+
Aa
-
like
comment

Công nhân sẽ không “gồng” nổi chi phí xét nghiệm COVID-19 một tuần 2-3 lần

06/07/2021 08:40

Việc Đồng Nai yêu cầu phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính thời hạn 7 ngày đối với người đến từ Bình Dương, TPHCM và TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) yêu cầu có xét nghiệm COVID-19 âm tính thời hạn 3 ngày với người đến từ Đồng Nai, TPHCM, còn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính thời hạn 5 ngày… đang khiến hàng ngàn người lao động, doanh nghiệp lâm vào cảnh “rối như canh hẹ”, bởi vừa mất thời gian, mất tiền bạc, mà chưa hẳn đã an toàn.

Công nhân tập trung làm xét nghiệm COVID-19 vào ngày cuối tuần tại phòng khám Nguyễn An Phúc. (Ảnh chụp ngày 4.7). Ảnh: Hà Anh Chiến
Công nhân tập trung làm xét nghiệm COVID-19 vào ngày cuối tuần tại phòng khám Nguyễn An Phúc. (Ảnh chụp ngày 4.7). Ảnh: Hà Anh Chiến

Doanh nghiệp “gồng” chi phí xét nghiệm phụ công nhân 2 tuần đầu

Anh Hồ Văn Lắm, ngụ TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương – làm nghề thợ hồ tại một công trình trên địa bàn TP.Biên Hoà (Đồng Nai). Hằng ngày, anh Lắm đi từ Bình Dương qua tỉnh Đồng Nai làm việc, tuy nhiên ngày 5.7 thì anh bị lực lượng chức năng Đồng Nai chặn lại vì chưa có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. “Tôi làm nghề phụ hồ thu nhập rất bấp bênh, ngày được ngày mất. Bây giờ yêu cầu tôi một tuần phải xét nghiệm 2-3 lần thì quả thật vừa tốn kém thời gian và tiền bạc. Tôi sợ mình “gồng” không nổi” – anh Lắm chia sẻ.

Theo anh Lắm, do đặc thù công việc khá nặng nhọc nên anh không có nhiều thời gian, sau khi đi làm về anh thì trời đã tối, không có thời gian đi làm xét nghiệm. Nếu xin nghỉ một ngày thì vừa mất cả ngày công vừa tốn chi phí hằng trăm nghìn đồng để xét nghiệm. Đó là chưa kể đi làm giấy xét nghiệm COVID-19 bây giờ phải chen nhau rất dễ lây bệnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, do địa bàn TP.Biên Hoà (Đồng Nai) và TP.Dĩ An (Bình Dương) nằm sát nhau nên có rất đông công nhân lao động sinh sống ở TP.Dĩ An nhưng làm việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hoá An, TP.Biên Hoà), ông Nguyễn Tấn Pháp – Chủ tịch CĐCS cho biết công ty có gần 1.000 công nhân sinh sống ở Bình Dương, TPHCM. “Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ công nhân kinh phí xét nghiệm COVID-19 trong 2 tuần đầu tiên, còn những tuần sau thì công nhân phải đưa ra sự lựa chọn: hoặc ở trọ tại Đồng Nai hoặc xin tạm nghỉ hưởng chế độ, hoặc tự phải lo chi phí xét nghiệm”, ông Pháp chia sẻ.

Còn tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) thì chi bạo làm xét nghiệm cho toàn bộ 2.000 công nhân sinh sống ở tỉnh Bình Dương. Công ty này có tới gần 40.000 công nhân lao động.

May mắn hơn, tại Công ty CP Taekwang Vina, cũng có khoảng 1.000 công nhân sinh sống ở Bình Dương, TPHCM. Nhưng công ty này trước đó đã cho toàn bộ số công nhân này ở trọ tại Đồng Nai, tiết kiệm được một khoản chi phí lớn khi không phải làm xét nghiệm hàng tuần cho công nhân.

Chi phí xét nghiệm chồng chất, công nhân có gánh nổi?

Công nhân đối mặt với nhiều nỗi lo: Lo phải có giấy xét nghiệm để thông hành, lo chi phí để làm xét nghiệm và lo bị lây nhiễm dịch bệnh do phải chen chúc để làm xét nghiệm.
Công nhân đối mặt với nhiều nỗi lo: Lo phải có giấy xét nghiệm để thông hành, lo chi phí để làm xét nghiệm và lo bị lây nhiễm dịch bệnh do phải chen chúc để làm xét nghiệm. (Ảnh chụp ngày 4.7). Ảnh: Hà Anh Chiến

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Taekwang Vina phân tích: Tỉnh Đồng Nai yêu cầu phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính thời hạn 7 ngày. Nghe thì Đồng Nai có vẻ “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, để vào được Đồng Nai thì công nhân phải qua chốt TP.Dĩ An (Bình Dương) lại yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính có thời hạn 3 ngày. Trong khi đó, hai tuyến đường chính từ TPHCM, Bình Dương đi vào Đồng Nai đều phải đi qua TP.Dĩ An trên quốc lộ 1 và quốc lộ 1K. Do đó, hầu hết công nhân đều phải chọn cách xét nghiệm 2-3 lần /1 tuần. Chi phí rất tốn kém với giá test nhanh là 238.000 đồng – 400.000đồng/lần xét nghiệm.

Như vậy nếu 1 tuần công nhân làm xét nghiệm 3 lần với giá 238.000 đồng thì một tháng đã ngốn hết 2,8 triệu đồng, chưa kể công nhân phải xin nghỉ phép để đi làm xét nghiệm chen chúc nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Ông Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, TPHCM và Bình Dương có số lượng ca mắc COVID-19 cao, gây áp lực rất lớn cho các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nếu không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn luồng đi lại giữa TPHCM – Bình Dương và Đồng Nai thì nguy cơ sẽ có F0 rất lớn. “Như trường hợp vừa qua F0 sinh sống ở Bình Dương vào mua sắm tại Big C Đồng Nai đã phát hiện hàng trăm F1 và hơn 500 F2. Nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sẽ có thêm nhiều trường hợp F0 sau này” – ông Vũ lo lắng.

Theo ông Vũ, hiện tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động nhưng chỉ có khoảng 10.000 người làm việc di chuyển giữa 3 tỉnh này. Do đó, khi giải quyết được số 10.000 người này sẽ hạn chế cao việc lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong Khu công nghiệp.

Xét nghiệm COVID-19 âm tính liệu có an toàn?

Theo chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) trên trang cá nhân: Nếu nói xét nghiệm âm tính rồi đi lại đâu đó vài ngày là an toàn cho nơi họ đến là không chính xác. Có nơi nói 3 ngày, có nơi nói 7 ngày. Về lý thuyết mà nói nếu xét nghiệm đúng âm tính chỉ nói từ khi xét nghiệm trở về trước là không lây, còn ngay sau đó vẫn có thể chuyển dương tính bất cứ lúc nào. Cái chính không phải là xét nghiệm mà suốt quá trình đi lại luôn 5 K khi dừng xe và đặc biệt khi giao hàng bảo đảm an toàn khi tiếp xúc

Hà Anh Chiến

Bài mới
Đọc nhiều