Công nhân thủy điện Rào Trăng 3 gọi về: ‘Mẹ yên tâm, con thoát nạn rồi…!’
Sáng ngày 13.10, anh Nguyễn Đình Giáp, một trong 17 công nhân bị mất liên lạc khi thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra sạt lở đã gọi điện thoại về cho mẹ, vỏn vẹn mấy câu: “Mẹ yên tâm con thoát nạn rồi…”
Trong số 17 công nhân bị mất liên lạc khi Thủy điện Rào Trăng 3 (thượng nguồn sông Bồ, xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) xảy ra sạt lở đất vào chiều ngày 12.10, thì anh Nguyễn Đình Giáp (29 tuổi, trú tại thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã báo tin về cho gia đình bảo “đã thoát nạn”, nhưng cuộc nói chuyện cũng chỉ diễn ra trong giây lát vì mất sóng.
Mặc dù con trai đã gọi điện về báo tin vẫn còn sống, nhưng khuôn mặt bà Lê Thị Hoan (60 tuổi, mẹ anh Giáp) vẫn lộ vẻ đầy âu lo. Tay bà Hoan nắm chặt điện thoại, trông chờ cuộc gọi thứ 2 từ con trai đang gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 liên lạc về.
“Từ chiều ngày 12.10, nghe tin thủy điện nơi con trai tôi làm việc xảy ra sạt lở đất, tôi nóng ruột lắm. Cả đêm đó, vợ chồng tôi cố gắng gọi điện thoại cho con trai nhưng không liên lạc được. Đến khoảng 10 giờ sáng nay, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của con trai, nó bảo mẹ yên tâm con đã thoát nạn rồi. Nó bảo cùng với 2 công nhân khác chạy được lên núi. Nói được mấy câu thì tắt máy, điện thoại không thế liên lạc được nữa”, bà Hoan nhớ lại.
Theo bà Hoan, ở thôn Liên Xuân có khá đông người dân đang làm việc ở thủy điện Rào Trăng 3, tuy nhiên mới chỉ có con trai bà Hoan đã liên lạc về nhà.
Trao đổi với PV, ông Trương Bá Khanh, Chủ tịch xã Hộ Độ cho hay, hiện tại xã đang lên danh các hộ dân có con cháu đang làm việc ở thủy điện Rào Trăng 3. Theo thống kê sơ bộ thì có trên 10 người dân ở thôn Liên Xuân và thôn Xuân Tây của xã đang làm công nhân tại thủy điện này.
“Trưa nay, có chúng tôi phải đưa một thai phụ ở thôn Xuân Tây chuẩn bị sinh nhập viện vì chị này nghe tin chồng gặp nạn nên khóc lóc đến đuối sức”, ông Khanh nói.
Như PV đã thông tin, chiều 12.10, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, đất đá đã vùi lấp khu vực nhà ở của công nhân. Lúc xảy ra tai nạn có hàng chục công nhân đang ở trong lán trại.
Sau khi nhận được thông tin, trong chiều 12.10, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên – Huế do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ dẫn đầu đã tìm cách tiếp cận hiện trường vụ việc để xác minh nhưng không thành công. Tối cùng ngày, đoàn công tác của Quân khu 4 cùng với lãnh đạo địa phương đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để băng đèo lội suối vào khu vực hiện trường.
Khi đến gần khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đoàn công tác có tổng cộng 21 người trong đó có thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Phó tư lệnh Quân khu 4), đại tá Ngô Nam Cường (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế) và một số lãnh đạo H.Phong Điền đã quyết định bám đá, bò trườn để qua những điểm sạt lở. Tuy nhiên, khu vực này nước chảy xiết nên đi lại rất khó khăn. Khi đoàn công tác đang nghỉ chân ở trạm kiểm lâm số 7 thì quả đồi bên đường bất ngờ bị sạt lở.
Trong sáng 13.10, lực lượng cứu hộ các đơn vị đã cấp tốc triển khai phương án cứu nạn. Đến thời điểm này, lực lượng cứu hộ chỉ mới liên lạc được với 8 người trong đoàn công tác, 13 người còn lại hiện vẫn đang mất liên lạc.
Phạm Đức/ TNO