+
Aa
-
like
comment

Công nghệ xử lý rác không thể chôn lấp như 50 năm trước

04/11/2020 06:22

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam chủ yếu ở hình thức chôn lấp. Đây là một điều phản khoa học, gây ô nhiễm môi trường từ chính những đơn vị nhân danh bảo vệ môi trường.

Ngày xưa nông thôn không có rác

Chúng ta đã qua thời kỳ lo cho đủ “cơm ăn áo mặc”, đang bước vào giai đoạn phát triển mới mà chất lượng cuộc sống được đặt lên hàng đầu. Vấn đề chất lượng môi trường trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng sống của mỗi người. Bà đánh giá như thế nào?

Nhìn lại quá khứ, cách đây khoảng nửa thế kỷ, chúng ta ít quan tâm tới vấn đề môi trường. Bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế, chúng ta ưu tiên phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, thì các nước phát triển đã nghĩ đến hậu quả của phát triển kinh tế không toàn diện, không đầy đủ dẫn tới hậu quả môi trường, đó là sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên, việc sinh ra các chất thải…

Công nghệ xử lý rác không thể chôn lấp như 50 năm trước
GS.TS Đặng Kim Chi đi thực tế tại một cơ sở xử lý rác thải

Ngày xưa, ở nông thôn làm gì có rác. Hồi ấy chỉ có lá cây, các phụ phẩm nông sản, phân lợn phân gà, hoàn toàn là những chất hữu cơ rất dễ phân hủy, hoàn toàn có thể sử dụng làm phân bón cho đồng ruộng. Nhưng bây giờ đời sống lên cao, thành phần rác không còn như xưa nữa.

Bên cạnh những chất thải hữu cơ dễ phân hủy còn có những chất thải khó phân hủy như cao su, rác thải điện tử, nilon, các loại chất thải bỏ có bản mạch và còn nhiều loại khác, bao bì đóng gói đã phức tạp hơn… Thành phần chất thải đã thay đổi.

GS.TS Đặng Kim Chi là một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2019, bà nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt với công trình nghiên cứu “Môi trường các làng nghề Việt Nam”. 

Như vậy, việc xử lý rác thải không thể giống như 50 năm trước, không thể chôn lấp để thành phân nữa, vì có những loại chất thải hàng trăm năm chôn lấp cũng không thay đổi.

Nếu không có quy hoạch, chiến lược trong quản lý chất thải, nói hẹp ra là chất thải rắn, chúng ta sẽ gặp một trở ngại lớn, đó là tác động xấu của các loại rác thải phát sinh do hoạt động của con người, cả công nghiệp, nông nghiệp… và ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta, làm thay đổi chất lượng môi trường, chất lượng nước, chất lượng khí…

Người dân thiếu ý thức, quản lý chưa đồng bộ

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng hiện tại, rác thải cứ chất đống lên ùn ứ gây ô nhiễm môi trường, một là do ý thức của người dân, thứ hai là góc độ quản lý, khi chủ trương phát triển kinh tế nhưng thiếu sự đồng bộ, quan điểm định hướng?

Đúng thế. Trước hết, người dân phải ý thức được rác cần được quản lý và được xử lý tốt để không gây tác hại tới đời sống.

Công nghệ xử lý rác không thể chôn lấp như 50 năm trước
Xử lý bùn thải trên sông Tô Lịch

Thứ hai, công tác quản lý vẫn còn những bất cập, ví dụ như các công nghệ xử lý rác của Việt Nam cách đây mấy chục năm và cho tới tận bây giờ vẫn thiên về công nghệ chôn lấp, chưa kể đó là loại hình chôn lấp không hợp vệ sinh.

Nhiều địa phương tự tin cho rằng, công nghệ xử lý rác, phương pháp chôn lấp rác của họ đã là tạm được, nhưng cho đến nay đã thể hiện ra rất nhiều bất cập. Điều đó tạo ra những môi trường bị ô nhiễm do sử dụng công nghệ chôn lấp tràn lan ở Việt Nam.

Và hiện nay, rất nhiều địa phương thiếu đất dùng cho hoạt động chôn lấp; người dân cũng bắt đầu thấy được tác hại của việc chôn lấp không hợp vệ sinh, không đúng điều kiện môi trường, tác hại ngay đối với những người dân sống ở vùng cận kề và người ta phản ứng đối với việc đưa các khu xử lý, chôn lấp chất thải đến nơi họ sinh sống, từ đó dẫn tới những xung đột môi trường.

Công thức 3R trong xử lý rác thải

Nếu vẽ bức tranh của Việt Nam về lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải, bà sẽ vẽ nó như thế nào?

Bức tranh này có mấy vấn đề như sau: chất thải rắn đã không được phân loại để tận dụng. Bao giờ cũng phải theo “công thức 3R”: Phải phân loại để thu lại được những rác thải nào có thể tái chế, tái sử dụng; phải xử lý những rác thải còn lại theo đúng công nghệ và sự phù hợp của công nghệ đó, phù hợp với từng địa phương, phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế xã hội của địa phương đó.

Công nghệ xử lý rác không thể chôn lấp như 50 năm trước
Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Zing

Đấy là điều bất cập chúng ta chưa làm được. Rất nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được áp dụng triển khai, nhưng lại không có hiệu quả lbởi vì những xe thu gom rác trung chuyển lại chỉ là một xe, cho nên việc phân loại 3 loại tại nguồn lại được đưa vào 1 thùng, đưa lên 1 nơi xử lý. Muốn quản lý chất thải rắn đồng bộ và hiệu quả thì phải đồng bộ từ nơi xuất phát, nơi phát sinh, nơi trung chuyển cho đến cả công nghệ xử lý phù hợp sau khi đã phân loại.

Những đơn vị xử lý rác thải tại Việt Nam đang đạt trình độ như thế nào so với các nước trên thế giới?

Châu Âu bây giờ không phân loại rác tại nguồn, họ tiếp nhận tất cả cho vào một nhà máy, sau đó họ có công nghệ vì nhiệt trị của rác thu được là rất lớn, họ chuyển hóa ngay thành năng lượng phục vụ thay thế nguồn năng lượng khác. Nhưng Việt Nam thì chưa thể như thế được.

Ở Việt Nam, đến một bản ở vùng núi phải đi cả ngày đường, mà rác chủ yếu là lá cây, phân trâu bò…, chả lẽ chúng ta lại bắt họ phải thu hồi tất cả những loại rác thải đó đưa về điểm xử lý tại trung tâm huyện? Lượng nó không lớn. Nếu chúng ta đưa công nghệ đốt rác phát điện vào đấy thì hoàn toàn không phù hợp, không hiệu quả, không cần thiết.

Cách đây không lâu, tôi dự một hội nghị về công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, các đại biểu đi đến kết luận, công nghệ phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, phải phù hợp với từng vùng chứ không thể đưa ra một chủ trương rồi bắt mọi nơi phải theo. Có những nơi ca ngợi công nghệ đốt rác phát điện, thế là một vài tỉnh miền núi định áp dụng theo. Như thế là lãng phí, không phù hợp.

Không được phép coi thường rác  

Rác sinh ra trong cuộc sống của con người, nhưng không tự nhiên mất đi được. Theo bà, giải pháp chúng ta cần làm ngay, để ứng xử với vấn đề về rác thải sẽ là gì?

Trước tiên, ý thức mỗi người dân phải được nâng lên. Mỗi người tự ý thức phân loại rác, khi đó mới làm gì thì làm. Thứ 2, lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với đặc điểm riêng của mỗi địa phương, phù hợp với nguồn rác thải phát sinh.

Thứ 3, đó là sự nghiêm túc của cơ quan quản lý. Đã đến lúc không được phép coi thường rác.

Một điều nữa, tôi rất ủng hộ quan điểm trong luật Bảo vệ môi trường đang được sửa đổi, đó là thu phí xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng, chủ nguồn thải nào xả nhiều thải sẽ phải đóng nhiều tiền để thuê đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Phương án này đã được thực hiện từ lâu ở nhiều nước. Tôi nghĩ, chỉ khi đánh vào kinh tế, vào túi tiền của mỗi người, lúc đó ý thức mới thực sự được nâng lên, tạo thành sự tự giác.

Kiên Trung

Bài mới
Đọc nhiều