+
Aa
-
like
comment

Công trường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thi công xuyên Tết

19/01/2020 15:29

Những ngày này, trên công trường dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, nhiều công nhân, cán bộ kỹ thuật cố giấu nỗi nhớ nhà, căng mình làm việc để đáp ứng mong mỏi của hơn 21 triệu bà con ĐBSCL: thông tuyến vào cuối năm 2020.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30 thuộc huyện Cái Bè.

Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án 2.186 tỉ đồng.

Nhà ngay đây, vẫn ở công trường

Công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết - Ảnh 3.
Công nhân thi công xuyên đêm trên công trường thuộc dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Ảnh:MẬU TRƯỜNG

Dưới cái nắng rát giữa trưa, ông Phan Hòa Hiệp (48 tuổi, quê Vĩnh Long) cặm cụi sửa lại chiếc máy ủi để chuẩn bị cho công việc buổi chiều là san phẳng phần nền tuyến chính đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đoạn nút giao Thân Cửu Nghĩa.

Công trường ông Hiệp đang làm nằm ngay cạnh đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương hiện hữu với xe cộ nối nhau đang ùn ùn đổ về các tỉnh miền Tây ăn Tết.

Thỉnh thoảng ông Hiệp lại liếc lên nhìn dòng xe rồi chặc lưỡi: “Ráng mần vài bữa nữa rồi về quê thắp nhang cho ông bà luôn, nghỉ một ngày rồi quay lại mần tiếp. Nói nghỉ vậy thôi chứ tui cũng trong tư thế sẵn sàng, anh em nào bận đột xuất hay có việc cần nghỉ là tui qua mần thế liền à, tui ở gần đây mà”.

Công việc của ông Hiệp là lái máy ủi, đảm nhận nhiệm vụ san phẳng nền, là một trong những công đoạn quan trọng bậc nhất trong quá trình thi công đường cao tốc.

Dù đã có gần 10 năm đi theo các công trình xây dựng, góp phần hình thành những cung đường trên mọi miền đất nước nhưng với ông Hiệp, nhiệm vụ lần này thật thiêng liêng.

Bởi đây là lần đầu ông được tham gia vào một công trình giao thông lớn, là một tuyến cao tốc nối dài về các tỉnh miền Tây, đi qua quê nhà nhưng đã nhiều lần lỗi hẹn.

Ông đã nghe nói đến công trình này từ hồi còn chưa vào nghề, nay đã mười năm trôi qua, chính ông lại tiếp tục thực hiện những công đoạn còn dang dở của dự án.

“Bởi vậy, nếu có phải “hi sinh” những ngày nghỉ Tết để phục vụ cho công trình được hàng chục triệu bà con miền Tây trông chờ, tui cũng chịu” – ông Hiệp nói.

Không thể lỗi hẹn với bà con miền Tây

Không phải là dân miền Tây nhưng chàng kỹ sư trẻ quê Phú Yên Huỳnh Tấn Tài, trưởng nhóm 1 thuộc Ban quản lý dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, thừa nhận mình đã “phải lòng” người dân nơi đây sau một thời gian ngắn đảm trách công trình này.

Anh Tài kể dù đã làm công trình xây dựng khắp nơi, từ Bắc vào Nam, nhưng chưa thấy nơi nào người dân lại chân chất, tình cảm như người dân miền Tây.

“Trong mấy tháng đảm nhận nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, được bà con ủng hộ hết mình và hỗ trợ mọi mặt, tôi thấy cần phải làm việc tận sức hơn nữa để đáp lại tấm lòng của người dân miền Tây” – anh Tài nói.

Công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết - Ảnh 1.
Ông Phan Hòa Hiệp cho biết dù công trường chỉ cách nhà không xa nhưng ông vẫn tình nguyện ở lại làm xuyên Tết – Ảnh: M.TR.

Mang tiếng là “trai công trình”, dạn dày sương gió lang bạt bốn phương nhưng anh Tài vẫn chưa năm nào lỡ hẹn với mùa xuân ở quê nhà Phú Yên.

Dù đang thi công ở đâu, xa cách mấy, việc nhiều cỡ nào thì ít nhất anh cũng dành khoảng 1 tuần cùng gia đình về quê đón Tết, gặp gỡ bà con xóm giềng. Với anh, chỉ ở quê nhà mới có Tết thật sự.

Nhưng năm nay lại khác. Anh Tài nói: “Mấy bữa nay đi đến đâu bà con cũng hỏi đường cao tốc bao giờ mới xong, có kịp Tết năm sau thông tuyến hay không? Hiểu được sự mong mỏi của bà con, chúng tôi không nỡ để lỗi hẹn với bà con miền Tây thêm lần nào nữa.

Tạm gác những niềm vui cá nhân, đành lỗi hẹn với người thân về một cái Tết đoàn viên, chúng tôi nguyện ở lại để cháy hết mình trên công trường nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra”.

Ai đã từng đón Tết ở miền Trung một lần sẽ hiểu vì sao những ngày này tâm trạng anh Nguyễn Quốc Đạt – công nhân thi công tại nút giao An Thái Trung (điểm cuối của tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) – như thế nào.

“Nôn nao, nhớ cái lạnh se se, nhớ những đợt mưa phùn và cả những đêm cùng bạn bè say sưa bên nồi bánh chưng rực lửa.

Dù rất nhớ nhà, muốn sum vầy bên gia đình những ngày Tết nhưng năm nay anh em đều đồng tình và động viên nhau ở lại.

Tất cả cùng đoàn kết trên dưới một lòng để hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên đã đề ra là thông tuyến trong năm 2020” – anh Đạt nói.

Công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết - Ảnh 4.
Anh Huỳnh Tấn Tài, trưởng nhóm 1 thuộc Ban quản lý dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (áo trắng), cho biết đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của mình – Ảnh: M.TRƯỜNG

Công trường là nhà

Ngồi trước lán được dựng tạm trên công trường, ông Lê Phú Thiệu (69 tuổi, quê Ninh Thuận) cặm cụi bên mớ sổ sách ghi chép công việc và một vài gạch đầu dòng về những đồ ăn, thức uống cần mua để đón giao thừa trong mấy ngày tới. Ông Thiệu là bảo vệ công trường, giữ kho và máy móc.

“Đã bốn cái Tết rồi tôi không về nhà. Ăn Tết ở công trường riết rồi cũng quen. Nhớ thì có nhớ, vì ngoài quê còn có vợ con với hơn mười đứa cháu.

Nhưng mình lớn tuổi rồi, để mấy đứa có con nhỏ tranh thủ về quê, mình chịu thiệt ở lại thêm một mùa Tết nữa cũng không sao.

Nếu mình bỏ hết đây về quê, lỡ có hư hao mất mát gì rồi lại ảnh hưởng đến công trình, có thể ảnh hưởng đến tiến độ nữa thì áy náy với sự mong mỏi của bà con miền Tây lắm” – ông Thiệu nhẹ nhàng nói.

Công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thi công xuyên Tết - Ảnh 5.
Các công nhân và lãnh đạo Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận nấu bánh chưng để chuẩn bị đón tết ngay trên công trường – Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Dù ai cũng gạt qua niềm vui riêng tập trung cho công việc chung nhưng trong ánh mắt của những người con xa quê không thể giấu hết nét đượm buồn.

“Sẽ có rất nhiều người trong đội ngũ của chúng ta Tết này không về sum họp gia đình, nhưng cũng đừng buồn vì ở đây công trường cũng là nhà. Tất cả hướng đến nhiệm vụ lớn lao hơn là không lỗi hẹn với 21 triệu người dân ĐBSCL” – ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, động viên các công nhân, kỹ sư.

Theo ông Hoàng, dù với tinh thần thi công thần tốc để dự án về đích đúng hẹn nhưng đơn vị vẫn phải tổ chức cho anh em đón xuân trên công trường đầy đủ, đầm ấm, đảm bảo tập tục truyền thống và nhất là để anh em xa quê vơi nỗi nhớ nhà.

Cuối năm 2020 thông tuyến, năm 2021 thông xe

Kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ngày 17-1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vì tiến độ của công trình mà nhiều công nhân phải làm việc xuyên Tết.

Do đó, chủ đầu tư và chủ các đơn vị thi công phải quan tâm giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách và ưu đãi đối với người lao động.

Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công biểu dương những cán bộ, công nhân lao động trên công trường trong dịp tết, đảm bảo hiệu suất làm việc, hoàn thành đúng tiến độ công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng là cuối năm 2020 thông tuyến và năm 2021 thông xe.

Ông Nguyễn Tấn Đông, tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết việc thi công xuyên Tết hiện đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn.

“Chúng tôi cũng có chương trình vui Xuân đón Tết cho công nhân tại công trường để toàn bộ cán bộ, nhân viên có không khí Tết như đón Tết ở nhà” – ông Đông khẳng định.

MẬU TRƯỜNG/TT

Bài mới
Đọc nhiều