+
Aa
-
like
comment

“Công lý hồng hoang” hay “tư tưởng hồng hoang”

Komi - 16/12/2020 21:25

Sau một người thiếu suy nghĩ, hành xử thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội đối với gia đình vừa có người qua đời là một nhóm người mang danh “nghệ sĩ” nhưng hành động ngông cuồng, thách thức pháp luật. Nối tiếp sau nhóm nghệ sĩ kia là còn cả một cộng đồng mạng xã hội thiếu chính kiến, thay vì góp tiếng nói cộng đồng cho những điều tốt đẹp lại chỉ tranh thủ vào hùa cho sự hiếu kỳ và những cảm xúc nhất thời.

Nhắc lại câu chuyện nhóm nghệ sĩ tìm đến gặp mặt “Gymer Duy Nguyễn” – người được cho là xúc phạm gia đình nghệ sĩ Chí Tài không chỉ vì đây là sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm mà chính nó đang ẩn chứa những tư tưởng mơ hồ cần được “khai sáng”.

Ngay như tiêu đề của bài viết, có thể khẳng định rằng rất đông trong số chúng ta đang có hành xử sai lệch về vụ việc này. Từ những sai lầm của cá nhân, dẫn tới sai lệch của nhóm người và sau đó là lệch lạc của cả số đông nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người khi đánh giá sự việc, lại mặc nhiên bỏ hết đi lỗi sai của phần đông xã hội để nhằm đổ lỗi tất cả cho “thể chế”, “chính quyền”.

Ngày 15/12/2020, Facebooker “Nguyễn Tiến Tường” đăng tải bài viết “Công lý hồng hoang & sự vắng mặt của thể chế” để khẳng định việc đám đông có suy nghĩ bộc phát trước, “đi tìm công lý hồng hoang” do “những tổ chức chính danh thường xuyên vắng mặt hoặc chậm trễ”. Bài viết ngay sau đó cũng nhận được hàng nghìn lượt tương tác mà hầu hết đều dẫn theo lối đổ lỗi cho các lực lượng thực thi pháp luật.

“Suy nghĩ hồng hoang”

Nguyễn Tiến Tường và nhóm ủng hộ quan điểm “công lý hồng hoang” xuất phát từ sự chậm chễ của pháp luật dù đang cố tỏ vẻ hiểu biết, có khả năng đánh giá xã hội nhưng thực chất lại cũng chỉ mang trong mình tư tưởng của những kẻ “hồng hoang”. Cái hồng hoang trong suy nghĩ ấy thể hiện sự kém hiểu biết về nhận thức và cả thái độ tư duy.

“Tư tưởng hồng hoang” và sự đổ lỗi cho thể chế, chính quyền?

Trước hết, sự sai lệch của đám đông trong câu chuyện “nhóm nghệ sĩ đi tìm gymer hỏi chuyện” thiên hướng nhiều hơn về mặt đạo đức, nhận thức, tri thức, kỹ năng sống mà chưa đến mức vi phạm pháp luật. Do đó, việc thiếu vắng sự can thiệp của các lực lượng thực thi pháp luật ngay từ đầu là điều dễ hiểu.

Trong một xã hội phát triển, văn minh, các phạm trù pháp lý được điều chỉnh bằng pháp luật trong khi các phạm trù về đạo đức được điều chỉnh bằng dư luận, tiến bộ xã hội. Như vậy, trong câu chuyện của nhóm nghệ sĩ và nam gymer nói trên, vấn đề cấp thiết đặt ra chính xác là phải thay đổi nhận thức, tư duy xã hội và sự sử dụng dư luận xã hội để sửa chữa sai lệch của một nhóm người theo những chuẩn mực chung được chấp nhận.

Rõ ràng, việc đổ lỗi cho cơ quan thực thi pháp luật trong tình huống này cũng là một nhận thức sai lầm cần phải thay đổi. Đó là những nhận thức theo hướng thiếu trách nhiệm với bản thân, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và thiếu sáng suốt để phân tích ngay từ đầu bản chất sự việc. Không một cá nhân, tổ chức nào có thể thay thế hoặc đạt hiệu quả hơn cả cộng đồng dư luận trong việc thay đổi, tác động vào đạo đức, nhận thức của một cá nhân, tổ chức khác.

Thứ hai, lực lượng thi hành pháp luật chưa từng dùng mạng xã hội để “livestream” quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình nên sự “chậm chễ” của họ theo nhiều người đánh giá liệu có còn khách quan?

Theo dõi vụ việc nhóm nghệ sĩ và nam gymer, nhiều người chỉ thích thú nhìn vào bề nổi và tán đồng khi thấy nhóm nghệ sĩ “cao tay” khi chỉ dùng lời nói, tặng sách đạo đức, giáo dục công dân,… Mấy ai để ý rằng, đằng sau sự việc lộn xộn, lực lượng Công an vẫn xuất hiện kịp thời tại hiện trường vụ việc với mục tiêu duy nhất là bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra mâu thuẫn đến mức bạo lực, gây rối,… mà không phải để “đánh bóng hình ảnh”.

Chưa hết, lực lượng thực thi pháp luật mà cụ thể ở đây là lực lượng Công an không chỉ có vài ba người tại hiện trường các vụ việc mà là cả một cơ quan. Ở đó, ngoài những người làm công tác hiện trường, còn có người chỉ đạo, có cả những người nắm tình hình, dự báo, phân tích sự việc để đề ra biện pháp, phương hướng giải quyết tốt nhất. Phải chăng, khi những bộ phận này không công khai hành động lên mạng Internet thì người ta vẫn sẽ cho rằng họ chậm chễ hoặc bỏ ngỏ sự việc?

Cuối cùng, sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề pháp luật cũng không thể hiện sự chậm chễ hay bất lực của chính quyền. Như trong việc nam thanh niên hành hung cô gái sau va chạm giao thông bị người dân dẫn giải đến cơ quan chức năng, vai trò của cộng đồng trong tình huống này không phải là một sự thay thế mà chỉ đang là những người hỗ trợ cơ quan chức năng, tham gia vào “phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Đây là quyền công dân mà chính các cơ quan Nhà nước đang khuyến khích, vận động lan tỏa sâu và rộng hơn nữa trong cộng đồng.

Như vậy, mấu chốt của vấn đề đến cuối cùng vẫn chỉ là sự nhận thức. Nhận thức sai lầm của cá nhân có thể dẫn tới sự sai lầm liên tiếp của nhiều người khác. Sau cùng, sự đổ lỗi cho xã hội, thể chế hay cơ quan nào là sự sai lầm đáng cảnh báo nhất vì sự đổ lỗi ấy chẳng giúp được gì sau tất cả những sai lầm kia.

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều