+
Aa
-
like
comment

Công trình nghiên cứu di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học đoạt giải thưởng

14/05/2020 18:27

Tác giả Dương Thành Truyền với tác phẩm ‘Di chúc của Bác Hồ – một giáo trình tiếng Việt độc đáo’ vừa nhận giải B Giải thưởng về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020.

Công trình nghiên cứu di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học đoạt giải thưởng - Ảnh 1.
Tác giả Dương Thành Truyền trong đêm nhận giải – Ảnh: THU HÀ

Qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhắm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiêu quả tối đa.

Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân

Đây là Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Lễ trao giải diễn ra tối 13-5 tại Hà Nội.

Đây là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 1️30 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2020).

“Di chúc của Bác Hồ – một giáo trình tiếng Việt độc đáo” in lần đầu nhân dịp kỷ niệm 106 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (tháng 6 năm 2017).

Nhưng thực ra đây là công trình ngôn ngữ học viết từ thời còn sinh viên của tác giả Dương Thành Truyền nghiên cứu về phong cách ngôn ngữ của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình nghiên cứu di chúc Bác Hồ dưới góc độ ngôn ngữ học đoạt giải thưởng - Ảnh 5.
Sách vừa đoạt giải – Ảnh: NXB Trẻ

Tác giả đã căn cứ vào ảnh chụp toàn bộ bút tích di chúc của Bác Hồ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) công bố vào dịp 2-9-1989 để nghiên cứu về “phong cách lao động ngôn từ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cụ thể, tác giả đã khảo sát các trường hợp Bác Hồ tự sửa chữa trong quá trình viết Di chúc nhằm tìm hiểu việc sử dụng ngôn từ của Người, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về các trường hợp nói và viết có hiệu lực.

Căn cứ trên ba lần viết và sửa chữa Di chúc của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các năm: 1965, 1968, và lần cuối vào ngày 10-5-1969, nhà báo Dương Thành Truyền đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc “Vì sao Bác Hồ sửa chữa ngôn từ như thế?”.

Quá trình đó làm phát lộ nhiều chi tiết thú vị thuộc về phong cách ngôn ngữ và lối dụng ngữ của Hồ Chủ tịch.

Không chỉ là chuyện Bác cân nhắc giữa “để lại” hay “cho”, “liền” và “ngay” mà các trường hợp tổ chức lại câu văn, bổ sung phụ tố cho câu… được tác giả phát hiện và đề xuất cách tiếp cận là những kiến thức ngôn ngữ giúp bạn đọc không chỉ hiểu hơn văn bản Di chúc mà còn chia sẻ được mạch tư duy, những dụng ý đằng sau con chữ của Bác.

Giải thưởng sáng tác ‘Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’

Tối 13-5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020.

Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam…

Sau 2 năm triển khai, đã có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân trong nước và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tác phẩm tham dự giải thưởng.

Ban tổ chức đã trao 228 giải thưởng cho tác giả, nhóm tác giả thuộc lĩnh vực sáng tác, bao gồm 2 giải Đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải khuyến khích; khen thưởng 42 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá.

Cố nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez (tác giả bài ‘Hồ Chí Minh – Tên Người là cả một niềm thơ’) được truy tặng giải đặc biệt.

LAM ĐIỀN/TTO

Bài mới
Đọc nhiều