+
Aa
-
like
comment

Công nhân xa quê: Còn việc làm là còn hy vọng

03/08/2020 10:18

Tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày nào còn việc làm, công nhân còn hy vọng.

Lo nghỉ việc, thu nhập giảm, không thể về quê thăm gia đình do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là những tâm sự của công nhân (CN) xa quê đang làm việc tại Hải Phòng

“Được ngày nào, biết ngày đó”

Hơn 4 giờ chiều, anh Hờ A Xồng (42 tuổi, quê ở tỉnh Sơn La) thất thểu trở về xóm trọ ở thôn 8, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) sau ngày làm việc mệt mỏi.

Anh Xồng xuống Hải Phòng làm việc đã gần 3 năm nay. Cuối tháng 3.2020, công ty cũ dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh Xồng khăn gói về quê. “Vợ chồng tôi có 4 con, trong đó 3 con nhỏ đang tuổi ăn học. Ba tháng ở quê, đồng khoai, đồng sắn không đủ cho 5 miệng ăn nên cuối tháng 6, tôi trở lại Hải Phòng, xin về Công ty TNHH Giày Aurora làm việc” – anh Xồng kể.

Công nhân xa quê: Còn việc làm là còn hy vọng - Ảnh 1.
Bữa cơm của anh Hờ A Xồng và bạn cùng phòng chỉ vỏn vẹn 20.000 đồng. Ảnh: Đ.L

Với mức lương CN hơn 5 triệu đồng/tháng như hiện nay, anh Xồng tính sẽ gửi về nhà khoảng 4 triệu đồng. Đồng nghĩa với việc, chi phí sinh hoạt ở đây phải “thắt lưng, buộc bụng”. Ngay như bữa tối 30.7, anh Xồng chỉ mua 1 lạng thịt, 2 quả mướp đắng, vị chi là 20.000 đồng cho 2 người (anh ở cùng một người em trai đồng hương). “Hôm nay ăn “sang” có thịt, mọi khi chỉ ăn trứng, đậu, mỗi bữa 10.000-15.000 đồng. Cố tiết kiệm đồng nào hay đồng ấy, chỉ mong bọn trẻ ở quê có cơm ăn” – anh Xồng tâm sự.

Cùng xóm trọ với anh Xồng có đến vài chục phòng trọ, đều là công nhân đến từ các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, phần lớn hoàn cảnh khó khăn. Mấy ngày nay, nghe tin dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, cả xóm trọ xôn xao. Chị Bùi Thị Hồng Thắm (28 tuổi, quê Hòa Bình) nói: “Ba tháng trước, công ty không có đơn hàng, việc làm, thu nhập người lao động (NLĐ) cũng giảm hẳn. Từ tháng 7 này, công việc nhiều hơn. Nghe nói đến tháng 8, CN còn có thể tăng ca, ấy là điều chúng tôi vui nhất”.

Hai vợ chồng chị Thắm cùng làm CN ở Công ty Aurora. Vì điều kiện còn khó khăn, vợ chồng chị phải gửi con trai 2 tuổi nhờ ông bà nội ở Hưng Hà, Thái Bình trông giúp; còn quê ngoại thì cả năm nay chưa có điều kiện về. “Nhớ con, nhớ gia đình, quê hương mà chẳng biết làm sao. Hai vợ chồng chỉ động viên nhau cố làm việc, kiếm tiền cho cuộc sống tốt hơn. Nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày nào còn việc làm, chúng tôi còn hy vọng, chứ mất việc thì không biết ra sao” – chị Thắm chia sẻ.

Hỗ trợ càng kịp thời, càng ý nghĩa

Theo ông Bùi Văn Động – chủ nhà trọ ở thôn 8, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên), những tháng trước, CN phải nghỉ việc nhiều, trả phòng về quê hết. Từ tháng 7 này, CN dần trở lại, mới đông vui hơn chút. Có công nhân quê Sơn La, Lai Châu phải nghỉ việc, chẳng còn đủ tiền để mua vé xe về quê. Thương CN, ông Động giảm giá mỗi phòng 200.000 đồng từ tháng 5 đến nay, hỗ trợ tiền vé xe cho họ về quê.

Thống kê của LĐLĐ TP Hải Phòng cho thấy, đến ngày 10.7, còn khoảng 3.700 CN bị chấm dứt HĐLĐ, gần 2.000 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, thời gian qua, các cấp Công đoàn TP.Hải Phòng tập trung chăm lo đời sống NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh: Trao 1.217 trợ cấp với tổng trị giá gần 1,4 tỉ đồng; tặng gần 92 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm, 400.000 khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho CNVC-LĐ hoàn cảnh khó khăn, CN nhà trọ…

“Do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, NLĐ, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với các doanh nghiệp thiếu, nhỡ việc làm bảo đảm quyền lợi NLĐ. Đồng thời, các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi trong hoạt động thường xuyên, dành kinh phí chăm lo NLĐ ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương vận động chủ nhà trọ giảm giá, hỗ trợ NLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…” – Chủ tịch LĐLĐ TP Hải Phòng ông Tống Văn Băng cho biết.

ĐẶNG LUÂN/NLD

Bài mới
Đọc nhiều