+
Aa
-
like
comment

Công thức cho Dự án PPP thành công?

25/05/2020 19:13

Trong tuần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến các dự án: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Tuần làm việc trực tuyến thứ 2 của Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 25/5-28/5, tập trung vào công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội sẽ nghe trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến các dự án: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Việc ban hành Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) đúng lộ trình, để sớm có khung pháp lý cao nhất triển khai dự án PPP là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng của Việt Nam, nâng cao cạnh tranh trong thu hút vốn nước ngoài vào kết cấu hạ tầng với các nước khác trong khu vực vốn đang có thể chế về PPP khá hấp dẫn. Và để có dự án PPP thành công, Luật về PPP cần thiết kế các quy định để các bên cùng có lợi. Dự thảo Luật về PPP dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây sẽ giúp huy động tốt nhất nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Mới đây, tại Tọa đàm trao đổi ý kiến với các nhà tài trợ về Dự thảo Luật về PPP do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều nhiều nhà tài trợ nước ngoài cũng kỳ vọng Luật được thực thi hiệu quả

Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Dự thảo Luật PPP mới nhất phản ánh nhiều đặc điểm quan trọng của dự án PPP phù hợp thông lệ quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn của Chính phủ, ví dụ về chia sẻ rủi ro doanh thu.

Tuy nhiên, phía WB khuyến nghị một số vấn đề để thực thi hiệu quả như giải quyết được các khoảng trống về pháp luật để đưa Luật vào thực tiễn; cần đảm bảo cơ chế 1 cửa cho nhà đầu tư; tối thiểu hóa việc tham chiếu đến các luật khác, nếu có tham chiếu thì Luật cần quy định trực tiếp, cụ thể; phân bổ rủi ro cho bên có khả năng quản lý tốt nhất. Đại diện WB cũng cho rằng với tính đa dạng của PPP, Luật cần soạn thảo ở mức tổng quan, có khả năng linh hoạt ở Nghị định hướng dẫn của Chính phủ…

Đồng quan điểm, Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì chia sẻ một số khuyến nghị của cộng đồng tài trợ, trong đó có đề xuất xóa hạn mức bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ tối đa 30% tại Dự Luật vì có những dự án cần khả năng chuyển đổi ngoại tệ cao hơn 30%.

Ngoài ra, cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu vẫn có lợi hơn cho Nhà nước. Ví dụ trường hợp giảm thu, Chính phủ vẫn có hạ tầng, còn nhà đầu tư rủi ro nhiều hơn;…

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam đề nghị giữ lại quy định về ưu tiên áp dụng Luật PPP khi có khác biệt với luật khác về một số vấn đề đặc thù của dự án PPP tại Điều 3 Dự thảo Luật cũ.

Ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, quá trình xây dựng Luật cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến, với tinh thần chọn lọc, phù hợp với điều kiện hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. “Luật PPP là một luật mới, khó, phức tạp, động chạm tới nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật. Vì thế xác định không cầu toàn, trong quá trình làm sẽ tiếp tục hoàn thiện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm.

Theo một số ý kiến, nhiều quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia có khung pháp lý về PPP với nhiều cơ chế hấp dẫn. Nếu Việt Nam coi phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá, thì cũng phải có đột phá tư duy xây dựng Luật để thu hút tư nhân trong thời gian tới.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề xung quanh dự thảo Luật về PPP.

Dự thảo Luật PPP đang được trình Quốc hội xem xét, được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa các quy định đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới.

Khác với Nghị định 63/2018/NĐ-CP không hạn chế lĩnh vực đầu tư, Luật PPP sẽ khu biệt, tránh đầu tư dàn trải, tập trung nguồn lực vào 7 lĩnh vực thiết yếu, và yêu cầu vốn lớn.

Trong đó, khâu thẩm định cũng sẽ được siết chặt nhằm hạn chế thực trạng thẩm định sơ sài, mang tính thủ tục, không đúng bản chất như trước đây. Về loại hợp đồng được phân ra làm 3 nhóm, thứ nhất là thu phí trực tiếp từ người sử dụng; thứ hai là nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư; thứ ba là dùng các tài sản công đổi công trình.

Ngọc Lam/ DDDN

Bài mới
Đọc nhiều