Cộng đồng quốc tế đang sát cánh cùng Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
Những tưởng việc Trung Quốc kéo nhóm tàu Hải Dương 8 ngang nhiên xâm nhập vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chỉ là vấn đề song phương, nhưng không, đây là vấn đề vừa song phương vừa đa phương.
Song phương là vì sự việc này có liên quan trực tiếp đến Việt Nam và Trung Quốc, nước cố tình gây hấn trước. Đa phương là vì TQ đã không thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và bộ “qui tắc ứng xử – COC” ở Biển Đông.
Vấn đề “song phương” thì chỉ có thể giải quyết bằng trao đổi thiện chí giữa hai nước bằng cách phân định hải phận giữa hai quốc gia có liên quan trên Biển Đông. Thế nhưng trước thái độ hung hăng bất chấp luật pháp, TQ lại đang tỏ thái độ không hề muốn hoà hoãn, phải chăng VN nên chọn phương án “đa phương hoá” vấn đề ở Bãi Tư Chính?
Nếu xét những hành vi của tàu nghiên cứu địa chất của TQ đã (và đang) diễn ra ở bãi Tư Chính và lô 6.1 đều cho thấy yêu sách chủ quyền của TQ là hoàn toàn phi lý.
Bãi Tư Chính được Trung Quốc đặt tên là Vạn An Bắc, bao gồm các lô 133, 134, 135, 136, 157, 158, 159 trên “bản đồ dầu khí” của VN. Toàn bộ khu vực Tư Chính nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của VN, tính từ điểm cơ bản “Hòn Hải” thuộc cụm đảo Phú Quí.
TQ phản đối hệ thống điểm (và đường) cơ bản của VN, vì nó cách xa bờ. Mặc dù TQ không nhìn nhận hệ thống điểm (và đường) cơ bản thì Bãi Tư Chính vẫn nằm trong thềm lục địa pháp lý của VN (thềm lục địa mở rộng 200 100 hải lý), còn lô 6.1 hoàn toàn nằm trong thềm lục địa địa lý và pháp lý (200 hải lý) của VN.
Như vậy, bản chất vụ việc ở bãi Tư Chính là TQ “ngồi xổm” lên luật lệ, bất chấp phán quyết ngày 11/7/2016 của Tòa Trọng tài quốc tế (không công nhận “đường lưỡi bò” của TQ trên Biển Đông).
Cho tới thời điểm hiện tại có thể nói Việt Nam đã giữ gìn rất tốt lãnh thổ khi mà nhóm tàu Hải Dương 8 vẫn chưa “hút” được một giọt dầu nào. Nếu nhớ lại vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 hoạt động ngoài khơi đảo Lý Sơn, Điều quan trọng là làm thế nào để chấm dứt hoàn toàn được hành vi ngang ngược của Bắc Kinh khi cứ vài năm nước này lại đưa tàu xâm nhập thô bạo vào lãnh hải của nước ta? Phải chăng chúng ta cần “đa phương hoá” vấn đề Biển Đông để kìm hãm sự bành chướng của TQ?
Có vẻ như đó cũng là nước cờ đang được các nhà hoạch định chính sách Việt Nam ráo riết theo đuổi. Cụ thể là Bộ Ngoại giao VN ngoài việc công khai lên án hành động hung hăng của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, còn chính chức kêu gọi ”tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế ” đến “đóng góp cho nỗ lực chung để bảo vệ và đảm bảo lợi ích chung của chúng ta”.
Ngoài ra, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước có chung quan điểm, Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về vụ việc đang diễn ra tại bãi Tư Chính. Đó là thông tin chính thức được tờ The Hindu của Ấn Độ đưa tin ngày 30/07/2019. Việt Nam cũng đã tiếp xúc với các nước như Mỹ, Nga, Úc và một số nước khác để bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đe dọa các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam, trong đó đặc biệt có lô dầu 06.1 là nơi mà tập đoàn Nga Rosneft và công ty Ấn Độ ONGC đã hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam từ gần 17 năm nay.
Nhiều người có ý kiến cho rằng một trong những cách đẩy vụ Tư Chính trở thành vấn đề “quốc tế” có lẽ là “khởi kiện TQ” như Philippines đã từng làm. Nếu kiện (theo mô hình của Philippines) VN nắm chắc phần thắng, nhưng liệu có chặn đứng được tham vọng bành chướng của TQ hay kết quả vẫn là một phán quyết y như phán quyết của Tòa tháng 7/2016: TQ không tham gia, không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa và dĩ nhiên không công nhận phán quyết của Tòa.
Do đó, nếu muốn khởi kiện VN cần phải có “tư duy mới” và cách tiếp cận mới trong những vấn đề Biển Đông. Điều đó đòi hỏi giới học giả VN về Biển Đông đóng góp nhiều hơn vào công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích của VN ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước mình.
(Theo Bút Danh)