Cộng đồng quốc tế phản đối âm mưu gây bất ổn Cuba, kêu gọi gỡ bỏ cấm vận La Habana
Ngày 12/7 (nửa đêm 12/7 theo giờ Việt Nam), nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Cuba, phản đối các âm mưu nhằm gây bất ổn quốc đảo Caribe này, trong bối cảnh Cuba đang chứng kiến một số cuộc biểu tình.
Trang mạng telesurenglish.net cho biết Mặt trận Giải phóng Dân tộc Farabundo Marti (FMLN) của El Salvador đã phê phán "SOS Cuba” chỉ là một phong trào lôi kéo kích động do các nhóm phản cách mạng phát động nhằm chống lại Cách mạng Cuba.
Nhiều tổ chức xã hội, các nhân vật chính trị và học giả nổi tiếng tại Mỹ Latinh đã bày tỏ ủng hộ Chính phủ và nhân dân Cuba trước các cuộc biểu tình do bên ngoài khuấy động nhằm gây bất ổn “đảo quốc tự do”.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Đảng Cộng sản Colombia Rodrigo Londoño nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi đoàn kết để bảo vệ Cách mạng Cuba. Cuba là phẩm giá”. Ông Londoño khẳng định Đảng Cộng sản Colombia bảo vệ chủ quyền của nhân dân Cuba và các nguyên tắc nhân văn trong sự nghiệp chính trị của người dân Cuba.
Từ Argentina, nhà khoa học chính trị nổi tiếng Atilio Boron, cho rằng “các thế lực bên ngoài đang âm mưu kích động bất ổn xã hội nhằm lật đổ Chính phủ cách mạng Cuba. Đó là tội ác chống lại loài người. Cuba sẽ không đơn độc”.
Nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đã lên tiếng kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận khắc nghiệt và vô căn cứ của Mỹ vốn gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của Cuba, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tại Nga, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền, cũng như bất kỳ hành động phá hoại nào gây bất ổn định tại Cuba.
Ngày 12/7, Tổng thống Bolivia Luis Arce tuyên bố ủng hộ nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh chống lại những hành động gây bất ổn. Ông nhấn mạnh các vấn đề ở Cuba cần phải được chính người dân Cuba giải quyết mà không có bất kỳ sự can thiệp nào, đặc biệt là từ “những kẻ duy trì lệnh cấm vận từ cách đây 60 năm”. Nhà lãnh đạo này khẳng định Chính phủ Cuba càng đạt được nhiều thành tựu trong y tế và khoa học thì càng phải đối mặt với những thông tin sai lệch và sự tấn công từ nước ngoài.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador cũng bác bỏ những chính sách mang tính can thiệp vào tình hình tại Cuba, đồng thời đề xuất viện trợ nhân đạo cho quốc đảo Caribe này. Ông nói: “Mexico có thể trợ giúp thuốc men, vaccine, bất cứ thứ gì cần thiết và lương thực, bởi sức khỏe và thực phẩm là những quyền lợi cơ bản của con người”.
Phát biểu trong một buổi họp báo, nhà lãnh đạo theo đường lối cánh tả của Mexico cũng kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba và chỉ trích những “thông tin bất thường” liên quan đến cuộc biểu tình tại nước này. Ông cảnh báo: “Không chính trị hóa, không chiến dịch truyền thông, những điều vốn đã diễn ra trên toàn thế giới. Có nhiều quốc gia đang gặp vấn đề tại Mỹ Latinh, ở Caribe, không chỉ có trường hợp của Cuba. Tuy nhiên, đáng chú ý là có một chiến dịch thông tin bất thường được đưa ra bởi những người không đồng tình với chính sách của Chính phủ Cuba”.
Trong một thông cáo công bố cùng ngày, Chính phủ Nicaragua tố cáo và lên án âm mưu gây bất ổn và sự gây hấn liên tục đối với Chính phủ Cuba. Chính quyền của Tổng thống Daniel Ortega nêu bật tình đoàn kết với La Habana, đồng thời khẳng định sẽ “cùng chiến đấu” và tin tưởng rằng các dân tộc tiến bộ sẽ cùng tiến lên phía trước”.
Từ Venezuela, Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền tại Venezuela ra tuyên bố bày tỏ ủng hộ đối với Chính phủ Cuba. Tuyên bố của PSUV nhấn mạnh: “Nhân dân Cuba đã cống hiến rất nhiều cho nhân loại và chúng ta cần phải bảo vệ họ khỏi những âm mưu tàn bạo”. PSUV đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay của đất nước.
Trong thông điệp được phát trực tiếp trên truyền hình ngày 12/7, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel khẳng định Chính phủ Cuba không mong muốn đụng độ xảy ra giữa các công dân nước này, trong bối cảnh biểu tình đường phố dường như đang có dấu hiệu leo thang. Chủ tịch Diaz-Canel nhấn mạnh Chính phủ Cuba đã cố gắng “đương đầu và vượt qua” nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Nhà lãnh đạo Cuba cũng tái khẳng định quyền của người dân được bảo vệ thể chế của mình.
Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/6 đã thông qua Nghị quyết A/RES/75/290 kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba với kết quả 184 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Hơn 20 nước, trong đó có đại diện 6 nhóm nước gồm châu Phi, Cộng đồng Caribbe, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm G77+Trung Quốc, Phong trào Không liên kết và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã phát biểu bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Nghị quyết. Các nước bày tỏ quan ngại trước những tác động bất lợi của các biện pháp cưỡng chế đơn phương chống Cuba, gây khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của Cuba trên toàn bộ các lĩnh vực.
Phát biểu trước Đại hội đồng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý nhấn mạnh lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính nhằm vào Cuba đi ngược lại luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đây là hệ thống trừng phạt đơn phương bất công và kéo dài nhất từng được áp dụng đối với một quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại. Lệnh cấm vận đã gây ra những thiệt hại to lớn cho Cuba, khiến nhiều thế hệ người dân Cuba gặp muôn vàn khó khăn.
Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận đơn phương đối với Cuba, để Cuba được tự do tham gia bình đẳng và công bằng vào các quan hệ kinh tế, thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đại sứ cũng đánh giá cao mong muốn của Cuba tiếp tục đối thoại và hợp tác với Mỹ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, cũng như đàm phán các vấn đề song phương còn tồn tại trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại và tôn trọng chủ quyền quốc gia và độc lập của nhau.
Minh Ngọc