Công nhân, người lao động Q.Gò Vấp đối mặt cảnh ‘thắt lưng buộc bụng’ lần hai
Tại một khu trọ thuộc P.14 (Q.Gò Vấp), sau khi Q.Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều công nhân, người lao động phải tạm ngưng công việc, đối mặt chặng đường ‘thắt lưng buộc bụng’ lần hai.
Nhịn ăn sáng vì mất thu nhập
9 giờ ngày 31.5, chị Nguyễn Hồng Nghi (37 tuổi), cư dân xóm trọ tại P.14, Q.Gò Vấp ngồi trước cửa phòng trọ, xem thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên điện thoại.
Chị Nghi quê ở Cần Thơ. Cả gia đình đã đến TP.HCM sinh sống được hơn 3 năm. Chồng chị Nghi là thợ hồ, còn chị làm công nhân may ở một công ty tư nhân. Hai đứa con chị đi làm phụ quán ăn.
Thế nhưng, nay tất cả các thành viên đã phải tạm ngưng công việc và đây là lần thứ hai gia đình chị ở nhà, kể từ sau đợt giãn cách xã hội toàn TP.HCM hồi tháng 4.2020.
Chị Nghi nói mình lãnh tiền hằng tháng và theo công khoán. Bây giờ, tạm nghỉ vì dịch, công ty đã ứng trước cho chị hơn 2 triệu đồng để trang trải.
Thực hiện giãn cách xã hội, chị bảo gia đình mình chỉ quanh quẩn trong gác trọ, mở điện thoại theo dõi tình hình dịch bệnh.
“Giờ dịch nghỉ cả nhà 4 người vậy đó, đợt dịch năm trước cũng vậy, nhưng năm ngoái chồng tôi và hai đứa con tôi kẹt ở dưới quê, chỉ có tôi ở trọ trên này. Năm nay, giãn cách có cả nhà nên đỡ… buồn hơn”, chị nói và cho biết thêm: “Lúc trước đi làm, ngày có thu nhập thì có tiền nên mình có thể mua đồ ăn sáng. Giờ ở nhà, tiền không có, phải nhịn, cứ bắt nồi cơm rồi ai ăn thì ăn thôi. Mỗi tháng trước tôi cũng phải gửi tiền về quê, nhưng giờ không biết làm sao đây”, chị nói.
Dè sẻn chi tiêu hết mức
Đối diện căn trọ chị Nghi, bà Thái Thị Bạn (61 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) tần ngần ngồi nhìn ra cửa. Bà nói, dịch như vầy thì nhà ai nấy ở. Bà Bạn là lao động tự do, làm công việc dọn vệ sinh cho một nhà hàng gần nhà trọ.
Từ khi nhà hàng đóng cửa ngày 25.5, bà Bạn cũng phải tạm dừng việc. Căn gác trọ là nơi ở của 5 người, nay mất thu nhập, phải dè sẻn chi tiêu tối đa để trang trải qua dịch.
Bà Bạn chia sẻ: “Mình tự cách ly, cũng không tiếp xúc nhiều người. Tôi cũng đi chợ một lần đủ ăn cho 3 đến 4 ngày để hạn chế ra ngoài, một phần vì mình… cũng không có nhiều tiền để mua dự trữ… Siêu thị hay chỗ nào mà đông quá tôi cũng ngại tới. Khi đi chợ thì tôi đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn đầy đủ”.
Chúng tôi bèn đánh bạo, hỏi sao bà “cất bước ly hương” ở tuổi này, bà Bạn bảo xưa ở dưới quê làm nông, giờ cũng không có nghề nghiệp gì, “cắt lúa mướn càng không được vì giờ đây máy móc thay thế con người hết rồi!”.
Còn ông Võ Văn Dũng (54 tuổi, quê Bạc Liêu) sáng 31.5 đến công ty chuyên gia công ví thì nhận được thông báo là tạm ngưng hoạt động.
Ông chia sẻ: “Năm ngoái cũng đợt này, phải hết sức tiết kiệm. Mấy hôm trước vẫn đi làm bình thường, mới nghỉ sáng nay à. Thu nhập của tôi, tính tăng ca cũng được 6 – 7 triệu đồng/tháng, giờ dịch công ty cũng cho nghỉ vầy nè”.
Không về ngày đám tang ông vì khu vực bị phong tỏa
Chị Nguyễn Thị Kiều Hoa (quê Sóc Trăng), cũng ngụ tại P.14, Q.Gò Vấp cho biết chị là công nhân may ví tư nhân. Còn chồng chị làm tại Q.12 sáng 31.5 quyết định nghỉ ở nhà vì nghe tin Q.Gò Vấp lập các chốt phong tỏa, theo người quen để tạm thời đi làm hồ.
Điều chị buồn nhất là giờ chị phải hoãn kế hoạch về quê dự đám tang ông nội. “Đám tang ông nội, tôi có về được đâu, cách ly thế này về nguy hiểm lắm”, chị nói.
Trần Khánh/ TNO