Công ty Rạng Đông phải bồi thường thiệt hại cho người dân sau vụ cháy?
Chuyên gia Nguyễn Minh Đức – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm; đồng thời thoả thuận bồi thường thiệt hại cho người dân xung quanh.
Sau vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, nhiều hộ dân sinh sống xung quanh nhà máy đã có đơn gửi UBND phường Thanh Xuân Trung, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) và lãnh đạo Công ty Rạng Đông yêu cầu khẩn trương đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường trung thực, khách quan để công bố cho người dân; sớm có biện pháp tẩy độc ô nhiễm môi trường và doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng cho người dân về thiệt hại sức khỏe, tinh thần, vật chất.
Ông Nguyễn Minh Đức – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Về trách nhiệm dân sự, ông Đức cho rằng phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. “Người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, tài sản. Nếu muốn được bồi thường người dân sẽ phải thống kê thiệt hại như tiền viện phí, thời gian đóng cửa hàng, thậm chí cả việc giảm giá trị tài sản,… Người dân đưa ra mức thiệt hại của mình, Rạng Đông có quyền đưa ra mức khác, nếu không thống nhất được thì ra toà”- ông Đức nhìn nhận.
Đáng chú ý, theo ông Đức, Điều 602 của Bộ luật dân sự quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi. Tức là, kể cả khi Công ty Rạng Đông có chứng minh được là họ không cố ý, không vô ý để xảy ra cháy thì họ vẫn phải bồi thường.
“Pháp luật hiện hành còn thú vị ở chỗ có quy định người gây ô nhiễm môi trường, ngoài bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của cá nhân, tổ chức khác, còn phải bồi thường thiệt hại cho môi trường tự nhiên. Người yêu cầu bồi thường là UBND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuỳ theo phạm vi thiệt hại là trong một xã, trong nhiều xã cùng huyện, trong nhiều huyện cùng tỉnh, trong nhiều tỉnh thành. Vụ này khả năng trách nhiệm thuộc về UBND phường Hạ Đình hoặc UBND quận Thanh Xuân, hoặc cũng có thể là UBND TP Hà Nội”-ông Đức nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Anh Tú – Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định, căn cứ pháp lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe cũng như môi trường gồm: Một là, có thiệt hại xảy ra; hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra; bốn là, bên gây ra thiệt hại có lỗi.
“Hiện nay cơ quan chức năng chưa hoàn tất điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ cháy. Do đó tới thời điểm này, chưa thể xác định Công ty Rạng Đông có lỗi trong vụ cháy hay không, lỗi là vô ý trong việc bảo quản kho hàng để chất độc hại phát tán trong đám cháy, hay do ai đó đốt”-ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng, sau khi xác định được Công ty Rạng Đông có lỗi hay không thì mới làm rõ thiệt hại xảy ra, mới có thể nói đến chuyện bồi thường. Trước mắt, người dân sinh sống, làm việc trong vùng bán kính có nguy cơ nhiễm độc phải yêu cầu chính quyền hướng dẫn họ những giải pháp phòng độc, đảm bảo an toàn về sức khoẻ vì không phải người dân nào cũng có điều kiện di chuyển chỗ ở để tránh độc.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Công ty Rạng Đông báo cáo có khoảng 15,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy. Tuy nhiên, tính toán của các nhà khoa học dựa trên số lượng bóng đèn huỳnh quang và compact bị hư hỏng sau vụ cháy cho thấy con số này có thể lên tới 27,2 kg. Do đó, tạm xác định lượng thủy ngân phát tán ra môi trường từ 15,2 – 27,2 kg.
Thế Kha/Dân Trí