+
Aa
-
like
comment

Công thức ‘3 tại chỗ’ thành công của Bắc Ninh

23/07/2021 09:10

Bắc Ninh là một trong những tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” thành công, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu khống chế được dịch. Lúc cao điểm có 235.000 công nhân vẫn duy trì được việc làm.

bac ninh thanh cong voi 3 tai cho anh 1

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn kể lại những phút “cân não” để đưa ra quyết định quan trọng về việc duy trì sản xuất ở khu công nghiệp, khi dịch Covid-19 ở Bắc Ninh ngày càng phức tạp. Ban đầu có rất nhiều doanh nghiệp phản đối về điều kiện mà tỉnh đặt ra, nhưng để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, Bắc Ninh đã quyết tâm với những cách làm riêng.

Qua đợt dịch lần thứ tư, Bắc Ninh đã khống chế dịch thành công mà vẫn duy trì sản xuất. Lúc cao điểm, gần 1.000 doanh nghiệp vẫn hoạt động với 235.000 công nhân duy trì được việc làm. Nguyên tắc “3 tại chỗ” là sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ đã được tỉnh áp dụng rất thành công.

Áp dụng “3 tại chỗ” thế nào cho linh hoạt, hợp lý, để giúp hàng nghìn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn công nhân duy trì được việc làm cũng là “bài toán” mà các tỉnh phía Nam đang tìm lời giải.

Cương quyết áp dụng “3 tại chỗ”

Phó chủ tịch Thường trực Vương Quốc Tuấn nhớ lại thời điểm ngày 26/5, dịch Covid-19 đang có diễn biến ngày càng xấu tại Bắc Ninh. Tỷ lệ các ca bệnh trong khu dân cư là 89%, trong khu công nghiệp là 11%. Sau đó một tuần, tỷ lệ ca bệnh trong khu công nghiệp tăng nhanh lên mức 23%.

“Chúng tôi thấy tỷ lệ tăng như vậy rất nguy hiểm. Nếu không hành động nhanh, dịch có thể bùng phát rất nhanh trong khu công nghiệp, thì rất khó để khống chế”, ông Tuấn nói.

bac ninh thanh cong voi 3 tai cho anh 2
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn. Ảnh: Báo Bắc Ninh.

Thực tế khi đó Bắc Ninh đã áp dụng Chỉ thị 16 như cách mà các tỉnh phía Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, trong Chỉ thị này, 26 hoạt động vẫn được diễn ra, trong đó cho phép công nhân, người lao động đi làm ở các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Theo đánh giá, việc đi – về của công nhân giữa nhà máy và các khu trọ tiềm ẩn nhiều rủi ro làm bùng phát dịch bệnh.

Cách làm của Bắc Ninh là cô lập dịch bệnh ở 2 đầu, vừa “khóa chặt” nguy cơ trong khu công nghiệp, thứ hai là “khóa chặt” trong khu dân cư để không lây lan vào khu công nghiệp. Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên áp dụng “3 cùng” trong nhà máy để duy trì sản xuất – ăn cùng, ở cùng, làm cùng (một số tỉnh khác gọi là “3 tại chỗ”).

Các nhà máy được yêu cầu giảm mật độ công nhân làm việc tối thiểu 50%, bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân ngay trong nhà máy. Hoặc doanh nghiệp có thể thuê địa điểm là ký túc xá, nhà nghỉ, khách sạn bên ngoài, nhưng đảm bảo “biệt lập”, có xe đưa đón hàng ngày tới nhà máy và ngược lại.

Công nhân sẽ được yêu cầu xét nghiệm trước khi trở lại làm việc, sau đó 3 ngày và 7 ngày xét nghiệm lại để tầm soát nguy cơ.

Bắc Ninh xác định ‘không có đường lùi’, nếu để công nhân đi lại tự do sẽ dẫn đến dịch bùng phát

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Ngược lại, phía khu dân cư, tỉnh cũng “khóa chặt” nguồn lây vào khu công nghiệp khi không còn cảnh công nhân đi đi – về về đi làm như trước kia. Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư, đảm bảo chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16.

Ban đầu, có nhiều doanh nghiệp chần chừ về quyết định này của tỉnh với lý do không thể chuẩn bị kịp. Tuy nhiên, Bắc Ninh cương quyết áp dụng, doanh nghiệp nào không đảm bảo yêu cầu thì dừng hoạt động, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

“Tỉnh xác định ‘không có đường lùi’, nếu để đi lại tự do sẽ dẫn đến dịch bùng phát, nhà máy sẽ dừng hoạt động, khu công nghiệp sẽ phải đóng cửa như Bắc Giang”, ông Vương Quốc Tuấn nói.

Sau khi tỉnh cương quyết, đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”.

Tỉnh dốc sức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”

Phó chủ tịch Vương Quốc Tuấn nhớ lại ban đầu việc thực hiện “3 tại chỗ” với doanh nghiệp là điều không hề đơn giản. Cơ sở vật chất của nhà máy vốn chỉ để sản xuất, không thích hợp việc để ở. Việc bố trí chỗ ở cho khoảng 50% công nhân đòi hỏi có sự linh hoạt, giải pháp tối ưu.

Tỉnh hỗ trợ một số doanh nghiệp chuyển đổi công năng sử dụng các công trình trong nội bộ nhà máy. Ví dụ nhà máy nào cũng có khu nhà ăn, khu văn phòng, nhà xưởng, nhà kho… Khu ăn uống sẽ được làm dã chiến bằng lều bạt ở ngoài sân. Nhà ăn trước kia được tận dụng nhường chỗ để làm nơi ở cho công nhân.

Tương tự, khu văn phòng sau khi giảm số lượng cán bộ, nhân viên sẽ được tận dụng diện tích để làm chỗ ăn nghỉ ngơi. Một số doanh nghiệp tận dụng nhà kho, sắp xếp lại nhà xưởng, dây chuyền sản xuất để đảm bảo chỗ ở cho công nhân.

bac ninh thanh cong voi 3 tai cho anh 3
Một khu lều cho công nhân ở Bắc Ninh. Ảnh: Đức Tuân/VGP.

“Chúng tôi yêu cầu tận dụng mọi không gian. Thậm chí nếu cần thiết, Bắc Ninh sẽ nhờ quân đội hỗ trợ dựng lều bạt dã chiến để làm khu sinh hoạt, tắm rửa, lắp vệ sinh di động trong chính nhà máy”, ông chia sẻ.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa để duy trì sản xuất với quy trình “3 tại chỗ”

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Mặt khác, tỉnh cũng trưng dụng, huy động nhiều khu ký túc xá, trường học để cho các doanh nghiệp mượn làm điểm ở cho công nhân. Chủ tịch UBND các huyện được giao chỉ đạo các trường hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Thậm chí, một số trường còn giúp tìm kiếm dịch vụ dọn dẹp, bảo vệ cho các doanh nghiệp khi có công nhân đến ở.

Trong khi đó, lực lượng công an, quân đội, các tổ Covid-19 cộng đồng… được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho các khu vực nhà máy, khu vực công nhân ở. Vì nếu chỉ có một người từ bên ngoài lọt vào các khu vực nhà máy biệt lập sẽ tạo ra nguy cơ mầm bệnh rất lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Chúng tôi còn động viên cả công nhân để họ yên tâm làm việc và ở trong nhà máy. Doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa để duy trì sản xuất với quy trình 3 tại chỗ”, ông Tuấn chia sẻ.

Linh hoạt áp dụng “3 tại chỗ”

Khi được hỏi làm thế nào để giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, dễ dàng thực hiện “3 tại chỗ” nhất, đặc biệt là khâu xét nghiệm, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh đến sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của tỉnh.

Bắc Ninh yêu cầu doanh nghiệp phải chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm cho công nhân, nhưng tùy theo từng thời kỳ, địa bàn, diễn biến của dịch mà tỉnh yêu cầu xét nghiệm ở các mức khác nhau.

Khi bắt đầu vào làm việc, công nhân bắt buộc phải xét nghiệm tầm soát lần một. Sau đó, 3 ngày lại tiếp tục xét nghiệm tầm soát lần thứ hai. Một tuần sau đó, 100% số công nhân có lần xét nghiệm tiếp theo để đánh giá nguy cơ.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm lần thứ ba, căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh sẽ quyết định xét nghiệm lần 4 cho 100% nhân hay giảm tỷ lệ công nhân phải xét nghiệm tầm soát xuống.

bac ninh thanh cong voi 3 tai cho anh 4
Xét nghiệm tầm soát cho công nhân ở Bắc Ninh. Ảnh: Duy Anh.

Ví dụ, với những địa bàn còn người có khả năng ủ bệnh thì phải yêu cầu xét nghiệm tiếp. Những doanh nghiệp từ 500 lao động trở lên, xét nghiệm 50% số lao động. Với doanh nghiệp có 500 lao động trở xuống sẽ xét nghiệm 100%. Tuy nhiên, chỉ một số ít địa bàn phải sàng lọc lần thứ tư. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí xét nghiệm khi duy trì sản xuất.

Chúng tôi nhìn bức tranh xét nghiệm để đánh giá nguy cơ và yêu cầu thêm xét nghiệm nếu cần thiết. Tinh thần là linh hoạt và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn

Sau khi đã tầm soát diện rộng, Bắc Ninh cho phép doanh nghiệp chỉ cần xét nghiệm 20% công nhân để sàng lọc hàng tuần.

“Chúng tôi nhìn bức tranh xét nghiệm để đánh giá nguy cơ và yêu cầu xét nghiệm thêm nếu cần thiết. Tinh thần là linh hoạt và hỗ trợ tối đa cho doan nghiệp”, ông Tuấn nói.

Với cách làm trên, từ ngày 2/6 đến nay, Bắc Ninh chưa ghi nhận thêm bất cứ một ca nhiễm SARS-CoV-2 nào bên trong các nhà máy. Chỉ sau 18 ngày áp dụng “3 tại chỗ”, tỉnh đã cho phép các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động ở “trạng thái bình thường mới”. Thời điểm cao nhất có 977 doanh nghiệp với 235.000 công nhân tham gia sản xuất trong lúc tỉnh vẫn đang chống dịch.

Từ cuối tháng 5 khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và chuyển sang thực hiện trạng thái mới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lấy lại được đà tăng trưởng cao trong tháng 6, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng tới 35,4% so với tháng 5 và tăng 16% so với tháng 6/2019 (lúc trước dịch).

Hiếu Công

Bài mới
Đọc nhiều