+
Aa
-
like
comment

Công lý ở đâu trong việc xét xử gian lận thi cử?

Cao Phúc - 21/10/2019 15:33

Gian lận thi cử không còn là chuyện xa lạ trong đời sống, nhất là khi xã hội đang phát triển trong thời đại 4.0 như hiện nay. Những vấn nạn của giáo dục và đào tạo luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Thế nên việc xử lý gian lận sao cho nghiêm minh, không để lại hệ lụy cho xã hội đang được dư luận rất quan tâm.

anhbia_16197679

Tuy nhiên, dư luận cảm thấy bất ngờ, thất vọng khi VKSND tỉnh Hà Giang cho rằng không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án.

Theo đó, trên cơ sở đánh giá chứng cứ và toàn bộ nội dung vụ án, VKS đề nghị bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hà Giang) 8-9 năm tù; Vũ Trọng Lương (nguyên Phó Trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang) 7-8 năm tù.

Viện Kiểm Soát (VKS) đề nghị các bị cáo Triệu Thị Chính (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) và Lê Thị Dung (nguyên Phó Đội trưởng Phòng an ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) cùng mức án 2-2,5 năm tù; bị cáo Phạm Văn Khuông (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang) 1-1,5 năm tù treo.

Về hình phạt bổ sung, VKS đề nghị Hội đồng xét xử cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong ngành giáo dục từ 1-2 năm.

Việc VKS nói “Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi” vì như lý giải thì việc sao kê tài khoản ngân hàng, khám xét chỗ ở và nơi làm việc của hai bị cáo cùng các dữ liệu điện tử khác cũng cho thấy không đủ cơ sở kết luận hai bị cáo có động cơ vụ lợi trong vụ án này. Thế nhưng, ở đời này không có chuyện “bốc điểm bỏ tay người” và càng không có chuyện “đồng tiền vô chủ”, “đồng hào của ma” tự dung “rơi” vào túi ai đó mà không có chủ.

Khách quan mà nói, cái sự “không vụ lợi” này nó bắt nguồn ngay từ quá trình điều tra của cơ quan công an, khi đó dư luận đã nhận thấy có “triệu chứng” không bình thường, nên đã có nhiều những câu hỏi được đặt ra.

Chuyện điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, có thể nhận thấy yếu tố con người vẫn có thể lọt qua mọi sự kiểm soát, phần mềm và cả quy chế nữa. Thế mới có chuyện “cười ra nước mắt” khi 114 thí sinh với 330 bài thi bị can thiệp chỉ trong vòng 6 giây/bài thi. Sự “đổi trắng thay đen” này đã biến những em học sinh bình thường, thậm chí học kém thành những “ngôi sao”.

Còn nhớ cách đây không lâu, (sáng 22/5), bên lề phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết thời hạn sau một tháng nữa sẽ có kết quả. Và tuyên bố hùng hồn “làm gì có vùng cấm” trong việc xử lý sai phạm… Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn anh”. Thế nhưng, thực tế cho thấy ngoài lời nói, tình hình còn có vẻ còn yên ắng hơn và có vẻ như sự việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng” so với tốc độ xử lý sai phạm ở Sơn La.

Đọc những thông tin trên, không khỏi có cảm giác vụ việc ở Hà Giang đang được xét xử chưa đi đúng hướng, tức là chưa tìm ra “đúng người, đúng tội”, “sâu chúa” vẫn được né tránh và điều này khiến dư luận bất bình. Bởi, đáng lẽ với vi phạm qui mô nhất, nghiêm trọng nhất cũng như tinh thần làm gương, Hà Giang phải tiến hành xử lý mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất. Song, thực tế thì đây là nơi trì trệ nhất, mập mờ nhất.

Thực tế xử lý sai phạm kiểu như trên là minh chứng cho cái gọi là “viên đạn không có đầu” luôn tồn tại hiện hữu. Nói thẳng ra, bước đầu xử lý một sai phạm nào đó thấy rình rang, khí thế lắm, nhưng khâu cuối cùng quan trọng nhất là nghị án, luận tội thì chẳng truy ra được tội gì để xử, có chăng chỉ là có liên quan rồi “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Nói về gian lận thi cử, hẳn chúng ta còn nhớ, tiến sĩ Ngô Sách Tuân (1648-1697) là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông đỗ tiến sĩ năm Bính Thìn (1676) đời Lê Hy Tông khi 29 tuổi. Mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời, nhưng chỉ vì một sai lầm trong việc chấm bài thi mà cuộc đời cũng như danh tiếng của ông đã tiêu tan thành bọt nước. Không những phải mất mạng, Ngô Sách Tuân còn để lại một “vết đen” trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Có thể nói, quyền lực và đồng tiền đã và đang thao túng làm xói mòn những giá trị đạo đức. Trong số những vị dùng tiền mua điểm cho con biết đâu chính họ đã từng là kẻ mua bằng, mua ghế trước đây nên không cảm thấy hổ thẹn. Ai dùng tiền mua điểm phải bị truy cứu về tội đưa hối lộ. Ai dùng lợi thế chính trị gây ảnh hưởng để con mình được tăng điểm phải bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Điều này cũng có nghĩa, dư luận đòi hỏi một khi điều tra sáng tỏ, tất cả các vị quan chức mua điểm cho con phải bị buộc thôi chức, bị sa thải chứ không chỉ là cảnh cáo, hạ chức chuyển đi nơi khác, để làm trong sạch bộ máy nhà nước. Những thí sinh đậu bằng điểm mua phải bị đuổi học đó mới là công lý, là lẽ phải, là sự tất yếu cần phải làm.

Từ sự vụ “nâng điểm thi” và chậm trễ, không nghiêm minh trong xử lý trách nhiệm phần nào cho thấy nền giáo dục của chúng ta đang theo thành tích, điểm số – một thực tráng đáng buồn. Đây là nguy cơ kéo tụt quá trình phát triển của giáo dục nói riêng và cả xã hội nói chung.

Nói vậy bởi, một nền giáo dục vì điểm số và bằng cấp lại phá hủy những giá trị giáo dục cần thiết. Nền giáo dục tôn sùng điểm số và thành tích sẽ cho ta đúng những thứ mình muốn nếu học vì tiền tài địa vị. Ở đó, chúng ta sẽ được dạy cách ganh đua cạnh tranh quyết liệt để đạt được phần thắng nhưng không bao giờ được dạy cách giúp đỡ người khác.

Nếu có hợp tác thì cũng chỉ vì lợi dụng lẫn nhau rồi cuối cùng sẽ loại trừ nhau vì chẳng ai đủ tin ai để hợp tác thật sự. Khi mạnh ai nấy tranh giành để làm lợi cho bản thân, họ sẽ không từ thủ đoạn để hại người khác và mặc kệ lợi ích chung, cái gì phá được thì phá, cái gì bán được thì bán miễn sao đổi ra tiền còn sau này thì mặc kệ, tôi đâu có sống tới 100 năm sau đâu mà lo.

Từ đây, người ta có thể thấy kết luận xét xử “không có cơ sở pháp lý” tìm ra bằng chứng vụ lợi của các đối tượng chính là sự dung túng cho các đối tượng vi phạm, dung túng cho một nền giáo dục vì thành tích, điểm số.

Hồng Đinh

Bài mới
Đọc nhiều