+
Aa
-
like
comment

Công tác chống dịch COVID-19 đừng để là “kẻ xây chưa xong người đã phá”

Đinh Lực - 30/03/2020 19:11

Ngày 29/3, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh tiếp tục ra thông báo khẩn để thông tin, tìm kiếm người trốn khỏi khu cách ly tập trung tại Trường trung học cơ sở Thành Long, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Cùng ngày, sở Y tế Tây Ninh cũng thông báo khẩn về việc tìm kiếm nam thanh niên từ Campuchia về nước, chưa xét nghiệm COVID-19 nhưng đã tự ý bỏ trốn khỏi nơi cách ly tập trung.

Cũng trong chiều 29/3, Thanh tra Sở Y tế Tây Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phan Văn Tiến (47 tuổi, ngụ tại quận 9, TP.HCM) 3,5 triệu đồng về hành vi trốn cách ly y tế. Trước đó, ông Tiến đã trốn tránh việc thực hiện các biện pháp cách ly phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh.

Thử hỏi nếu những trường hợp thiếu ý thức như trên mặc dù đã có quyết định cách ly tại mà không thực hiện nghiêm túc, nếu một trong số họ phát bệnh mà để lây nhiễm ra cộng đồng, thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức như thế nào.

Hình ảnh người trốn cách ly được đưa lên cả mạng xã hội để cộng đồng cùng truy tìm

Hiện nay, bệnh nhân COVID-19 số 178 tên H.T.N., sinh năm 1976, trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Đang là mối lo ngại lớn nhất đối với nhân dân tỉnh này, khi mà bệnh nhân này đã có thái độ thiếu hợp tác, không khai báo thành khẩn.

Bà N. đã giấu việc mình làm việc tại công ty Trường Sinh – chuyên cung cấp dịch vụ cho BV Bạch Mai để đi xe khách về quê, sau đó đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Đại Từ, Thái Nguyên. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã phải thực hiện cách ly 46 người F1 và 196 thuộc nhóm F2.

Khi mà các y, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội đã phải thức đêm thức hôm để lo cho bữa ăn, giấc ngủ, nhường chỗ ở cho những người thuộc diện cách ly và những người bệnh nhân. Thì ở đâu đó trong xã hội vẫn có những người thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm bản thân để gây ra những nguy cơ có thể tạo nên hậu quả ghê gớm cho cộng đồng và xã hội.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh ở giai đoạn 1, hay giai đoạn 2 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định kim chỉ nam trong phòng chống dịch chính là vai trò của từng cá nhân trong cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Cuộc chống dịch COVID-19 ở giai đoạn 2 này, việc nâng cao ý thức của cả cộng đồng xã hội chính là chuyện không phải thừa. Bởi nếu một cộng đồng có trách nhiệm, mạnh mẽ đương đầu với dịch bệnh, thì đó mới là yếu tố kiên quyết đem đến thắng lợi cho toàn dân và toàn diện.

Nếu việc thực hiện nghiêm túc việc cách ly theo chỉ thị của Chính phủ, của Bộ Y tế là áp lực, khó khăn, vất vả. Thì hãy thử nhìn về những người đang thầm lặng với công việc chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, những người đang hỗ trợ công tác cách ly, những người làm việc ở sân bay, biên giới, cửa khẩu… xem họ đã và đang vất vả như thế nào. Nếu so với việc cơm ăn 3 bữa, sinh hoạt cơ bản, chỉ việc chấp hành và lấy mẫu xét nghiệm.

Thời điểm chống dịch COVID-19 quan trọng nhất được các chuyên gia đánh giá là lúc này, khi mà tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện rất nguy hiểm cho xã hội.
Kể từ ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh theo một trạng thái mới. Thậm chí, Thủ tướng còn đề nghị xem xét hình thức thiết quân luật, đưa đất nước vào cuộc phòng chống dịch bệnh đặc biệt.

Khi mà Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế và các đội ngũ y bác sĩ, các cán bộ có trách nhiệm liên quan không ngừng tuần tra biên giới, kiểm soát từ sân bay, thực hiện cách ly nghiêm túc phát hiện sớm bệnh nhân không để lây lan ra cộng đồng.

Thì trách nhiệm của mỗi cá nhân chính là từ ý thức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Sẽ có thể chúng ta vừa phải sản xuất, vừa chiến đấu chống dịch bệnh. Nhưng nếu mỗi người đều có ý thức thì đều có thể “hoá nguy thành cơ”, xoá bỏ dịch COVID-19 ở Việt Nam một cách nhanh chóng nhất.

Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu coi phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là một cuộc chiến thì chúng ta mới chỉ chiến thắng chiến dịch mở màn, do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là”. Hơn ai hết, trong mọi cuộc chiến, yếu tố con người vẫn giữ vai trò quyết định.

Từ những ngày tháng 3, khi bối cảnh dịch diễn biến phức tạp và nguy cơ bắt đầu lan rộng, Việt Nam chính thức cuộc hành trình đón công dân từ vùng dịch về nước lần thứ hai. Vì thế, những người được cách ly, phải là những người thể hiện tình yêu nước và trách nhiệm với cộng đồng bằng việc làm, sự hợp tác cao nhất.

Thiệt hại dịch COVID-19 cho đến nay là rất lớn, nếu mỗi ca mắc mới lại kéo theo những người đi cách ly thì có thể kiểm soát được chính xác tuyệt đối. Nhưng những người tự ý trốn khỏi khu cách ly, có nguy cơ mắc cao mà trốn ra khỏi cộng đồng và thiếu sự thành khẩn. Thì có lẽ cuộc chiến chống dịch bệnh này sẽ còn kéo dài và chưa thể xác định được hồi kết.

Mỗi một ý thức được thực hiện càng cao, thì việc kiểm soát tốc độ lây lan, cách ly ca nhiễm và người có tiếp xúc càng sớm, thì cả nước Việt Nam cũng nhanh chóng sẽ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

Những lời đẹp nhất được viết trong nhật ký cách ly chính là từ “cảm ơn”

Còn nhớ, ngày 11/3 vừa qua hàng trăm trong số trên 700 người qua 14 ngày cách ly tại Hà Nội đã được trở về với gia đình. Nhiều dòng thư xúc động được gửi lại, trong số đó có người viết:

“Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Nơi đất khách quê người, nếu vấp ngã không thể thoát ra, thì là lúc Tổ quốc giúp ta tìm ra những con đường thoát. … Mới đó mà đã 14 ngày. Nơi giúp đỡ tôi là Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Các chú bộ đội, ban lãnh đạo đã tận tình chăm sóc như những người cha, người mẹ.”

Dòng thư thấm đẫm sự biết ơn vì đã được chăm sóc rất tốt trong 14 ngày cách ly. Dòng thư tuy ngắn nhưng nói lên đủ trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc trong hoàn cảnh dịch bệnh này.

Nếu một người dân không có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, nếu vẫn còn những cái tôi riêng rẽ, sẵn sàng vì lợi ích bản thân. Thì kẻ xây được một, kẻ phá sẽ làm hỏng mười và những lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch bệnh đó sẽ không biết đến bao giờ mới được lấp đầy.

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều