Công khai danh tính người nhiễm Covid-19: xâm phạm quyền riêng tư hay trách nhiệm với cộng đồng?
Sau ca nhiễm thứ 17, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Việt Nam bước sang giai đoạn đầy rủi ro khó lường. Không chỉ Nhà nước mà toàn dân đều chung một tâm thế “chống dịch như chống giặc”.
‘Mọi người dừng ngay việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19 và những người liên quan lên báo chí cũng như việc tấn công, quy kết họ trên mạng xã hội’.
Mới đây, một nội dung được cho là của một bác sĩ được lan truyền trên mạng xã hội nhằm kêu gọi mọi người hãy dừng việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân Covid-19 và những người liên quan lên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Tính đến nay, danh tính và hình ảnh của các bệnh nhân nhiễm virus corona không được công bố. Điều này pháp luật quy định thế nào?
Cần công bố danh tính để phòng, chống dịch
Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cụ thể là khoản 5 Điều 8 quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 33 Luật này quy định thầy thuốc, nhân viên y tế giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.
Để đảm bảo quyền riêng tư cá nhân, Bộ Y tế và các cơ quan truyền thông không công khai tên tuổi, hình ảnh của bệnh nhân.
Việc cách ly các ca bệnh và kiểm soát các vấn đề như người bệnh tiếp xúc với những ai, đi đâu, đi chuyến tàu nào, chuyến xe nào… đều được các cơ quan chức năng thông báo cụ thể đến địa phương nơi có người tiếp xúc với ca bệnh.
Tuy nhiên, luật sư Thu cũng cho rằng trong một số trường hợp, việc đưa thông tin và hình ảnh của bệnh nhân để phòng chống bệnh chứ không phải phân biệt đối xử thì vẫn có thể được chấp nhận.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nói từ năm 2007, Việt Nam đã nhận thức được vấn đề liên quan phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Từ đó, Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, luật này lần đầu tiên được triển khai trên diện rộng.
“Cần phải công bố thông tin những người đã nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm cao”, luật sư nói và giải thích đó là quyền lợi của người sống trong vùng dịch cần được biết.
Tài khoản facebook Trang Nguyễn nói: “Cần phải công khai danh tính và hình ảnh của bệnh nhân. Nếu không làm sao tôi biết được đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 hay không”.
Tài khoản facebook Luân Phạm cũng đồng ý với quan điểm nêu trên: “Bởi vì không biết rõ mặt bệnh nhân số 17 nên người dân mới nhầm lẫn với hình ảnh một cô gái khác đi dự sự kiện. Nếu không công khai danh tính thì tình trạng đó sẽ lặp lại”.
“Theo nguyên tắc thì với bệnh truyền nhiễm, công tác phòng dịch được đề cao hơn chống dịch”, ông Tuấn Anh nói.
Công khai không có nghĩa là bịa đặt và xúc phạm
Tuy nhiên, công khai thông tin của người bệnh không đồng nghĩa với việc phân biệt đối xử, miệt thị, xúc phạm và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
Mạng xã hội hiện xuất hiện những “thám tử mạng”, truy tìm danh tính của những người bị nhiễm Covid-19, kể cả người bị nghi ngờ (F2) cũng bị truy tìm như truy một “hung thủ” gây án.
Có ý kiến cho rằng, chỉ nên công khai danh tính những người bị nhiễm bệnh và nghi ngờ để mọi người biết, tránh tiếp xúc để không lây lan hoặc những người trốn cách ly. Đối với những trường hợp tự nguyện cách ly hoặc đã được điều trị sẽ không có điều kiện để tiếp xúc với người khác trong cộng đồng. Họ chỉ trở lại với đời sống bình thường khi được điều trị khỏi bệnh hoặc xác định an toàn sau thời gian cách ly.
Việc công khai thông tin người nhiễm bệnh còn có thể bị một số đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người đã bị lợi dụng danh tính để tung tin đồn thất thiệt lên mạng, gây hoang mang cộng đồng trong khu vực sinh sống và ảnh hưởng đến công tác khoanh vùng bệnh nhân nghi nhiễm của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ở một góc độ nào đó, việc đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân và những người liên quan lên báo chí có thể khiến việc tìm kiếm, phát hiện bệnh nhân mới khó khăn hơn do gieo rắc tâm lý sợ hãi bị phát hiện.
Mấy hôm nay trên mạng xã hội, tên tuổi, hình ảnh, công việc, nhà cửa, cha mẹ, vợ con của người bị nghi ngờ F2 lan truyền cũng như “dịch”. Họ bị kỳ thị, bị xem như “tội nhân” đã đem dịch đến cho cộng đồng. Điều này rất không công bằng, bởi vì ai cũng có thể bị nhiễm virus hoặc vô tình có tiếp xúc với người bị nhiễm, hãy đặt trường hợp mình, sẽ thấy khi bị kỳ thị, bị bêu tên, thì sẽ khổ sở như thế nào.
Người dùng mạng xã hội hiện nay đang quá “tự do” trong việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác. Nếu thấy bị kỳ thị và nguyền rủa như “tội nhân”, thì liệu có ai dám đi khai báo y tế?
Bạn Nguyễn Tuyết Nhung, sinh viên năm 2 ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nêu quan điểm: “Mấy ngày qua em nghe bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị cộng đồng mạng kỳ thị. Bao nhiêu hình ảnh, hoàn cảnh gia đình… đều bị lan truyền chóng mặt và bị bàn tán. Rồi những người bị cách ly, bị nghi nhiễm cũng bị cộng đồng mạng đưa ra tên tuổi, hình ảnh… Điều đó tác động đến tâm lý ghê gớm khiến những người bị nghi nhiễm cũng e ngại”.
Những người chưa đủ hiểu biết về dịch bệnh khi có triệu chứng hay dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, họ thường hoang mang, sợ bị kỳ thị nên trốn tránh đi khám và làm xét nghiệm, gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Còn với những người am hiểu, có ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, họ sẽ tự nguyện thông báo với cơ quan y tế để được kiểm tra, chẩn đoán xem mình có bị nhiễm virus không.
Ở Việt Nam, việc kiểm soát các chuỗi tiếp xúc F1 – F2 – F3 – F4 sau các ca nhiễm mới dù rất quyết liệt nhưng cũng khó tránh khỏi hệ lụy phức tạp gây lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Giờ chúng ta phải chống dịch “từ trăm ngả”, và ngay cả “trong nhà”.
Chính phủ đã hành động kịp thời, không ngần ngại nâng mức hành động quyết liệt để bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Nhưng nếu chỉ là quyết tâm của riêng Chính phủ thì sẽ không bao giờ là đủ. Giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch cần toàn dân. Chấp hành yêu cầu chống dịch như mệnh lệnh của Tổ quốc.
Quỳnh Quỳnh