghiên cứu về độc lực của vi rút này trên người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, giúp điều trị và chống dịch hiệu quả…
Ông Tuyên cũng cho biết hiện dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tại Khánh Hòa, TP.HCM, Thanh Hóa và nhiều địa phương. Cũng theo ông Tuyên, trong thời gian tới, nếu không có bệnh nhân mới, và việc kiểm soát thực hiện nghiêm, tốt, Việt Nam sẽ công bố hết dịch.