Công ty Việt Á thực sự của ai mà có thể dễ dàng ‘móc ngoặc, đi đêm’ thổi giá kit
Ông Trần Ngọc Vinh – Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng: “Trong việc này, đầu tiên chúng ta phải xác định được rõ công ty Việt Á thực sự là của ai, trực thuộc đơn vị nào? Nó làm ăn không minh bạch như thế mà tại sao lại có thể tồn lại bao nhiêu năm nay.”
Liên quan vụ khởi tố Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương), ngày 19/12, trên báo Lao động có trích ý kiến của ông Phạm Mạnh Cường – Giám đốc Sở y tế Hải Dương trả lời về trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh này. Theo đó, vị Giám đốc Sở này cho biết, Trung tâm CDC Hải Dương có lập kế hoạch mời thầu trình Sở Y tế tỉnh, sau đó Sở Y tế có tờ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã báo cáo thường vụ Tỉnh ủy và được tỉnh đồng ý với chủ trương này.
Ông Cường trả lời trước báo chí rằng: “Thực hiện cụ thể gói thầu như nào là do CDC Hải Dương triển khai. Chúng tôi quản lý nhà nước, chúng tôi có làm việc mua bán cụ thể đâu mà biết được. Việc CDC Hải Dương thực hiện chỉ định thầu đối với công ty Việt Á là theo chỉ định của tỉnh. Việc thực hiện cũng theo các quy định cụ thể của luật”.
Cũng theo lời ông Cường, tỉnh Hải Dương đã giao cho CDC Hải Dương thực hiện việc mời thầu, mua bán vật tư thiết bị thì CDC tự chịu trách nhiệm trong việc mua bán. Việc chỉ định thầu còn có rất nhiều hạng mục khác, với nhiều đơn vị khác, chứ không phải chỉ kit test của công ty Việt Á.
Vụ việc đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.
Tất cả các bộ phận liên quan đến sai phạm cũng phải bị xử lý
Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh – Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13 cho rằng: “Trong việc này, đầu tiên chúng ta phải xác định được rõ công ty Việt Á thực sự là của ai, trực thuộc đơn vị nào? Nó làm ăn không minh bạch như thế mà tại sao lại có thể tồn lại bao nhiêu năm nay.
Sau đó, chúng ta cần truy đến trách nhiệm theo ngành dọc của ngành y tế. Đơn cử là tại địa bàn Hải Dương, phải tìm ra được, đã có bao nhiêu người nhúng tay vào khiến cho bộ kit xét nghiệm của công ty Việt Á có giá cao ngất như vậy lại vẫn trúng thầu.
Đó là chưa tính đến trường hợp, những sản phẩm được bán ra nếu nó không đạt chuẩn, không đảm bảo chất lượng thì ai sẽ người chịu trách nhiệm kế tiếp. Tất cả những bộ phận liên quan đến sai phạm này đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý, không thể để một ai ở ngoài luồng.
Trong việc này nhất thiết là phải xử lý nghiêm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Một số lượng lớn sản phẩm kit xét nghiệm được lưu hành và sử dụng trong địa phương mình quản lý lại nói không biết về giá cả của bộ kit đó như thế nào thì ai chấp nhận được, như vậy là vô trách nhiệm.
Nếu người đứng đầu quản lý chặt chẽ, sát sao, làm đến khâu nào mình rà soát đến đó thì đâu có những sai phạm. Ra quy định khâu nào sai thì khâu đó phải chịu trách nhiệm và phạt thật nặng thì đâu có những sự việc tương tự như vậy xảy ra.
Như vậy, trong việc này chúng ta có thể nhận định rằng, nó có cả một đường dây, cả một hệ thống thì nó mới trót lọt, chứ không thể dễ dàng như thế”.
Ông Trần Ngọc Vinh cho biết thêm: “Dư luận tin tưởng và trông chờ Bộ Công an mở rộng điều tra để trả lại sự hoạt động minh bạch cho thị trường cung cấp trang thiết bi, vật tư y tế. Cá nhân nào mắc sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Sau sự việc này cũng cần ngành y tế rà soát kỹ về chất lượng, giá thành, xuất xứ của các sản phẩm kit khác trên thị trường xem đã đúng chưa.
Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng việc cho thực hiện đấu thầu, đấu giá của các công ty cung ứng để đảm bảo khách quan, chọn đúng đối tượng. Cần tránh việc tiếp diễn câu chuyện có tổ chức đấu giá nhưng đâu đó chỉ là hình thức”.
Minh Ngọc