Công trình lớn xây dựng sai phạm thì người có trách nhiệm ở đâu?
“Đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay nhưng công trình lớn sai phạm thì trách nhiệm quản lý, người có thẩm quyền thế nào?”
Sáng 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Thực tiễn tháo dỡ công trình số 8 Lê Trực đặt ra vấn đề gì?
Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Tuý nhấn mạnh, thực tế luật hiện hành không vướng nhiều về mặt kỹ thuật mà chủ yếu vướng ở quản lý trật tự xây dựng. Do đó, nếu sửa luật phải đảm bảo ai cũng phải thực hiện nghiêm túc về trật tự xây dựng và công tác quản lý, làm sai luật là phải có chế tài.
“Ngay như phòng cháy chữa cháy, đi giám sát đến đâu cũng thấy lo ngại, giờ bước vào chung cư cao tầng thấy sợ. Việc xử lý hoàn toàn trong tầm tay, có nhiều cơ quan nhưng thực tế đã cháy là rất khó chữa” – ông Tuý nhấn mạnh và cho rằng dự thảo luật chưa bật ra được vấn đề quản lý trật tự xây dựng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn khi báo cáo tổng kết sau hơn 4 năm thực hiện luật hiện hành đánh giá “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”.
Theo bà Nga, phải đánh giá đúng mới xem xét việc sửa các quy định phù hợp vì có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện, cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp trong khi có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền.
“Đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà là có người đến ngay nhưng những công trình lớn như các đồng chí nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương”- bà Nga nêu ý kiến, đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành sau những sự việc thời gian qua.
Bà Lê Thị Nga cũng đặt vấn đề công trình đầu tư công thường làm lâu nhưng xuống cấp nhanh. Vậy lỗi gì trong luật này dẫn đến tình trạng đó? Lâu nay có khái niệm “rút ruột công trình” thì quy trình hoạt động xây dựng như thế nào dẫn đến thực trạng này? Hay thực tiễn việc tháo dỡ công trình số 8 Lê Trực đặt ra vấn đề gì? Những nội dung này cần đánh giá để sửa luật đảm bảo chất lượng, tuổi đời của luật được lâu hơn.
Nêu phản ánh của cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết người dân băn khoăn khi khó khăn trong xin phép xây dựng nhưng có công trình vi phạm lại ngang nhiên tồn tại.
“Có hiện tượng “phạt cho tồn tại” thì luật này phải đưa ra nguyên tắc phạt phải xử lý, bởi cho tồn tại là mất tính răn đe, dẫn đến tình trạng cứ có tiền nộp phạt là được tồn tại” – bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh và đề cập việc người dân lo lắng về công trình xen kẽ trong khu dân cư tiềm ẩn sự ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng, không chỉ như vụ cháy Công ty Rạng Đông mà còn nhiều cơ sở khác sang chiết gas, kinh doanh vật liệu dễ gây cháy, nổ.
Xử nghiêm thanh tra vi phạm, không được “phạt cho tồn tại”
“Tất cả ý kiến nói về bức xúc, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà mở đầu phần giải trình, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa qua đã tiếp thu và có động thái xử lý như ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, trong đó có về quy hoạch, nhà chung cư, phòng cháy chữa cháy…
Ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Xây dựng năm 2014 có 186 điều, thực hiện mới được hơn 4 năm nên lần này Chính phủ chỉ trình sửa mấy vấn đề chủ yếu đổi mới, cải thiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật khi một số luật khác liên quan đã và đang được sửa đổi.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, theo luật hiện hành có cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định dự án, về nhiều vấn đề từ kỹ thuật, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tính đồng bộ… nhưng cơ quan này không có nhiều người. Hơn nữa, nếu cơ quan quản lý nhà nước làm hết thì ôm đồm, không thể hiện được trách nhiệm của cơ quan tư vấn, chủ đầu tư.
Hay về cấp phép, trong luật năm 2014 và một số văn bản quy định chi tiết có bất cập mà địa phương kêu là nội dung thẩm định và cấp phép có điểm trùng nhau. Cơ quan cấp phép và thẩm định không thống nhất dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức. Một số thủ tục không được thực hiện song song đồng thời nên thời gian dài, thủ tục nhiều, chồng chéo.
“Lần này sửa để giải quyết bất cập trên và nếu sửa được hai vấn đề này sẽ tạo chuyển biến rất lớn trong thực tiễn” – ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết các sai phạm cụ thể liên quan đến thanh tra xây dựng vừa qua bị xử lý nghiêm theo luật định. Theo Nghị định 139 có hiệu lực từ 1/1/2018 thì không được phép “phạt cho tồn tại” nên nếu thực hiện công trình không đúng thì phải khôi phục đúng theo cấp phép.
(Theo Ngọc Thành/VOV)