+
Aa
-
like
comment

Công nhân chật vật tìm việc làm mới

30/08/2020 09:27

Dù rất nỗ lực tìm việc để ổn định cuộc sống nhưng trong thời điểm hiện nay, nhiều công nhân chỉ biết chờ đợi

Đợt dịch Covid-19 thứ 2 quay lại với những diễn biến phức tạp khiến việc sản xuất – kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, nhiều lao động bị mất việc từ đợt dịch trước cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn khi không xin được việc làm.

Bất an lao động lớn tuổi

Cách đây 3 tháng, đang làm việc tại một DN chuyên sản xuất hàng may mặc đóng tại KCN Amata, TP Biên Hòa, chị Nguyễn Thị Thu (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) bị mất việc làm. Nguyên nhân là do DN không nhập được nguyên vật liệu để sản xuất. Từ đó đến nay, chị Thu đã cầm hồ sơ đi xin việc tại nhiều DN, cũng được một số DN liên hệ phỏng vấn nhưng tất cả vẫn đang trong trạng thái chờ.

Sau hơn 20 năm gắn bó với một DN giày da trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, mới đây, chị Phạm Thị Mùi (45 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) cũng bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (Trung tâm) tổ chức hồi giữa tháng 8, chị Mùi cầm hồ sơ đi xin việc nhưng cơ hội việc làm rất mong manh.

“Nhiều DN trả lời thẳng rằng tôi đã lớn tuổi, lại không có trình độ chuyên môn, chỉ là lao động phổ thông nên họ không nhận. Có DN nói họ sẽ nhận hồ sơ nhưng để xem xét, nếu cần sẽ liên lạc lại với tôi theo số điện thoại trong hồ sơ” – chị Mùi chia sẻ.

Công nhân chật vật tìm việc làm mới - Ảnh 1.
Một người lao động làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi mất việc làm

Theo chị Thu và chị Mùi, trước đây khi có việc làm, thu nhập ổn định, các chị đủ khả năng để trang trải cuộc sống gia đình. Nay không có việc làm, không có thu nhập mà năm học mới sắp bắt đầu khiến vợ chồng các chị lúc nào cũng căng thẳng. Ai cũng phải “thắt lưng buộc bụng” để bảo đảm duy trì cuộc sống trong đại dịch. Trong khi đó, một số công nhân (CN) khác cho biết nguyên nhân không xin được việc làm là do họ không có trình độ chuyên môn, tay nghề trong khi các DN đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng khắt khe.

Tiếp sức người lao động

Mới đây, Trung tâm lần đầu tiên tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các DN trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành lân cận. Hoạt động này tổ chức nhằm tránh tập trung đông người trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động cũng như giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Kết quả, có 20 đơn vị đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.143 lao động, tập trung ở các lĩnh vực như: may mặc, cơ khí, điện tử, điện công nghiệp, giao hàng, bất động sản… Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là hơn 1.000 người (chiếm hơn 94% tổng số nhu cầu tuyển dụng). Tiếp đó là lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật, cao đẳng, đại học, sơ cấp nghề. Có hơn 50 lượt lao động có nhu cầu và tìm hiểu thông tin về việc làm đã đăng ký kết nối tham gia sàn trực tuyến. 20 lao động tham gia phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng Trung tâm, 30 lao động nộp hồ sơ online và phỏng vấn trực tuyến qua trang fanpage – Zalo của Trung tâm, qua đó có 32 lượt lao động đã được tư vấn việc làm và 29 lao động được tuyển dụng.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm, cho hay: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường tuyên truyền, khuyến kích NLĐ và DN tham gia sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Dự kiến, Trung tâm sẽ duy trì tổ chức 2 sàn/tháng, song song với sàn giao dịch trực tiếp định kỳ tại văn phòng Trung tâm”.

Là một trong những DN tổ chức tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm lần này, chị Vũ Tố Như, phụ trách tuyển dụng Công ty TNHH Công nghệ điện tử nghe nhìn BOE (KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch), cho biết công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động tại 13 vị trí khác nhau, gồm: quản lý sản xuất, kế toán, kỹ thuật viên bảo trì thiết bị, lao động phổ thông…

Riêng vị trí quản lý sản xuất yêu cầu các ứng viên phải biết tiếng Hoa. Các vị trí khác cũng yêu cầu NLĐ có trình độ, tay nghề về điện tử mới có thể thực hiện được nhiệm vụ. Công ty có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi NLĐ nên việc tuyển lao động rất quan trọng vấn đề chất lượng chứ không chạy theo số lượng.

Theo đại diện một công ty chuyên giới thiệu việc làm trên địa bàn TP Biên Hòa, ở thời điểm này của những năm trước, nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn nhằm bảo đảm yêu cầu sản xuất, chuẩn bị cho những đơn hàng dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay số DN có nhu cầu tuyển dụng lao động không nhiều trong khi số lượng NLĐ có nhu cầu tìm việc lại khá lớn.

TÙNG LÂM/NLD

Bài mới
Đọc nhiều