+
Aa
-
like
comment

Công ty xăng dầu ‘bỏ túi’ hàng ngàn tỉ đồng

10/09/2019 11:30

Cứ bán 1 lít xăng dầu, các công ty đầu mối sẽ có ngay mức lãi 300 đồng.

Petrolimex có lãi cao hơn 11% so với năm 2018 /// Ngọc Thắng
Petrolimex có lãi cao hơn 11% so với năm 2018

Petrolimex lãi hơn 2.500 tỉ đồng

Cụ thể theo Báo cáo tài chính quý 2/2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – PLX), doanh thu thuần trong quý đạt 49.735 tỉ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả quý 2/2019, Petrolimex có lãi sau thuế 1.250 tỉ đồng trong quý 2, giảm 3,1% so với lợi nhuận đạt được trong quý 2/2018.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2019, tập đoàn xăng dầu đạt doanh thu thuần 91.695 tỉ đồng, giảm 5,1% so với nửa đầu năm ngoái. Tuy nhiên chi phí giá vốn và chi phí tài chính giảm nên Petrolimex báo lãi trước thuế 3.060 tỉ đồng, hoàn thành 58,3% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 2.545 tỉ đồng, tăng 11% so với lợi nhuận đạt được của nửa đầu năm trước. Tổng hàng tồn kho của tập đoàn đến 30.6.2019 là 10.887 tỉ đồng, tăng 592 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 121 tỉ đồng.

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, công ty kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cụ thể, tại ngày 30.6, một công ty con của Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho số tiền 135 tỉ đồng dựa trên ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019. Công ty kiểm toán cho rằng việc ghi nhận này chưa phù hợp với các qui định của chuẩn mực kế toán Việt Nam, theo đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần được lập dựa trên ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kỳ kế toán (tức ngày 30.6).

Theo kiểm toán viên, nếu Petrolimex ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định, tại ngày 30.6 dự phòng giảm giá hàng tồn kho sẽ giảm, giá vốn hàng bán và lợi nhuận trước thuế sẽ tăng tương ứng 135 tỉ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 27 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi ích cổ đông không kiểm soát sẽ tăng tương ứng 63,72 tỉ đồng và 44,28 tỉ đồng.

Tương tự, sau 6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) có doanh thu hợp nhất hơn 38.605 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên một số chi phí như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp lại gia tăng nên lợi nhuận sau thuế còn 271 tỉ đồng, giảm 19% so với 6 tháng đầu năm 2018.

Bán xăng không lỗ

Petrolimex và PV Oil vẫn liên tục tăng trưởng về doanh thu lợi nhuận. Đây là 2 doanh nghiệp đang dẫn đầu về thị phần với khoảng 70% thị phần xăng dầu tại Việt Nam. Mặc dù thị trường xăng dầu luôn có nhiều biến động nhưng đảm bảo các công ty này không bao giờ bị lỗ. Bởi theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp trên cứ bán 1 lít xăng dầu là đương nhiên có lãi 300 đồng “dằn” túi. Việc vẫn giữ lợi nhuận định mức như trên khiến một ngành kinh doanh trên thị trường không hề có rủi ro, đi ngược với kinh tế thị trường.

Công ty xăng dầu 'bỏ túi' hàng ngàn tỉ đồng  - ảnh 1
Các công ty xăng dầu được đảm bảo lợi nhuận 300 đồng/lít xăng dầu

Trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) vào tháng 5.2019 phản ánh vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến điều hành giá xăng dầu, VINPA cho rằng, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày, không tiệm cận với giá thế giới, kiến nghị lùi chu kỳ xuống 10 ngày nhằm tránh độ trễ của giá xăng trong nước so với giá thế giới. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề xuất bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để làm căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Bởi theo các doanh nghiệp, việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện tại 300 đồng/lít khiến người tiêu dùng chịu thiệt… Tuy nhiên, tổ chức này đã quên không kiến nghị bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng.

Theo chuyên gia kinh tế, GS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), việc bỏ định mức lợi nhuận xăng dầu với Việt Nam lúc này là điều không đúng bản chất thị trường. Ông nói: Trong lần họp Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng nói thôi thì bỏ lợi nhuận định mức với giá xăng, cho thị trường tự quyết định. Tôi nói thẳng là chưa được đâu. Tại sao? Nguyên tắc trong một thị trường có sản phẩm vẫn còn độc quyền, có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường thì không cho phép doanh nghiệp tự định giá được. Petrolimex chiếm gần 50% thị phần là quá mức định nghĩa về khái niệm thế nào là thống lĩnh. Như vậy, ông Ngô Trí Long kết luận, đã có độc quyền, có thống lĩnh thị trường, bắt buộc nhà nước phải can thiệp giá, phải có bàn tay quản lý của nhà nước. Mà can thiệp giá phải cho lợi nhuận định mức là vậy. “Nếu muốn xăng dầu kinh doanh theo cơ chế thị trường không áp dụng lợi nhuận định mức thì phải dẹp bỏ độc quyền, bỏ vị trí thống lĩnh. Bởi trong nền kinh tế thị trường, có vị trí thống lĩnh thì nhà nước phải quản lý giá”, ông Ngô Trí Long cho biết.

Mai Phương/ Thanh Niên

Bài mới
Đọc nhiều