+
Aa
-
like
comment

Công trình sai phạm có hay không hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”?

23/10/2019 16:12

Vụ việc Panorama hay tòa nhà 8B Lê Trực ở Hà Nội từng gây sóng gió trên các kênh truyền thông thời gian qua, chẳng ăn thua gì công trình 15 Đồng Khởi, phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điều này khiến dư luận đặt ra không ít nghi vấn, khi nhiều người chỉ nhìn được chuyện nhỏ mà không nhìn thấy được việc lớn.

Tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng nằm giữa sườn núi hoang vắng, có thể nói là khuất mắt thiên hạ, còn công trình to vật, nằm ngay giữa trung tâm thành phố nhưng cũng che mắt được thiên hạ mới là chuyện lạ.

Nói thẳng, thiên hạ ở đây không phải là ai khác mà là các cơ quan quản lý. Có thể chính quyền thấy rõ, nhưng vì lý do nào đó, không ngăn chặn được và nó lừng lững mọc lên. Nếu báo chí không lên tiếng, chỉ thẳng mặt để nói điều phải quấy, có lẽ, nó cũng chìm vào im lặng. Và cũng chưa chắc, kể cả báo chí lên tiếng, thì tòa nhà này vẫn cứ được hoàn thành việc xây dựng các công trình còn lại và được xử lý bằng cách làm đẹp hồ sơ, bổ sung cho phù hợp và xử phạt lấy lệ.

Công trình xây dựng trái phép với vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng ở Đồng Nai
Công trình xây dựng trái phép với vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng ở Đồng Nai

Thử làm một sự so sánh để thấy sự “khủng khiếp” của quyền lực nhóm. Tòa nhà Panorama Mã Pì Lèng diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép. Còn công trình 15 Đồng Khởi gọi là Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp có diện tích 22.000 m2, với các công trình gồm: Khu trung tâm hội nghị 4 tầng và 1 tầng hầm, khu trung tâm thương mại dịch vụ 5 tầng và 1 tầng hầm. Công trình Panorama Mã Pì Lèng 10 tỉ đồng.

Còn khu phức hợp 15 Đồng Khởi được đầu tư 680 tỉ đồng. Dự án do Công ty cổ phần xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai làm chủ đầu tư, có diện tích trên 22.000m2. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2016-2022, với tổng vốn đầu tư gần 680 tỉ đồng. Dự án gồm 3 khối công trình ký hiệu lần lượt là khu A, khu B và khu C.

Trong năm 2017 và 2018, UBND TP Biên Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần lượt đối với khu A và khu B với tổng số tiền 80 triệu đồng, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công, giao thời hạn trong vòng 60 ngày nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng thì áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ.

Tháng 8-2018, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản yêu cầu UBND TP Biên Hòa khẩn trương cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm, không để tồn tại công trình hoặc xem xét cho công trình vi phạm được phép tồn tại khi các hạng mục công trình phải bảo đảm tiêu chí theo quy định.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng chấp thuận ý kiến tham mưu của Sở Công thương về việc không bổ sung quy hoạch ngành thương mại đối với công trình trung tâm thương mại của chủ đầu tư.

Tháng 10-2018, UBND TP Biên Hòa đã ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả là tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm đối với khu B. Tuy nhiên, công trình xây không phép trên vẫn sừng sững giữa Trung tâm TP. Biên Hòa.

Riêng ở TP.HCM, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý (năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày; năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ/ngày; 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ/ngày). Mức độ sai phạm 6 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so với năm 2018.

Điều đáng nói ở chỗ, chỉ cần một hộ dân hoạt động kinh doanh không phép là các cơ quan quản lý gõ đầu ngay lập tức. Còn đằng này cả trung tâm hội nghị của một dự án xây dựng trái phép thì lại ngang nhiên hoạt động.

Việc này không khỏi khiến dư luận đặt ra nghi ngờ, chắc có lẽ là phải có một thế lực đứng đằng sau dự án khu phức hợp này, bởi vì nếu không thì không thể làm được dù chỉ cái hố để xây móng. Nhưng thế lực đó là ai, là nhóm người nào thì chưa biết và phải điều tra cho ra ngọn ngành. Việc chúng ta cần làm trước mắt là phải cưỡng chế, đập bỏ những hạng mục công trình vi phạm, hoặc đập bỏ cả công trình nếu đủ căn cứ.

Việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, thuộc khu di sản Tràng An rất khó khăn và cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng

Trong chín tháng đầu năm 2018 có hơn 10.880 công trình vi phạm, trong đó không phép là 3.060 vụ, sai phép gần 5.500 vụ, sai phạm khác là 2.340 vụ. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật của nhà thầu, chủ đầu tư, người dân… chưa tốt. Công tác kiểm tra, phát hiện, cưỡng chế kéo dài.

Phải kêu gọi đầu tư đúng luật, chứ không phải là đầu tư bằng mọi giá. Du lịch là nền kinh tế sinh thái, bao gồm cả sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Hoạt động du lịch về bản chất là làm phá vỡ tự nhiên vốn có và tác động tới người dân sở tại là chủ thể của văn hóa đấy, khi nó buộc họ phải thay đổi theo xu hướng của du lịch khiến truyền thống bị phá vỡ, bản sắc văn hóa bị phai nhạt.

Câu chuyện phát triển du lịch ở những vùng như Hà Giang, Sa Pa… hay bất cứ đâu đều phải gắn với câu chuyện phát triển cộng đồng, vì lợi ích của cộng đồng, chứ không phải chỉ là để các doanh nghiệp tới đó thu lợi. Do đó, việc phê duyệt dự án đầu tư cần phải soi chiếu đến các tác động tới đời sống người dân ra sao, có thể tái tạo hay bổ sung nguồn lực cho địa phương như thế nào…

Pháp luật sinh ra để tạo nên sự công bằng, không áp dụng riêng rẽ cho những người sang hèn, với nguyên tắc này thì tất cả các biệt thự xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, các chung cư xây dựng trên đất chưa được bàn giao, những dự án vi phạm xây dựng, … đều cần phải bị tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu hoặc theo quy hoạch đã phê duyệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Chúng ta đều “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”, thì không có doanh nghiệp, đại gia nào được chính quyền cho rằng đó là “ngoại kệ”. Sự đòi hỏi hiện nay chính là chính quyền phải ứng xử làm sao để thể hiện sự công bằng, minh bạch trong một nhà nước pháp quyền.

Bất kể công trình vi phạm vào cũng phải xử đúng với quy định của pháp luật. Trước kia có một số trường hợp xử phạt hành chính để cho tồn tại (phần sai phạm) nhưng hiện nay tinh thần mới là không chấp nhận việc phạt để cho tồn tại nữa.

Sai đến đâu thì xử tới đó, không du di, châm trước, ngoài xử phạt hành chính còn phải yêu cầu chủ đầu tư phá bỏ toàn bộ phần xây vượt phép.

Cần xử lý nghiêm để làm gương cho những dự án sau này, không nên tạo tiền lệ xấu.

Nếu chỉ xử phạt hành chính để tồn tại thì rất nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vi phạm để đạt được mục đích
Nếu chỉ xử phạt hành chính để tồn tại thì rất nhiều chủ đầu tư sẵn sàng vi phạm để đạt được mục đích

Sai phạm của một tòa nhà giữa lòng thủ đô thì không bị xử lý triệt để, trong khi người dân chỉ cơi nới thêm một diện tích nhỏ trong gia đình cũng bị thanh tra xây dựng biết hết. Điều này đã đặt lên sự hoài nghi trong dư luận, phải chăng “con voi chui lọt lỗ kim” vì nó to hơn cả tầm nhìn và sự ảnh hưởng của nhà lãnh đạo. Còn công trình nhỏ của người dân sai phạm thì đúng như kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ cần xây dựng là sẽ đến kiểm tra.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều